.

Tăng cường đưa thông tin về cơ sở

Thứ Ba, 09/09/2014, 13:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012-2015, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hàng năm nhằm chỉ đạo các ban, ngành liên quan thực hiện công tác giám sát, đánh giá hiệu quả chương trình. Đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo UBND cấp huyện bố trí ngân sách địa phương để quản lý, vận hành các đài, trạm đã được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp,  bảo đảm khai thác tối ưu hiệu quả của chương trình.

Theo đó, để “Tăng cường năng lực cán bộ Thông tin và Truyền thông cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” (dự án 1), ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin-Truyền thông (TT-TT) tổ chức điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu đào tạo trên địa bàn 77 xã thuộc phạm vi chương trình. Qua 3 năm triển khai, đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho 253 cán bộ TT-TT cơ sở, với số kinh phí là 720 triệu đồng.

Nhìn chung việc tổ chức đào tạo, tập huấn đã gắn với yêu cầu nhân lực của từng địa phương. Trong đó, đã ưu tiên bồi dưỡng các cán bộ có khả năng công tác lâu dài trong lĩnh vực TT-TT cơ sở để bảo đảm hiệu quả bền vững của chương trình. Qua các đợt tập huấn, đã góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền và kỹ thuật vận hành, duy tu bảo dưỡng hệ thống trang thiết bị cho đội ngũ cán bộ TT-TT cơ sở.

Ngoài ra nhằm “Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” (dự án 2), thực hiện mục tiêu của chương trình, giai đoạn 2012-2014, dự án tập trung đầu tư, thiết lập mới 14 đài truyền thanh không dây cho 14 xã, gồm: Văn Thủy, Trường Thủy, Thái Thủy (huyện Lệ Thủy); Hải Ninh, Trường Sơn (huyện Quảng Ninh); Hưng Trạch, Sơn Trạch (huyện Bố Trạch); Quảng Tiến, Quảng Thạch (huyện Quảng Trạch); Hóa Hợp, Xuân Hóa (huyện Minh Hóa); Cao Quảng, Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa) và Quảng Minh (thị xã Ba Đồn). Bên cạnh đó, chương trình đã đầu tư, nâng cấp 2 Trạm phát lại truyền hình tại huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa với tổng kinh phí đầu tư 6.318 triệu đồng.

Với hệ thống đài, trạm được đầu tư thiết lập mới đã tạo điều kiện cho nhân dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận thông tin đầy đủ và kịp thời về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin về tình hình kinh tế-xã hội trong nước, trong tỉnh...

Nhằm “Tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” (dự án 3) với mục tiêu bảo đảm 100% xã thuộc phạm vi chương trình được cung cấp các dịch vụ thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến kiến thức về khoa học, kỹ thuật; thông tin về bảo tồn văn hóa dân tộc, trong giai đoạn 2012-2014, các địa phương đã tiếp nhận và phát sóng 60 chương trình phát thanh, 254 chương trình truyền hình do Bộ TT-TT sản xuất; in trên 300 đĩa các chương trình phát thanh, truyền hình phục vụ các địa bàn không thu được sóng phát thanh, truyền hình; sản xuất 3 chương trình truyền hình, 34 chương trình truyền thanh tuyên truyền về hoạt động thi đua lao động sản xuất của nhân dân; sản xuất tài liệu tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biên giới quốc gia và trên 5.000 tờ gấp tuyên truyền phục vụ đồng bào khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa...

Việc triển khai thực hiện chương trình này đã cơ bản đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai thực hiện chương trình đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, đó là: đội ngũ cán bộ TT-TT cơ sở, đặc biệt là cán bộ phụ trách đài truyền thanh xã thiếu ổn định, dẫn đến lãng phí nguồn lực đã qua đào tạo, bồi dưỡng. Nguồn kinh phí thực hiện chương trình còn rất hạn chế so với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra nên quá trình triển khai thực hiện các dự án gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là triển khai dự án 2, hiện tại, tỉnh ta mới chỉ có 36/77 xã thuộc phạm vi chương trình có đài truyền thanh...

Do vậy, để tiếp tục tăng cường đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tỉnh ta đã đề ra kế hoạch thực hiện trong năm 2015. Cụ thể, bảo đảm 100% số xã thuộc phạm vi chương trình có đội ngũ cán bộ TT-TT cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật vận hành, khai thác và sử dụng hiệu quả đài, trạm truyền thanh và các trang thiết bị tác nghiệp.

Tập trung nhiệm vụ đầu tư xây dựng mới đài truyền thanh cho các xã chưa có đài truyền thanh thuộc phạm vi chương trình, bảo đảm cho người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận thông tin tối thiểu phục vụ đời sống. Bảo đảm 100% xã thuộc chương trình được cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; cung cấp, giới thiệu các kinh nghiệm, các gương điển hình tiên tiến trong sản xuất, hoạt động xã hội; phổ biến kiến thức về các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong các hoạt động sản xuất; giới thiệu, phổ biến các thông tin về bảo tồn văn hóa phục vụ đồng bào các dân tộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

P.V