.

Họa phẩm Dương Bích Liên "sáng mãi" nền mỹ thuật Việt

Thứ Tư, 16/07/2014, 17:06 [GMT+7]

Ngày 16-7, tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh họa sỹ Dương Bích Liên (1924-2014).
 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương nhấn mạnh hoạ sỹ Dương Bích Liên đóng góp rất lớn cho nghệ thuật Việt Nam, nhất là với ngành mỹ thuật.

Các tác phẩm nghệ thuật của ông mang nhiều cảm xúc, tình yêu với lãnh tụ, cách mạng, với các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc và tuổi trẻ Việt Nam. Tác phẩm của ông giàu chất hiện thực lãng mạn, thể hiện được vẻ đẹp tiềm ẩn của con người, thiên nhiên đất nước với chất lượng nghệ thuật cao. Ông sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau, trong sáng, lộng lẫy với sơn mài, khoẻ khoắn trong sơn dầu, mềm mại trong phấn dầu, thuốc nước.

Những bức tranh của ông có sức quyến rũ bởi một vẻ đẹp duyên dáng Việt Nam và sẽ sáng mãi trong nền mỹ thuật hiện đại nước nhà... Ông đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000 cho các tác phẩm: "Bác Hồ đi công tác" (sơn mài), "Chiều vàng" (sơn mài), "Mùa gặt" (sơn dầu), "Hào" (sơn dầu), "Hành quân đêm" (sơn dầu).

Họa sỹ Dương Bích Liên sinh ngày 17-7-1924 và mất ngày 12-12-1988 tại Hà Nội. Ông quê ở Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (nay là huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên).

Từ nhỏ ông đã ham thích hội họa và tỏ ra rất có năng khiếu về môn này. Năm 1941, ông theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1946, ông và nhiều văn nghệ sỹ Hà Nội rời Thủ đô lên chiến khu Việt Bắc, tham gia đội tuyên truyền lưu động vẽ tranh cổ vũ kháng chiến kiến quốc... Năm 1949 ông đã được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng cộng sản Việt Nam giữa chiến khu Việt Bắc. Năm 1951 ông đã tham gia Ban tổ chức triển lãm mỹ thuật tại Chiêm Hóa Tuyên Quang, trưng bày 300 tác phẩm của nhiều tác giả. Đây là triển lãm mỹ thuật lớn nhất của giới mỹ thuật trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà Bác Hồ đã gửi thư cho các họa sỹ.

Năm 1952, ông được giao trọng trách lên chiến khu sống gần và vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời gian gần một tháng sống và làm việc bên Bác, ông đã ghi chép nhiều kí họa về cảnh Bác làm việc, sinh hoạt. Tác phẩm "Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc" ông vẽ bằng chì than đã giành được giải Nhất tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1980. Tác phẩm này hiện đang được bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Năm 1954, Dương Bích Liên trở về Thủ đô và được tổ chức biên chế vào "tổ sáng tác" cùng các họa sỹ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng... Năm 1984, Nhà nước chính thức mời bộ tứ Nghiêm, Liên, Sáng, Phái tổ chức triển lãm cá nhân song Dương Bích Liên từ chối. Do vậy, lúc sinh thời, ông là một họa sỹ không có cuộc triển lãm nào cho riêng mình.

Nhìn vào sự nghiệp sáng tác của ông có đến 2/3 tác phẩm về đề tài phụ nữ, trong đó có những tác phẩm được coi là tuyệt tác của hội họa Việt Nam hiện đại. Dương Bích Liên dành nhiều sáng tác cho đề tài thiếu nữ với tình cảm ưu ái, say mê và trìu mến nhất.

Các nhân vật nữ trong tranh của Dương Bích Liên luôn là nguồn cảm hứng, hình ảnh trung tâm của biểu cảm, lý tưởng thẩm mỹ. Chân dung thiếu nữ của ông rất đa dạng, là những cô gái đẹp ông nhận ra và bắt gặp trong cuộc sống đời thường, mang một ánh sáng dung dị, thánh thiện trong trẻo. Tất cả được khắc họa trong tác phẩm của ông như" Thiếu nữ và hoa cúc trắng", "Thiếu nữ và hoa phong lan", "Thiếu nữ bên hồ", "Tuyết Mai"...

Tại lễ kỷ niệm, nhà phê bình Nguyễn Hải Yến, Trần Thức và nhà triết học Nguyễn Hào Hải... cũng đã chia sẻ những kỉ niệm xung quanh cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của hoạ sỹ Dương Bích Liên với những ấn tượng đặc biết không phai mờ. Trong đó, nhà phê bình Lê Quốc Bảo cũng đã kiến nghị với Đảng và Nhà nước cần đầu tư cho các công trình nghiên cứu chuyên sâu về các tác phẩm của các tác giả, nhất là những tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh...

Theo Nguyễn Quốc Trị (TTXVN/Vietnam+)