.

Hạt vàng

Thứ Ba, 03/01/2017, 09:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Thị trấn không nghèo mà cũng chẳng giàu, nằm lọt thỏm trong lòng thung có núi cao bao bọc. Đường vào thị trấn chênh vênh. Không có nhiều ruộng đất để canh tác hoa màu, người ta di thực những cây thuốc quý của rừng quanh đó về trồng và bán cho những nhà chế biến đông dược. Không phải chạy vắt giò lên cổ bởi chẳng có mùa vụ gì thôi thúc và cũng không quá lệ thuộc vào tính đỏng đảnh của ông trời.

Thị trấn xanh ngút ngàn. Xanh rừng, xanh cây cỏ nếu không có những mái nhà ngói đỏ, ngói nâu thì ai đó sẽ cho là thảo nguyên bao la bởi hầu hết các con đường đều có cây che bóng mát, còn dòng sông thì bé tí tẹo như sợi khói nếu nhìn từ trên cao.

Mùa nắng cũng là mùa khoe hương, khoe sắc của các loại hoa rừng, hoa nhà; cũng là mùa thu hoạch cây thuốc. Người ta ra đồng từ sáng tinh mơ. Sương đậu trắng riềm mi, mái tóc; làm co ro thêm tấm thân gầy. Cách khắc phục nhanh nhất là làm việc để chống cái lạnh. Thu hái, cắt, nhổ tuỳ loại rồi phơi phóng ngay trên luống, sau đó mới gom về. Công việc chỉ có vậy. Làm cả năm thu hoạch chỉ một đôi ngày.

Mùa mưa thị trấn im thin thít. Gió núi lồng lộng, cửa đóng then cài. Chiều xuống nhanh như rớt thác nên ngày tưởng như ngắn lại. Mùa này là mùa của nữ; mùa của đan, thêu, dệt thổ cẩm nhưng hoàn toàn bằng thủ công nên nơi đây khá thân thiện và yên bình.

Cơ sở thu mua, sơ chế cây thuốc của thầy Nam nằm ở cuối thị trấn, ít xe cộ qua lại nên  không khí khá trong lành. Nam có giấy phép hành nghề đông dược hẳn hoi, có vốn kiến thức về cây thuốc và ăn nói lưu loát nên luôn làm hài lòng những ai khó tính nhất. Chữ thầy cao quý được cả thị trấn gọi Nam có thể là yêu ái hơn là vị nể bởi người thầy trong văn hoá lâu đời là người khai hoá tâm hồn với sứ mệnh thiêng liêng và cao cả là trồng người, trồng thế hệ tương lai.

Có điều kiện kinh tế và có cái tâm nên hàng ngày Nam vẫn thăm khám và cấp thuốc miễn phí cho hàng chục bệnh nhân nghèo. Nam bảo:

- Có thuốc quý, có bài thuốc gia truyền nhưng phải yêu nghề và có duyên với nghề thì mới chữa lành bệnh được.

Cơ sở của Nam có đến vài mươi người giúp việc nhưng nhiều nhất vẫn là lớp trẻ. Họ đến đây cốt để biết thêm về cây thuốc về nghề hơn là ở nhà ăn không ngồi rồi bởi thu nhập cũng chẳng đáng là bao.

Nam mở thêm lớp bổ túc kiến thức về thảo dược, có thu phí nhưng không nhiều. Ai không quan tâm thì chả dại mà móc hầu bao, còn ai yêu nghề thì phải học, mà đã học thì phải học ra trò. Không thật hiểu biết tường tận về cây thuốc thì không thể theo nghề này được. Thiên nhiên cũng không cho con người thói lơ mơ bởi cây cũng giống cây, lá cũng giống lá nhưng tính độc và tính lành khác nhau. Chết người là cái chắc nếu vớ bẫm vào cây độc. Bằng chứng là mới đây thôi chứ chẳng năm nảo năm nào đâu, mấy người ở Cát Tiên đã nâng ly chúc mừng nhau bằng chai rượu quý với những thảo dược thuộc loại “Nhất dạ lục giao...” của “Minh Mạng thang” chứ chẳng vừa. Oái ăm thay trong đó có lá ngón mà không mảy may ai biết, ai hay. Lá ngón cực độc, chỉ cần nhai vài ba lá là lên tiên tức thì. Có người ví von đó là cây ba bước, nghĩa là nhai xong bước được ba bước là cùng. Nhanh khiếp. Ngay như cây sơn, mủ của nó làm tranh sơn mài rất tốt nhưng cũng cực độc, chỉ cần đi ngang qua cây này  người không hợp sẽ nổi rôm sảy đầy mình.

- Chào thầy.

- Lại đi trễ nữa. Gần nửa tiếng rồi đấy.

- Em xin lỗi.

- Về chỗ đi.

- Dạ.

Nam nhìn thằng bé đăm đăm, không nói thêm gì. Cả tuần nay nó đều đi trễ như thế và cũng mặc mỗi bộ đồ này. Cũ thì có cũ nhưng không cáu bẩn. Là thầy thuốc chứ đâu phải thầy chữ, Nam quan niệm học trò của mình không thua gì sinh viên đại học. Có thích, có yêu nghề thì siêng học, siêng đến giảng đường. Không thì thôi. Nhưng sinh viên đại học ra trường chưa chắc đã có việc làm thì làm sao mà dễ dàng làm được thầy... Còn học trò của Nam học hành đến nơi đến chốn, có tâm, có tầm mà không làm thầy thì mới là lạ. Có ai bắt lương y phải có bằng nọ, chứng chỉ kia đâu nào. Lương y là lương y, là thầy. Ai tin thầy thì cứ tới.

Nam không thèm quan tâm đến thằng bé đã gần tháng qua bởi chuyện đi học trễ của nó. Không phải bắt nó chép phạt những câu nghe như sấm nhưng lại vô cùng dân dã, dễ đi vào lòng người nhưng cũng rất khoa học, rất am tường cây cỏ, đất trời. Kiểu như: “Trẻ ho muốn chẳng mất tiền, hoa đu đủ đực uống liền hết ngay” hoặc “Ai mà băng huyết khí hư; lá tre, huyết dụ uống như nước chè” thì không học thuật đầy mình thì là gì. Để rồi cuối cùng “ Ta về ta uống thuốc ta, thuốc nam truyền thống ông cha lưu truyền” rất nghĩa tình còn có khẩu hiệu hay không thì lại là chuyện khác. Cao hơn một chút thì có bà chúa thơ nôm họ Hồ cũng mê như điếu đổ cái vị cay đắng ngọt bùi lẫn hăng hắc của cây thuốc xứ mình: “Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì, thương chồng nên khóc tỉ tì ti, ngọt bùi thiếp nhớ mùi cam thảo, cay đắng chàng ơi vị quế chi, thạch nhũ trần bì sao để lại, quy thân liên nhục tẩm màng đi...”. thì mọi chuyện chừng như thiên tào đã định. Tây y bó tay.

Chỉ cần nó “Chào thầy” là Nam khoát tay ra ý đã nghe là xong. Nhưng rồi lương tâm người thầy đã không cho phép Nam làm điều đó. Nam bỏ ra vài giờ của vài buổi sáng là biết thằng bé còn vất vả với manh áo miếng cơm như thế nào. Công việc của nó là công việc của người bưu tá nhưng giờ giấc không hành chính như bưu tá. Nó làm từ năm giờ, từ lúc bình minh chưa thức giấc. Với chiếc xe đạp cũ kỹ, cà tàng nó chạy khắp thị trấn này phát báo, đưa thư. Cuộc sống với nó thật là đáng yêu, nó quen biết hầu như tất cả các tầng lớp cư dân của thị trấn này nhưng yêu nhất có lẽ nhóm bạn bè của các cụ cao tuổi. Các cụ dậy từ bốn giờ sáng, đi quanh bờ hồ rồi ghé quán nước trong công viên chuyện trò. “Cháu cứ mang báo lại đây, hơn chục người đấy. Ai không có mặt thì các chú sẽ mang tới nhà giúp cho, tiện thể thăm nom hay thăm viếng luôn cũng được. Đằng nào thì cũng thế mà, không trước thì sau. Mấy chú còn yêu trần gian này lắm lắm nhưng không thích ồn ào mặt phố nên ẩn mình trong ngõ, trong ngách cho yên ấy thôi, lại còn sur nọ, sur kia tốn công tìm lắm. Cháu cứ mang hết ra đây”. Thằng bé chỉ biết cười, dạ dạ vâng vâng rối rít.

“Tội nghiệp, không chiếc áo lạnh, không nón che đầu”. Hình như lần đầu Nam quan tâm đến người khác, quan tâm đặc biệt chớ không hình thức dỏm dáng. Nam liên tưởng đến giờ này, đến nệm êm chăn ấm của mình thì thằng bé phải tất bật ngược xuôi, phải gồng gân xua đi buốt rét. Thương quá nhưng biết phải làm sao đây.

- Thưa thầy, em đóng học phí tháng này ạ.

- Học hành bữa đực bữa cái mà đóng điếc gì.

- Dạ, em vẫn học tốt mà. Thầy.

Bài vở thì cũng đủ, hẳn nó đã phải chép lại ai đó nhưng có thêm nhiều hình minh hoạ chi tiết khác ngoài sự truyền đạt của Nam. Nam thấy vui vui nhưng không khỏi thắc mắc:

- Hình ảnh này em lấy ở đâu ?

- Trên mạng, trang Thảo dược Việt Nam, báo Sức khoẻ đời sống...

- Có sáng kiến, có đối chiếu nhưng thực tế thì vẫn hơn.

- Dạ, em sẽ cố gắng.

- Cầm tiền lại đi. Từ nay em không phải đóng học phí nữa. Tiền đó để mua sách vở hay cái áo, cái quần gì đó đi em. Thầy thấy em chỉ mặc mỗi bộ đồ này.

- Dạ, do đại lý sách báo cấp phát đó thầy. Quen rồi, mặc áo lạ đến nhà người ta sớm, chó sủa rân ai mà ngủ được. Họ không ghét thì cũng chẳng ưa gì mình.

- Thì ra là thế. Nhưng đó là món quà mà thầy tặng em. Em muốn mua sắm gì thì tuỳ.

Tiết học thành công nhiều hơn Nam tưởng. Nam không khiêm nhường nhưng thay vì dạy thì Nam đã học được ở thằng bé tính cần cù, chịu thương chịu khó, không vì mình mà vì mọi người. Người có lòng nhân như nó khác gì hạt vàng giữa bãi cát mênh mông.

Truyện ngắn của Lý Thị Minh Châu