.

"Trưởng lão" Tô Hoài: Người đi, còn đó một đời văn

Thứ Ba, 08/07/2014, 14:15 [GMT+7]

Sống gần trọn một thế kỷ với hơn 70 năm cầm bút, góp nhặt những hay, dở của cuộc đời, đắp đổi những ưu tư của nhân tình thế thái để đưa vào trang văn, nhà văn Tô Hoài đã đi một hành trình dài, nhọc nhằn trong cả cuộc đời mình lẫn văn nghiệp.  

>> Tô Hoài - một nhà văn lớn, một tâm hồn luôn trẻ trung

>> Cây đại thụ văn chương Tô Hoài đã về với… "Cát bụi chân ai

Và ở chuyến đi cuối này, ông bắt đầu một cuộc phiêu lưu khác tới miền cực lạc để lại tất cả những nỗi ưu tư về nhân tình thế thái của hơn 90 năm cuộc đời và những tác phẩm văn học, sống mãi với thời gian...

Chuyện về một người Hà Nội

“Dẫu biết nhà văn Tô Hoài lâm bệnh đã lâu và không ai thoát được quy luật ‘sinh, lão, bệnh, tử’ của tạo hóa nhưng khi nghe tin bậc trưởng lão ấy ra đi, lòng tôi nghẹn lại,” nhà thơ Bằng Việt chia sẻ.

Trong tâm thức của nhà thơ Bằng Việt, cây đại thụ văn chương Tô Hoài là một ông cụ với tâm hồn trẻ trung, yêu đời, thân mật cùng nụ cười tủm tỉm luôn thường trực trên môi. “Nhà văn Tô Hoài có nụ cười móm mém rất đặc biệt, vừa bao dung, hồn hậu vừa phảng phất nét nghịch ngợm, ‘tinh quái’ luôn muốn trêu chọc người đối diện còn đọng lại từ thời trai trẻ,” kẻ hậu sinh nhớ về bậc trưởng lão của làng văn.

Nhà văn Tô Hoài bên bàn viết lúc sinh thời (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)
Nhà văn Tô Hoài bên bàn viết lúc sinh thời (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

Sống “vắt mình” qua hai thế kỷ, mọi ngã rẽ, bước ngoặt trong câu chuyện đời Tô Hoài đều gắn với những bước thăng trầm của mảnh đất Thăng Long.

Ngay từ bút danh Tô Hoài (gắn với hai địa danh là sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức) cũng đủ gợi nhắc đến sự gắn kết ấy. Ông sinh ra ở quê nội (Thanh Oai, Hà Nội) nhưng tuổi thơ lại gắn bó với quê ngoại - làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) - nơi có con sông Tô Lịch nổi danh.

Nhà thơ Bằng Việt nhớ lại, sinh thời, cha đẻ của “Dế Mèn phiêu lưu ký” vẫn thường kể về tuổi thơ ăm ắp kỷ niệm của mình với những buổi bắt châu chấu bán cho người chơi chim, những cuộc chọi dế và những ngày háo hức cùng lũ trẻ hàng xóm đi hun chuột đồng…

Để rồi sau đó, khép lại thời thanh niên bươn bả ngược xuôi khắp các cửa ngõ Hà thành, trải qua nhiều nghề để kiếm sống (dạy trẻ, bán hàng, kế toán hiệu buôn...), Tô Hoài hòa mình vào nhịp sống kháng chiến, dấu chân in trên những nẻo đường Tây Bắc...

“Trong những buổi trò chuyện đó, nhà văn Tô Hoài đều bảo ‘Ngày ấy, cuộc sống nghèo khó, vất vả nhưng vui lắm!’ Sở dĩ ông viết được ‘Dế mèn phiêu lưu ký’ sinh động như vậy một phần là bởi, hồi nhỏ, ông là một tay chơi dế cự phách!” nhà thơ Bằng Việt kể.

Nhà thơ bảo, đan xen vào những câu chuyện đời, những kỷ niệm tuổi thơ luôn là những lời khuyên của Tô Hoài đối với người cầm bút: “Với nhà văn, vốn sống là thứ yếu tố quan trọng hàng đầu để có những trang viết lay động người đọc. Các nhà văn nên tạo thói quen ghi chép và viết hằng ngày; đừng để ý tưởng chỉ là những tia sáng lóe lên trong đầu. Nó sẽ trôi đi rất nhanh.”

“Tô Hoài là người Hà Nội nhưng ông không mang chất hào hoa, kiêu bạc của lớp trí thức tiểu tư sản. Ông là nhà văn của những người lao động. Người ta vẫn gọi ông là một nhà Hà Nội học với vốn sống ăm ắp - chứng nhân của bao biến động, thăng trầm ở mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến này” giáo sư Phong Lê bày tỏ.

Còn đó một đời văn

Hơn 70 năm cầm bút với gia tài đồ sộ (hơn 100 tác phẩm), Tô Hoài thường viết về những cảnh đời, phận người, về Hà Nội của một thời xưa cũ.

“Không cần 'lên gân,' vội vã, ông viết một cách tự nhiên như kể lại những gì đang diễn ra trước mắt. Nhẹ nhàng mà lắng sâu, ám ảnh,” nhà phê bình văn học Phong Lê nói về văn chương Tô Hoài.

Nhà phê bình ấy tin rằng, đó cũng là một trong những lý do để “Dế Mèn phiêu lưu ký” được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, chu du qua nhiều nơi trên thế giới; để người đọc khó có thể quên hình ảnh Mỵ “lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” nếu đã một lần đọc “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài...

Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu này cũng cho rằng, những trang viết của Tô Hoài không chỉ có giá trị văn chương mà còn có giá trị lịch sử, là nguồn tư liệu về Hà Nội của một thời đã xa.

Độc giả sẽ bắt gặp trong “Chuyện cũ Hà Nội” nếp sinh hoạt của người dân Hà thành những năm Pháp thuộc, những câu chuyện đời thường khó có thể tìm thấy trong nhịp sống đương đại như niềm vui đón tết của trẻ thơ với đôi guốc mộc mới...

Sinh ra để viết và coi việc viết như một lẽ sống, Tô Hoài đã in dấu chân lên khắp mọi miền tổ quốc. Ngòi bút của ông cũng đã vẽ nên chân dung một thế hệ những người cầm bút của văn đàn Việt Nam một cách chân thực như những gì họ vốn có...

Phía sau vẻ bề ngoài tưởng chừng như đủng đỉnh ấy của ông là một trái tim luôn đồng điệu cùng mọi buồn vui của cuộc đời. Tôi tin, 'bậc trưởng lão' ấy đi rồi nhưng những sáng tác của ông sẽ còn sống mãi và độc giả sẽ tiếp tục tìm đến với những trang văn ấy,” giáo sư Phong Lê nói, nghẹn ngào xúc động.

Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen (1920-2014).

Một số giải thưởng lớn của nhà văn Tô Hoài:

Giải nhất Tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1956 (với tác phẩm “Tây Bắc”).
Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội năm 1970 (với tiểu thuyết “Quê nhà”).
Giải thưởng của Hội Nhà văn Á-Phi năm 1970 (với tiểu thuyết “Miền Tây”).
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật (Đợt 1, năm 1996).

Theo An Ngọc (Vietnam+)