.

Kỷ niệm chiến tranh

Thứ Năm, 29/12/2016, 16:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Ai đã từng trải qua những năm tháng chiến tranh đều có hoặc chứng kiến những kỷ niệm vui, buồn, đau xót của mình hoặc người khác. Anh Nguyễn Văn Hiệp (sinh 1930) nguyên cán bộ ngành Ngân hàng Nhà nước đang nghỉ hưu tại phường Đồng Mỹ, TP.Đồng Hới đã kể cho chúng tôi nghe một kỷ niệm sâu sắc xảy ra trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ.

Thắp bát nhang, người chết... bỗng xuất hiện

Cuối tháng 12-1967, anh Nguyễn Văn Hiệp được Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Bình phân công về chỉ đạo công tác kiểm định, tất toán tại Ngân hàng Nhà nước huyện Minh Hóa. Cùng đi, có anh Trương Văn Hòa, cán bộ Phòng kế toán trong cơ quan, đi làm việc với Ngân hàng Tuyên Hóa, vùng dưới.

Sau khi chia tay với đồng nghiệp Trương Văn Hòa, với ba lô trên vai, băng đường, vượt dốc hơn 20km nữa, chiều ngày 26-12-1967, anh Nguyễn Văn Hiệp đã có mặt tại Ngân hàng Nhà nước huyện miền núi Minh Hóa. Trong những ngôi nhà lá, vách đất nằm xa nhau, nấp dưới những tán cây cao, rậm rạp để tránh sự nhòm ngó của máy bay Mỹ, các cán bộ ngân hàng làm việc khá tất bật, rộn ràng.

Khi anh Hiệp cởi tơi, nón bước vào văn phòng cơ quan thì mấy người đang có mặt ở đây đều đứng cả dậy. Anh chị em mấy phòng bên cũng bước sang. Lúc đó, nét mặt ai cũng ngơ ngác, lạ lẫm. Một cán bộ nam tiến tới, sau cái bắt tay liền ôm chặt, xoa lưng, xoa vai anh Hiệp mà thốt lên: “Ờ, anh Hiệp, anh Hiệp đây rồi! Anh Hiệp thật đây rồi này!”. “Ừ, Hiệp đây! Mà sao cậu lại như người ngoài hành tinh lạc xuống đây thế?” anh Hiệp hỏi lại.

Một chị bạn bỗng bật khóc. Chị này cầm tay anh Hiệp nói ngay: “Tưởng anh và anh Hòa bị bom Mỹ giết hại dọc đường rồi. Kìa, anh không thấy bàn thờ tưởng niệm anh và anh Hòa chúng tôi lập tạm ở góc phòng đó à?”. Nhìn vào góc nhà, trên một chiếc bàn nhỏ có đặt một lọ hoa rừng, một nải chuối xanh và bát nhang đang tỏa hương.

Chuyện bấy giờ với vỡ nhẽ, mọi người đưa cho anh Hiệp xem bức điện mà bưu điện huyện mới chuyển đến khi sáng (thời kỳ đó, điện thoại bàn rất hiếm, chỉ ưu tiên ở cơ quan bưu điện và một số bộ phận thuộc cơ quan lãnh đạo hoặc quốc phòng, an ninh - NV). Nội dung như sau: “Tin Hiệp Hòa đã chết”. Chủ nhân bức điện báo là Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Bình”. Do bức điện tiết kiệm chữ và dấu câu từ nơi điện đi đã dẫn đến chuyện cười... ứa nước mắt đối với người sống và cả người tưởng như đã chết. Theo anh Nguyễn Văn Hiệp kể lại, sau phút bàng hoàng, anh rất hãnh diện. Vì người chết trở về trong chiến tranh do sự nhầm lẫn từ nhiều nguồn thông tin là chuyện thường có. Nhưng dù sao, bát nhang, nải chuối xanh, bình hoa rừng cũng đã nói lên tình đồng chí ấm áp, cảm động biết bao.

Nỗi đau của người trong cuộc

Bức điện báo “Tin Hiệp Hòa đã chết” phút đầu tiên gây “sốc” cho anh Nguyễn Văn Hiệp lúc bấy giờ. Nhưng, hai hôm sau, chính bức điện báo đó lại là “sét đánh ngang tai” đối với người trong cuộc. Những năm tháng đó, theo chủ trương của Tỉnh ủy, UBHC và Ty giáo dục Quảng Bình, để bảo đảm tính mạng cho thầy và trò, Trường phổ thông cấp 3 huyện Quảng Ninh phải nhanh chóng lên sơ tán ở thôn Xuân Hóa, xã Quy Hóa, huyện miền núi Minh Hóa.

Tối hôm đó, sau 2 ngày anh Nguyễn Văn Hiệp mừng vì “không chết” thì một giáo viên Trường cấp 3 Quảng Ninh vừa sơ tán lên, tìm đến nhà ở của cán bộ Ngân hàng Nhà nước Minh Hóa chơi. Anh ấy đã thuật lại rành rọt chuyện một học sinh của trường tên là Hòa đã bị bom Mỹ giết hại. “Hòa đã chết” trong nội dung bức điện kia, chính là con trai của anh Nguyễn Văn Hiệp.

Nguyễn Văn Hòa (Sinh 1950) là con trai đầu lòng của anh Nguyễn Văn Hiệp. Năm 1967, em đang là học sinh lớp 9 (hệ 10 năm) của Trường phổ thông cấp 3 Quảng Ninh. Là một học sinh chăm, ngoan, có ý thức phấn đấu tốt nên năm nào, em cũng là học sinh giỏi của trường. Vì thành tích học tập và phấn đấu xuất sắc của mình nên lúc đó Nguyễn Văn Hòa được nhận học bổng đặc biệt do Trung ương Đoàn và Ty Giáo dục cấp. Mỗi tháng, học sinh thuộc diện này được cấp 13kg gạo và 9 đồng tiền mặt (lương cơ bản của cán bộ lúc đó là 25 đến 30 đồng/tháng).

Nguyễn Văn Hòa không những là học sinh giỏi mà còn là đội trưởng đội học sinh “Cờ đỏ” của lớp. Những học sinh “Cờ đỏ” là những em xông xáo, có trách nhiệm với công việc lớp. Và nếu có cán bộ, bộ đội qua đường, trời tối, có nhiệm vụ làm giao liên, dẫn dắt từng người vào nhà dân trọ nghỉ qua đêm hoặc một số ngày.

Tối ngày 20-12-1967, Nguyễn Văn Hòa đang dẫn 5 chú bộ đội đến trọ đêm ở nhà dân tại thôn Đại Phúc, xã Vạn Xuân, huyện Quảng Ninh (nơi Trường cấp 3 Quảng Ninh đang tạm sơ tán) thì bị máy bay Mỹ bắn rốc két, tất cả mọi người đều hy sinh trên đường đi.

Nhận được tin dữ ấy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Quảng Bình đã cử cán bộ đến gặp Phòng điện báo bưu điện tỉnh để điện lên Ngân hàng Nhà nước huyện Minh Hóa báo tin. Đáng ra, bức điện báo phải viết: “Tin cho anh Hiệp, cháu Hòa đã chết”, nhưng quá tiết kiệm từ ngữ và dấu câu nên bức điện đã để lại câu chuyện hiểu lầm.

“Anh em trong cơ quan Ngân hàng Minh Hóa an ủi, động viên tôi và giục tôi hãy quay về để chịu tang cháu. Nhưng, nghĩ rằng, công việc tất toán cuối năm sẽ ách tắc, gây ảnh hưởng không nhỏ cho mọi việc tiếp theo sau đó của Nhà nước nên tôi không nỡ vượt hơn 100km cuốc bộ trở về. Tôi đã chịu đựng nỗi đau riêng, cùng anh chị em hoàn tất công việc cuối năm. Mãi đến ngày 10-1-1968, tức sau 20 ngày con trai tôi mất, tôi mới về đến nhà”, anh Nguyễn Văn Hiệp nói.

Rồi anh Hiệp kể tiếp: “Lúc tôi vừa bước vào nhà, vợ tôi ôm chặt tôi mà khóc nức nở, rồi sau đó ngất xỉu. Tôi và dì cháu phải xoa bóp hồi lâu vợ tôi mới tỉnh lại. Linh sàng đơn sơ. Chỉ có bát gạo cắm đầy nhang. Con trai tôi có được cái ảnh bán thân cỡ 3x4 chụp lúc 10 tuổi đã được gia đình dán vào tấm bìa nhỏ, đặt trong khung gỗ không có kính, để chính giữa bàn, đằng sau bát hương. Nhìn ảnh, tôi tưởng như con đang trách móc: “Sao chừ ba mới về?”. Tôi thắp hương vái lạy hương hồn con mà giàn giụa hai hàng nước mắt”.

Chiến tranh đã lùi xa, bao kỷ niệm vui, buồn một thời khói lửa vẫn in đậm trong ký ức của bao nhiêu người. Dù là nhiều hay ít, đậm hay nhạt, tất thảy đều ánh lên vẻ đẹp tuyệt vời về nhân phẩm, đạo đức của người Việt Nam trong chiến đấu, kiên cường chống giặc ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc. Chuyện kể của anh Nguyễn Văn Hiệp là một trong những câu chuyện đầy cảm động mang vẻ đẹp đó.

Hồ Ngọc Diệp