.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thành Vương: Đã đam mê là "cháy" đến kiệt cùng

Thứ Bảy, 24/12/2016, 16:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thành Vương tự nhận mình là ngông. Cuộc đời cũng lắm phen chìm nổi bởi cái ngông ấy. Và tất nhiên, thành công cũng bởi đâu đó có chất ngông trong tâm hồn vốn sẵn nghệ sỹ của anh.
 

NSNA Thành Vương
NSNA Thành Vương

1. Nhiếp ảnh và tất thảy những môn nghệ thuật khác, muốn sống và tồn tại trong địa hạt này, đam mê thôi chưa đủ mà còn là sự may mắn được trời phú cho ít nhiều năng khiếu. Thành Vương là một người may mắn!

Đã nhiều bận được cùng anh rong ruổi trên các cung đường gió bụi, được tận thấy anh lăn lộn sáng tác, với tôi, NSNA Thành Vương có một con mắt nghệ thuật mà hiếm ai có được. Anh có khả năng phát hiện nhanh nhạy, nhìn thấy cái đẹp từ trong chính những sự vật tưởng chừng bình dị nhất. Vậy nên, ảnh của Thành Vương đôi khi chỉ đơn giản là cảnh sắc thiên nhiên, là cảnh sinh hoạt đời thường nhưng tất thảy đều rất có hồn.

Những tác phẩm được đánh giá cao như “Quê ngoại”, “Bên nhau tháng ngày”, “Gái Thượng Phong”... đều là khoảnh khắc rất đỗi đời thường, tưởng chừng như có thể bị lướt qua dễ dàng. Ảnh của Thành Vương là vậy: mộc mạc nhưng rất có hồn. Và người nghệ sỹ ấy đã tìm thấy cái ý tứ đẹp đẽ từ trong chính những hương đồng, gió nội ngoài kia.

Vậy nhưng, để “săn” được những khoảnh khắc bình dị ấy lại không hề đơn giản. Thành Vương đã đánh đổi cả thời gian, sức khỏe để lăn lộn trên những cung đường đầy gió bụi, chỉ với một niềm đam mê duy nhất: sáng tác ảnh. Anh mê mải trên những chặng đường đi, quăng quật mình với nắng gió cùng vất vả.

Sắp sửa chạm ngõ lục tuần nhưng nhìn Thành Vương chẳng khác nào một nghệ sỹ trẻ với hừng hực lửa đam mê, nhiệt huyết và vẫn dồi dào sức khỏe. Hễ cứ có cơ hội là anh lại sẵn sàng lên đường, lại vùi đầu vào sáng tác. Hôm nay thấy anh lên với các bản vùng núi heo hút, mai lại thấy anh khám phá Tú Làn, ngày kia lại thấy dáng Thành Vương còm cõi trên những trảng cát dài, đôi tay mang chiếc máy ảnh nặng trịch.

Nhiều người nghĩ nhiếp ảnh chỉ đơn giản là một cú bấm máy, chỉ cần vài giây là “chép” lại được đời thực, nhẹ tênh như không. Nhưng để có được vài giây ấy là cả một quá trình trải nghiệm và cả sự dấn thân.

NSNA Thành Vương không quên được kỷ niệm lần anh chụp những bức ảnh toàn cảnh khu Mỹ Cảnh (Đồng Hới). Để được một bức ảnh ưng ý, anh phải bay dù ở độ cao 90m. Gió mạnh, dù rung lắc nên mãi mà không thể bay vào được bờ. “Vậy là phải nhảy xuống nước, rồi bất tỉnh. Phải 5 phút sau khi được đưa lên bờ, mình mới tỉnh lại. Đến giờ, đó có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ và cũng là lần tác nghiệp nguy hiểm nhất”, Thành Vương nhớ lại.

Sau sự cố nhớ đời ấy, cứ ngỡ anh sẽ “chùn chân, mỏi gối” nhưng không, ở Thành Vương vốn có tính ngông lại sẵn máu liều nên những cung đường sáng tác của anh cứ nối dài ra mãi. Mà càng đi thì càng say sưa. Và càng say sưa thì càng chẳng thể dứt ra nỗi duyên nghiệp ấy. Có những buổi đang đi cùng đoàn, thoắt cái đã thấy dáng anh thấp thoáng trên ngọn đồi phía trước mặt, mắt nheo nheo qua ống kính. Cũng có lúc giữa cuộc chuyện trò rôm rả chốn đông người, thỉnh thoảng lại thấy anh ngồi thần người ra nghĩ ngợi. Khuôn mặt đã lấm tấm dấu vết thời gian bắt đầu nhăn nhúm lại. Những ngày tuổi đã bắt đầu bóng xế, tóc đã ngả màu, anh vẫn cứ luôn đi, luôn nghĩ và luôn trăn trở với những dự định sáng tác mới như thế.

Tác phẩm Vũ điệu tuổi thơ của NSNA Thành Vương.
Tác phẩm Vũ điệu tuổi thơ của NSNA Thành Vương.

2. Gọi nhiếp ảnh là duyên nghiệp của Thành Vương cũng chẳng sai. Sau bao bận nổi nênh cùng sóng gió đời thường, Thành Vương đã chọn lấy nhiếp ảnh nghệ thuật để cùng buồn vui, san sẻ. Tốt nghiệp chuyên ngành Sáo trúc, Trường Quốc gia âm nhạc kịch nghệ Huế (nay là Học viện Âm nhạc Huế - PV), nhưng gần chục năm đầu khởi nghiệp, anh lại là nhạc công của Đoàn ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng, chuyên về guitar bass. Nhiều năm tiếp đó, Thành Vương thử sức mình trên lĩnh vực ảnh khi trở thành nhân viên của Trung tâm Ảnh màu điện tử, thuộc Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ.

Phải đến năm 2005, sau gần 10 năm trở về quê hương lập nghiệp, Thành Vương mới bắt đầu dò dẫm những bước chân đầu tiên ở địa hạt nhiếp ảnh nghệ thuật. Và không sai khi nói rằng người như Thành Vương, một khi đã đam mê là “cháy” đến kiệt cùng. Anh lao vào ảnh nghệ thuật rồi say lúc nào chẳng rõ. Người đàn ông này hiểu và nếm đủ tất thảy những thiếu hụt, buồn vui, may rủi khi đã trót vận vào mình một đam mê. Đã có bận, chỉ vì mê cái máy ảnh kỹ thuật số quá, anh sẵn sàng bán luôn cả căn nhà đang ở để mua nó và theo học một lớp về kỹ năng sử dụng.

Đến giờ, ngẫm lại những điều đã qua, anh vẫn bảo, mình không hề thấy hối tiếc dẫu cuộc sống sau đó là chuỗi ngày chật vật cùng nỗi lo cơm áo. Ngay cả khi cuộc sống khó khăn đến ngột ngạt, những tủn mủn thường nhật cứ cuốn anh đi, nhưng chưa bao giờ, anh cho phép mình dễ dàng quay đầu trên con đường nghệ thuật đã chọn. Và bao nhiêu năm qua, hay đến hôm nay vẫn vậy, để sống và đam mê cùng nhiếp ảnh nghệ thuật, anh vẫn phải đối diện với bao vần vũ bão dông mà chưa bao giờ người trong cuộc thôi quyết liệt rằng bản thân phải vượt lên nó.

 NSNA Thành Vương tên đầy đủ là Nguyễn Thành Vương, sinh năm 1958, tại Quảng Xá, Tân Ninh, Quảng Ninh. Anh kết nạp hội viên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam vào năm 2012 và hiện là Chi hội trưởng Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Quảng Bình. NSNA Thành Vương có các tác phẩm tiêu biểu được giải cao tại các kỳ liên hoan khu vực, các giải ảnh ngành như: Gái Thượng Phong, Bên nhau tháng ngày, Nối sáng, Hồi tưởng, Tuổi thơ...

3. Thành Vương là thế! Chưa bao giờ anh quên mình là một người nghệ sỹ nhưng đang mang trên vai trọng trách của một người đàn ông trụ cột. Sáng, thấy dáng anh còm cõi trên chiếc xe cũ mòn, sau lưng là một ba lô nặng trịch. Anh bảo: “Lại lang thang sáng tác. Đời chỉ vậy là vui”. Chiều lại gặp Thành Vương tất tả ngay trước cổng trường mầm non. Anh lại bảo: “Phải đón sớm, không thì thằng cu nó trông”. Hóa ra, bên trong một NSNA Thành Vương lại luôn tồn tại hai con người: một người nghệ sỹ khá thành công, hết mình vì nghệ thuật và một người cha vẹn tròn trách nhiệm. Thường thì người nghệ sỹ một khi đã chuyên tâm sáng tác và sống trọn với niềm đam mê ấy thì với gia đình luôn có một khoảng chênh vênh, nhưng Thành Vương lại khác. Cuộc đời như một sân khấu mà vai diễn nào anh cũng muốn mình tròn vai, mà đúng là anh tròn vai thật! Vậy nên, hễ cứ nhìn Thành Vương, cho dù khi anh đang vui hay đang buồn, đang nhẩn nha cà phê hay đang say sưa sáng tác, bao giờ tôi cũng thấy dáng anh tất tả. “Nhìn anh, em cứ thấy anh khổ”, tôi nói vậy. Thành Vương gật đầu tắp lự: “Anh khổ nhưng anh thấy mình vui”. Cũng hóa ra, niềm vui của anh đâu chỉ đơn giản là khi được cầm máy mà ngay cả khi cuộc đời cứ biến hóa khôn lường trước mắt mình, anh vẫn tự chọn cho mình niềm vui để vỗ về những sấp ngửa giữa đời.

Người làm nghệ thuật có chăng may mắn hơn nhiều người ở lẽ đó: biết chọn lấy niềm vui để cân bằng cho chính cuộc sống của mình và làm lan tỏa niềm vui ấy đến cả những người xung quanh, ngay cả khi cuộc sống đang vần vũ bão dông.

Diệu Hương