Tìm hiểu gốm cổ của cư dân thời đại đồ đá ở Bảo tàng Quảng Bình

Cập nhật lúc 07:28, Thứ Tư, 15/05/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Quảng Bình có nhiều di tích khảo cổ thuộc các thời đại nối tiếp nhau từ thời đại đồ đá, qua thời đại đồ đồng thau đến thời đại sắt sớm. Những mảnh gốm sưu tầm được từ trước đến nay đã phản ánh quá trình phát triển của văn hoá thời tiền sử và sơ sử ở Quảng Bình nói riêng và vùng Bắc Trung bộ nói chung.

Địa bàn văn hoá đồ đá mới ở Quảng Bình có ở Bàu Tró, Minh Cầm, Cồn Nền, Ba Đồn và sau này là Lệ Kỳ, Tuyên Hoá, Minh Hoá, Quảng Ninh, Đồng Hới... Đặc điểm chung của văn hoá đồ đá mới là công cụ đá mài, tiêu biểu như rìu, bôn có vai, tứ giác, cùng nhiều công cụ bằng xương khác.

Đặc biệt họ đã biết chế tạo gốm với nhiều kích cỡ. Nghề làm gốm ra đời là kết quả của hàng loạt những tiến bộ trong các hoạt động kinh tế của cư dân thời nguyên thuỷ và là tất yếu của tổng hợp các yếu tố, các điều kiện kinh tế, kỹ thuật - xã hội - văn hoá. Gốm ra đời thoả mãn nhu cầu về cái đựng của con người. Con người thời văn hoá Bàu Tró đã biết trồng trọt, đánh cá, nuôi súc vật, có vải mặc và biết làm đẹp bằng đồ trang sức vỏ sò, ốc, đá mài. Hậu kỳ đá mới có niên đại khoảng 7000 năm - 3000 năm trước công nguyên. Chủ nhân của văn hoá này đã đã biết chọn những hòn cuội phơ la tít cấu tạo hạt nhỏ, mịn rắn thay cuội hạt to để làm công cụ và biết mài đá làm cho công cụ sắc hơn.

Văn hoá Bàu Tró là một trong những văn hoá hậu kỳ đá mới- sơ kỳ kim khí. Các hiện vật thời kỳ này thu nhận về với đủ loại hình từ hang động, vùng đá vôi catstơ đến bãi cát ven bàu, cồn cát, đầm... Số lượng mảnh gốm thuộc thời kỳ đầu của văn hoá thời đại đồ đá mới thuộc văn hoá hang động được tìm thấy ở các hang cửa Cống, xã Hoá Thanh(Minh Hoá). Hiện vật được tìm vào tháng 5/1959 có 9 mảnh gốm có chất liệu pha cát, thành mỏng mịn, màu xám nâu, trang trí hoa văn thừng, văn chải là chủ yếu. Ngoài ra còn có hoa văn khắc vạch. Trang trí bằng cách miết láng. Loại gốm có chất liệu thô, bề mặt sần sùi, không có trang trí hoa văn, kiểu dáng đơn giản, đáy tròn, không có chân đế. Niên đại khoảng từ 5000-4000 năm cách ngày nay.

Gốm hậu kỳ đồ đá mới trong Bảo tàng Quảng Bình có khoảng 1880 mảnh. (Không còn nguyên một dụng cụ nào). Qua tìm hiểu có thể thấy đó là mảnh của đồ đựng như vò, nồi, chậu, hũ của đồ đựng và đồ đun nấu. Khối lượng lớn và phong phú về loại hình, kỹ thuật chế tạo cũng như hoa văn trang trí.
 Màu sắc của gốm có 3 loại: đỏ, xám và đen. Trong ba loại đều có gốm thô và mịn trong mỗi loại. Về kỹ thuật chế tạo gốm: trong các di chỉ Bàu Tró, Cồn Nền, Ba Đồn, Lệ Kỳ, Hang Trăn, Lèn Lơi... hiện vật thu được cho thấy người thợ gốm đã nắm vững các khâu kỹ thuật trong quy trình chế tạo gốm, từ pha chế nguyên liệu đến kỹ thuật trong quy trình chế tạo tạo dáng, xử lý bề mặt, trang trí hoa văn và nung chín.

Dùng nguyên liệu bằng đất sét pha cát để giảm bớt độ dẻo, dễ nhào nặn, vừa để tăng độ bền, tránh rạn nứt khi nung và còn biết điều chỉnh hợp lý tỉ lệ cát nhiều hay ít và sử dụng cát thô hay mịn cho từng loại đồ gốm với chức năng và công dụng khác nhau. Kỹ thuật tạo dáng: dùng kỹ thuật bàn xoay, bàn dập, hòn kê kết hợp nặn bằng tay, kỹ thuật bàn xoay chỉ bổ trợ trong tu chỉnh phần miệng, vai và đế khi việc tạo dáng đã cơ bản được hoàn chỉnh. Kỹ thuật xử lý bề mặt: gốm được phủ một lớp áo mỏng bên ngoài để che lấp xương gốm cũng như dấu vết kỹ thuật khi tạo dáng làm cho gốm bền đẹp. Khi tạo dáng xong có thể họ quét lên một lớp sét pha loãng nước rồi phơi se mới nung. Nếu là gốm màu thì cho lẫn thổ hoàng để có gốm màu đỏ. Kỹ thuật nung: gốm nung ở nhiệt độ tương đối cao, chín đều, màu sắc tương đối thuần nhất chứng tỏ họ đã chủ động điều chỉnh, khống chế nhiệt độ lò nung theo yêu cầu (khoảng 650 độ C). 

Loại hình gốm: Cũng chỉ đoán định qua các mảnh của gốm: miệng, thân đáy đế có  thể có loại như nồi, vò, bình, chậu, bát, mâm bồng, chạc gốm... Loại gốm mâm bồng ở Cồn Nền: có hoa văn khắc vạch với in chấm và miết láng, đánh bóng. Lòng được đánh bóng và tô màu đỏ. Mặt ngoài trang trí hoa văn khắc vạch. Gốm " Chân giò" ở Cồn Nền, Ba Đồn 1, Ba Đồn 2: Có hình trụ, lòng rỗng, mặt ngoài trang trí hoa văn chải, chất liệu gốm thô, thành dày, màu gạch non...

Về chất liệu, họ biết chọn loại đất sét dẻo, mịn để làm gốm. Để tránh rạn nứt khi nung thường trộn lẫn cát và vỏ sò ốc hay thực vật giã nhỏ vào đất sét khi nhuyễn để tạo thành hình. Gốm được làm bằng tay kết hợp với bàn dập, hòn kê, có sự tham gia của kỹ thuật bàn xoay ở khâu tu chỉnh hình dáng. Có thể nói, Quảng Bình là một trong những nơi khởi đầu cho trang trí gốm bằng tô màu, chứng tỏ cư dân nguyên thuỷ Bàu Tró đã có một trình độ phát triển về nghề gốm nhất định.

Những trang trí hoa văn khắc vạch, in, tô màu, hay khuông nhạc, chân giò... đã cho ta một bức tranh cụ thể về đời sống tinh thần và trình độ thẩm mỹ của ngưòi nguyên thuỷ ở Quảng Bình. Họ cũng đã ý thức trong việc quan tâm đến người chết, thể hiện qua việc chôn cất người chết bằng cách dùng vò gốm trong di chỉ Cồn Nền. Có thể nói gốm là sự phản ánh, là thành quả của sự gia tăng phát triển trước hết là của các hoạt động kinh tế và sau đó là của xã hội và thẩm mỹ văn hoá.

Về lĩnh vực nghiên cứu lịch sử phát triển của xã hội loài người, đồ gốm là một trong những nguồn tư liệu có giá trị, vì nó phản ánh trung thành và chính xác trình độ và khả năng con người làm ra nó, chỉ rõ niên đại xuất hiện của gốm để làm căn cứ xác định niên đại của các dấu tích khác cùng tầng văn hoá và chất liệu gốm. Từ gốm có thể đoán định các chức năng của một số loại gốm như chân giò, chạc gốm có thể là những công cụ chuyên dùng để giữ lửa, ủ lửa, chuyển lửa của người nguyên thuỷ hoặc dùng để làm đồ đốt lửa trong các nghi thức thờ cúng đã có từ thời đó- một hình thức tín ngưỡng của của người nguyên thuỷ.

                                                               Trần Thị Diệu Hồng
                                                            (Bảo tàng Quảng Bình)




 

,
.
.
.