.

Độc đáo giỗ họ ở làng Tân Lý

Thứ Ba, 27/12/2016, 16:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Hằng năm, cứ vào dịp 15 - 11 (âm lịch), người dân làng Tân Lý, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa lại về sum họp với gia đình để làm mâm cơm giỗ họ. Đây cũng là dịp để con cháu trong làng sum họp, báo hiếu công sinh thành đối với những người đã khuất.

Theo các cụ cao niên làng Tân Lý kể lại, xưa nay làng có hai dòng họ chung sống với nhau là họ Trương và họ Thái. Hai họ ở cùng làng nên sống với nhau rất hòa thuận, sống có đạo hiếu với cha mẹ, tổ tiên. Chị Thái Thị Thương, một người con trong làng lấy chồng xa quê tâm sự: ‘‘Năm nào cũng thế, đến dịp giỗ họ là tôi đưa chồng con về thăm gia đình, soạn sửa mâm cơm giỗ họ để tỏ lòng thành kính những bậc sinh thành, răn dạy con cái sau này có đi đâu, về đâu cũng phải nhớ ngày giỗ họ mà về’’.

Trước kia, cuộc sống của người dân làng Tân Lý còn khó khăn... Mỗi dịp giỗ họ, thanh niên trai tráng trong làng lên rừng săn nai, lợn, lấy lóng (thân cây chuối rừng), hái rau tớn, bắp gió... đem về làm cỗ cúng. Phụ nữ giã gạo, xuống khe xúc thêm tôm, cá để mâm giỗ thêm thịnh soạn, lại thể hiện được cái tâm của con cháu với ông bà tổ tiên.

Thời gian cứ thế trôi qua, cuộc sống khấm khá hơn, con cháu trong làng ngày một đông. Để tiện việc giỗ chạp, các cụ cao tuổi trong họ cùng nhất trí tách họ ra thành từng nhánh khác nhau như: Trương Hữu, Trương Văn, Trương Đình...

Riêng họ Thái thì vẫn không phân nhánh mà giữ nguyên Thái Văn cho đến tận bây giờ. Đối với nữ cả hai họ thì có tên là Thái Thị hoặc Trương Thị. Ngày trước, người dân trong làng Tân Lý thường gọi giỗ họ bằng cụm từ chạp họ. Mỗi nhánh sẽ có một người trưởng và người này phải là đàn ông lớn tuổi nhất, con cháu các nhánh sẽ tập trung về nhà nhánh trưởng để chạp họ.

Nhiều mâm lễ được đặt lên bàn thờ tổ tiên.
Nhiều mâm lễ được đặt lên bàn thờ tổ tiên.

Việc giỗ họ ở làng Tân Lý có nhiều điểm đặc biệt. Mỗi gia đình phải tự chuẩn bị mâm cỗ rồi đem đến nhà trưởng họ cúng. Sau khi cúng xong, mâm ai nhà nấy đưa về nhà ăn, hay mời khách của mình và những người khác. Để giỗ họ, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cỗ thật to, thịnh soạn có đủ xôi, gà, rượu... để cúng. Tất cả các lễ vật cúng giỗ phải tự trong nhà nuôi rồi tự chế biến. Gà trong mâm giỗ phải chọn con gà trống to nhất đàn, chính tay chủ nhà làm thịt sạch sẽ rồi luộc chín.

Ông Trưng Đình Huê, hơn 70 tuổi ở làng Tân Lý cho biết: ‘‘Đến ngày giỗ họ, tôi phải gọi con cháu dậy thật sớm làm thịt gà, chẻ củi, đi mua rượu, nấu xôi và môt số thứ khác để soạn mâm cỗ. Công việc không nặng nhọc, nhưng con cháu phải thành tâm, làm hết sức cẩn thận. Luộc gà, nấu xôi vừa chín, ngon. Sau bữa cơm trưa, 1 giờ chiều ngày rằm tháng 11 (âm lịch), trưởng họ gõ một hồi chiêng lớn báo hiệu giờ giỗ họ bắt đầu. Nhà nhà tất bật quang gánh đưa lễ vật về nhà trưởng họ để thực hiện nghi lễ. Người đi giỗ họ phải là người trụ cột trong gia đình, con cái trong nhà nếu đã lập gia đình thì phải có mâm cỗ riêng”.

Chúng tôi đến nhà trưởng họ Trương Hữu vào lúc một giờ chiều. Lúc này, bà con trong dòng họ đã có mặt đông đủ, các mâm cỗ đã được đặt lên bàn thờ gia tiên. Người trưởng họ làm cúng đọc lại lịch sử của dòng họ, cầu xin cho mưa thuận gió hòa, con cháu làm ăn no đủ, sức khỏe bình an, mùa màng tươi tốt.

Cụ ông Trương Hữu Quyên, 87 tuổi - trưởng nhánh Trương Hữu nói: “Mỗi khi giỗ họ, con cháu đều đến đông đủ, có đứa làm ăn ở xa nhưng cũng thu xếp về nhà để được giỗ họ nên tôi vui lắm. Chỉ mong sao cho ông bà tổ tiên của dòng họ phù hộ độ trì cho con cháu sức khỏe, làm ăn tấn tới”.

Anh Trương Hữu Vũ, một thành viên trong dòng họ Trương Hữu hiện sống và làm việc tại thành phố Đồng Hới về dự lễ giỗ họ cho hay: “Đến ngày giỗ họ, dù công việc bận đến đâu, gia đình tôi cũng cố gắng thu xếp về cùng bố mẹ làm cỗ giỗ họ. Bởi đây là dịp để tỏ lòng biết ơn, hiếu kính của con cháu đối với tổ tiên của mình, gặp lại anh em, con cháu để ôn lại những tháng ngày vất vả bên nhau. Và hơn hết là để giáo dục con cái tôi được biết về dòng họ, nhớ về cội nguồn gốc rễ của mình”.

Lễ giỗ họ diễn ra khoảng hơn một tiếng đồng hồ, mọi người quây quần bên bàn thờ để dâng những nén tâm nhang như là lời tri ân, lời cảm tạ của hậu thế đối với các thế hệ đi trước. Tục giỗ họ của làng Tân Lý không đơn thuần là việc tưởng nhớ đến công lao của tổ tiên mà còn nhắc nhở con cháu phải biết giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dòng họ.

Xuân Vương-Trần Hùng