.

Nhà Nguyễn thực thi chủ quyền với Hoàng Sa

Thứ Bảy, 05/07/2014, 09:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Chủ quyền về vùng biển Hoàng Sa của nước ta dưới sự quản lý của các chúa Nguyễn đã được Lê Quý Đôn nói đến trong tác phẩm Phủ biên tạp lục viết năm 1776. Sang đời nhà Nguyễn, chủ quyền đó được khẳng định rõ ràng trong các tác phẩm của Quốc sử quán triều Nguyễn.

Dưới thời các chúa Nguyễn, quần đảo Hoàng Sa thuộc phủ Quảng Ngãi, dinh Quảng Nam. Thời Tây Sơn phủ Quảng Ngãi đổi thành phủ Hòa Nghĩa. Đầu đời vua Gia Long đổi lại thành dinh Quảng Ngãi và đến năm thứ 7 (1808) đổi thành trấn Quảng Ngãi. Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) chia lại các hạt đổi thành tỉnh Quảng Ngãi.

Khi phân giới quản lý hành chính  các tỉnh thành trong cả nước, sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn khi viết về tỉnh Quảng Ngãi đã ghi rõ: “Phía đông tỉnh có đảo Hoành Sa (tức Hoàng Sa), liền cát biển làm trì, phía tây nam miền Sơn Man, có lũy dài vững vàng, phía nam liền với Bình Định, có đèo Bến Đá chắn ngang, phía tây bắc giáp tỉnh Quảng Nam, có ghềnh Sa Thổ làm giới hạn” . (1)

Khẳng định Hoàng Sa thuộc địa giới của tỉnh Quảng Ngãi, một đơn vị hành chính  trực thuộc chính quyền trung ương dưới các triều vua Nguyễn. Để làm rõ hơn vị trí địa lý, phong cảnh và sản vật của Hoàng Sa, sách Đại Nam nhất thống chí còn viết: “Đảo Hoàng Sa: ở phía đông cù lao Ré huyện Bình Sơn. Từ bờ biển Sa Kỳ đi thuyền ra, thuận gió thì độ ba bốn ngày đêm có thể đến nơi. Có đến hơn 130 đảo nhỏ cách nhau hoặc một ngày đường hoặc mấy trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết mấy ngàn dăm, bằng phẳng, rộng rãi, tục gọi là “Vạn lý trường sa”, nước rất trong.

Trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập không biết cơ man nào. Sản nhiều ốc hoa, hải sâm, đồi mồi, vích, cùng hàng hóa của thuyền người Thanh bị bão trôi giạt vào đấy.” (2) . Liên quan đến đảo Hoàng Sa của tỉnh Quảng Ngãi, không chỉ trong Đại Nam nhất thống chí viết mà sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Đông các đại học sĩ, Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục cũng viết: “Năm Thành Thái thứ hai (1890) đặt 3 châu Sơn Tịnh, Nghĩa Hành và Đức Phổ. Năm thứ 11 (1909) đổi thành 3 huyện do tỉnh kiêm quản, đặt chức Tuần phủ, vẫn để Bố Chính...

Đất này phía đông có đảo Hoàng Sa chắn ngang, gắn liền biển lớn làm thành trì; phía tây khống chế Sơn Man dựng đắp lũy dài thành thế hiểm.Phía nam giáp tỉnh Bình Định, núi Thạch Tân chắn trước mặt, phía bắc tiếp giáp Quảng Nam, bãi Sa Thổ ngăn đằng sau. Bốn đồn chia đóng để trấn giữ biên phòng; Sáu cửa giữ gìn để vững vàng vùng biển..” (3).

Quần đảo Hoàng Sa. (Nguồn Internet)
Quần đảo Hoàng Sa. (Nguồn Internet)

Hình thế Hoàng Sa trong Đại Nam dư địa chí ước biên cũng được mô tả giống như Đại Nam nhất thống chí: “Đảo Hoàng Sa ở Bình Sơn. Từ bờ biển ra khơi thì 3, 4 ngày đêm có thể đến được. Trên đảo, núi non rải khắp, có tới hơn 130 ngọn. Ở giữa có bãi cát vàng, không biết có mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn lý trường thành. Trên bãi có giếng, nước giếng có vị ngọt.” (4).

Việc quản lý, khai thác Hoàng Sa được Đại Nam nhất thống chí nhắc lại gần giống sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn: “Hồi đầu bản triều, đặt đội Hoàng Sa, có 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm cứ tháng 3 là ra biển tìm kiếm hải vật, đến tháng 8 thì về cửa Tư Hiền nộp. Lại đặt đội Bắc Hải, do đội Hoàng Sa kiêm quản, để đi lấy hải vật các đảo”. (5)

Người dân xã An Vĩnh tham gia vào đội thuyền Hoàng Sa mà Phủ biên tạp lục và Đại Nam nhất thống chí nhắc đến chính là những ngư dân của 2 phường Vĩnh An và An Hải của cù lao Ré (còn gọi là cù lao Lý), nay là huyện đảo Lý Sơn. Về cù lao Ré (Lý), sách Đại Nam nhất thống chí viết “nằm ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về phía đông, xung quanh nổi cao, ở giữa trũng nước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường Vĩnh An, An Hải ở tại đấy. Phía đông đảo có động, trên động có chùa mấy gian, có giường đá, kỷ đá, hai bên hữu động có giếng nước trong ngọt, xung quanh cây cối tốt tươi, khi có giặc biển, thì dân phường ẩn núp ở đấy. Đất sản nhiều lạc và ngô”. Các tờ giấy lệnh của triều đình cử đội thuyền đi Hoàng Sa đến nay vẫn được người dân đảo Lý Sơn trân trọng giữ gìn.

Việc quản lý, khai thác Hoàng Sa trong thời các chúa Nguyễn vẫn được tiếp tục duy trì và các vua nhà Nguyễn còn cho thăm dò, khảo sát thêm, sách Đại Nam nhất thống chí ghi cụ thể như sau: “Đầu đời Gia Long phỏng theo lệ cũ đặt đội Hoàng Sa...

Đầu đời Minh Mệnh, thường sai người đi thuyền công đến đấy thăm dò đường biển, thấy một nơi có cồn cát trắng chu vi 1.070 trượng, cây cối xanh tốt, giữa cồn cát có giếng, phía tây nam cồn có ngôi miếu cổ, có bia khắc bốn chữ “Vạn lý ba bình” (muôn dặm sóng yên). Đảo này xưa gọi là đảo Phật Tự, phía đông và phía tây đảo đều là đá san hô, mọc vòng quanh mặt nước. Về phía tây bắc tiếp với đá san hô nổi lên một cồn chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 2 thước ngang với cồn cát gọi là đá Bàn Than” (6).

Sự kiện thăm dò, khảo sát Hoàng Sa cũng được Cao Xuân Dục nhắc tới trong Đại Nam dư địa chí ước biên: “Đầu năm Minh Mệnh, thường sai quan đến Sa đảo thăm dò đường biển. Có gò cát trắng (Bạch sa đồi) chu vi 1.070 trượng. Phía tây nam có miếu cổ, không biết dựng từ đời nào. Có bia khắc bốn chữ “ Vạn lý ba bình” (Muôn dặm sóng êm). Chân núi có đá trắng, 11 mẹ, 9 con, rất linh dị. Bên cạnh có ngôi miếu cổ, tên đền là Thạch tướng quân” (7).

Đặc biệt, năm 1835 vua Minh Mệnh đã cho các đội thuyền của triều đình chở gạch đá đến Hoàng Sa xây đền, dựng bia đá ghi dấu và tiến hành việc trồng cây trên đảo. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Năm Minh Mệnh thứ 16, sai thuyền công chở gạch đá đến xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột (hạt) các thứ cây ở ba mặt tả hữu và sau. Binh phu đắp nền miếu đào được lá đồng và gang sắt có đến 2.000 cân” (8). Việc xây đền dựng bia ở Hoàng Sa năm Minh Mệnh thứ 16 còn được sách Đại Nam thực lục chính biên nói rõ hơn là do cai đội Phạm Văn Nguyên đem lính thợ giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, chuyên chở vật liệu đến dựng, bên tả miếu dựng bia đá, phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày làm xong mới về.

Như vậy, rõ ràng rằng, qua các tác phẩm của Quốc sử quán triều Nguyễn, các triều đại phong kiến nhà Nguyễn đã tiếp tục công việc của các chúa Nguyễn quản lý, khai thác Hoàng Sa. Thực thi chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của mình nhà Nguyễn còn cho xây đền, dựng bia, trồng cây trên đảo.  Đó là thực tế lịch sử không thể chối bỏ, một minh chứng hùng hồn rằng Hoàng Sa, là của Việt Nam.

Phan Viết Dũng

---------------------------------------------------

1. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí. Tập 2. Nxb Thuận Hóa. Huế 2006. Tr470-471
2. QSQTN. Sách trên. Tr 492
3. Tuyển tập Cao Xuân Dục. Tập 4. Nxb Văn học. 2003. Tr100
4. CXD. Sách trên. Tr 108.
5. ĐNNTC. Sách trên. Tr 492
6. ĐNNTC. Sách trên. Tr 492
7. Đại Nam dư địa chí ước biên. Sách đã dẫn. Tr 112
8. ĐNNTC. Sách trên. Tr 492-493