.

Biển trong thơ Hồ Ngọc Diệp

Thứ Sáu, 23/12/2016, 10:47 [GMT+7]

(Nhân đọc MÙA BIỂN – Thơ Hồ Ngọc Diệp, NXB Thuận Hóa, 2016)

(QBĐT) - Gắn bó với biển từ những ngày ấu thơ cho đến tuổi trưởng thành, Hồ Ngọc Diệp có rất nhiều kỷ niệm về biển. Biển đã hằn sâu vào ký ức của ông, luôn ám ảnh ông, nuôi dưỡng tâm hồn ông. Biển đã trở thành máu thịt đời ông; là nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ông.

Đọc MÙA BIỂN, người đọc bắt gặp đủ sắc thái tình cảm của ông đối với biển. Nào là Biển trong tôi, Biển vào hạ, Vụ nam làng biển, Trai làng biển, Làng ngư vào hội, Ra khơi giữa ngày xuân, Tàu về bến đỗ,... Nào là Hương biển, Tình biển, Hồn biển, Mùa biển, Làng biển vào mùa, Mùa này làng biển,... Có cảm tưởng: Hồ Ngọc Diệp đã sử dụng hết vốn ngôn từ có trong mình để ca ngợi biển mà vẫn thấy còn thiếu! Tất cả màu sắc, âm thanh, mùi vị của biển, của mảnh đất và con người xứ biển hiện lên trong thơ ông thật đa dạng, sinh động. Đây là cảm nhận của ông về những thuộc tính của biển:

Biển trầm tư, khi cơn gió ngủ quên
Biển phập phồng, khi mặt trời hé nhú
Biển tung bờm cuộn dâng làn sóng dữ
Khi triều lên ngọn gió mạnh tuôn về

(Hồn biển)

Tùy từng lúc, Hồ Ngọc Diệp có cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm, cách liên tưởng về biển khác nhau. Lúc bình yên thì hiền hòa biển hát thì thầm, sóng dâng dào dạt. Lúc trời động thì biển gầm tung bọt sóng. Biển biết giận dữ với kẻ thù xâm hại mình. Lòng biển cũng đau xé như lòng người vậy:

Lòng đau xé như ai chà muối mặn
Khi biển đảo xa bị xâm lấn, bủa vây

(Hồn biển)

Các “chủ nhân số một” của biển mà Hồ Ngọc Diệp trân trọng vinh danh là các ngư ông dày dặn kinh nghiệm, là các chàng trai đầy khí phách, dũng cảm:

Vạm vỡ lưng trần, da tựa mật ong
Ngực thở phập phồng tựa hồ biển thở
Săn chắc tay chân, cuộn bắp từng thớ

(Trai làng biển)

Cùng đồng hành với các chủ nhân số một nêu trên là những người mẹ, người vợ, người con, người chị, người em làng biển. Họ luôn luôn canh cánh nỗi lòng dõi theo người thân của mình ngoài khơi xa:

Thầm mong biển lặng gió lành
Đêm đêm mẹ nối hương dành cầu con
Canh ba người vợ bồn chồn
Òa vui, tin điện báo hôm thuyền về!

(Mùa này làng biển)

Hồ Ngọc Diệp tả thực chân dung những người phụ nữ làng biển khi vào mùa biển với niềm cảm kích:

Chị em ống thấp ống cao
Nón cời đội lệch, câu chào
chống chiêng
Cá phơi ríu rít tay chuyền
Níu cơn nắng xế, đỡ luồng gió qua

(Mùa này làng biển)

Cảnh làng biển Bảo Ninh quê ông ngày thường mang tính đặc thù riêng có:

Đất trời ngào ngạt đậm đà
Thơm thơm hương mắm bay xa, thoảng gần
Vại, chum xúm xít trong sân
Xen chen như thể mận quân chín cành

(Mùa này làng biển)

Khác với ngày thường tĩnh lặng là sự sôi động của ngày hội đua thuyền, ngày làng ngư vào hội:

Trống rung, thức dậy khúc sông
Thuyền ào xé sóng, cuộn rồng, phun mưa
Hồn thiêng từ thuở ngàn xưa
Như cùng sống lại giữa trưa hội làng

(Trống hội đua thuyền)

Là đứa con của biển (tuổi thơ từng mò ngao, xúc ốc bợt tay/đỡ đần cha mẹ qua ngày gian lao), Hồ Ngọc Diệp rất am hiểu các loài sinh vật biển:

Bầy trích xanh đớp bọt râm ran
Lũ nục béo quẫy đuôi hồng sáng chóe

(Biển vào hạ)

Hoặc:

Cá chim, cá nghéo, cá chuồn
Cá thu, cá xước, thờn bơn, cá phèn...
Mỗi loài có một vị riêng
Thảy đều mang cả nỗi niềm biển xanh

(Tàu về bến đỗ)

Cánh chim Hải Âu cũng là hình ảnh đẹp trong tâm trí của ông:

Hải Âu nghiêng cánh liệng chao
Lao xao ríu với trời cao - biển bờ

(Biển trong tôi)

Tình yêu biển của ông quả như ông đã thú nhận:

Biển xanh đã dệt xanh rì hồn tôi

(Tình biển)

Đọc MÙA BIỂN của Hồ Ngọc Diệp, chúng ta càng yêu hơn biển đảo Tổ quốc ta. Đó là nguồn tài nguyên vô giá, là nguồn sống của dân tộc, rất cần được bảo vệ!

Lý Hoài Xuân