TP Đồng Hới: Nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Cập nhật lúc 09:52, Thứ Ba, 14/05/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của những giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống sinh hoạt của người dân, trong hội nhập và phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, thành phố Đồng Hới đã có nhiều chính sách và giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn và khơi dậy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương.

Hàng năm, thành phố Đồng Hới đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhân các dịp lễ, Tết. Cùng với các hoạt động do thành phố tổ chức, các xã, phường đều chủ động tổ chức các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mình và tổ chức ít nhất một hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống của địa phương như: cướp cù, chọi gà, bài chòi, cờ thẻ, cờ người, múa bông chèo cạn, lễ hội cầu ngư...

Thành phố còn khuyến khích các địa phương tổ chức các lễ hội truyền thống như xã Lộc Ninh với lễ hội xuống đồng, phường Hải Đình với lễ hội rằm tháng giêng, xã Bảo Ninh và phường Hải Thành với lễ hội cầu ngư. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thành phố đã gắn việc tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống vào chương trình phát triển du lịch trong từng giai đoạn cụ thể, đưa việc tổ chức các hoạt động văn hóa vào Nghị quyết Hội đồng nhân dân của thành phố nhằm từng bước nâng cao chất lượng hoạt động Tuần Văn hóa-Du lịch qua hàng năm.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Đồng Hới cho biết: Quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, thành phố  đã xác định mục tiêu phải tuyên truyền cho mọi người dân nhận thức được nền văn hóa tiên tiến là nền văn hóa tiến bộ.

Lễ hội diễu hành đường phố được thành phố Đồng Hới tổ chức hàng năm.
Lễ hội diễu hành đường phố được thành phố Đồng Hới tổ chức hàng năm.

Theo đó, tiến bộ trong truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa thế giới. Mỗi một người dân phải hiểu được bản sắc văn hóa dân tộc đó là những giá trị bền vững, kết tinh từ những tinh túy nhất về văn hóa đã trải qua hàng ngàn đời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong những năm qua, thành phố đã duy trì việc tổ chức các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, nghệ thuật dân gian như: làng vui chơi-làng ca hát, hội thi đàn hát dân ca, liên hoan giai điệu thành phố Hoa Hồng và việc tổ chức Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới hàng năm đã tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân thành phố Đồng Hới và du khách, bạn bè gần xa.

Riêng hoạt động liên hoan giai điệu thành phố Hoa Hồng được tổ chức với nhiều loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương được lồng ghép vào các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, được đưa vào hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố và các tiêu chí trong xây dựng làng văn hóa, khu phố văn hóa để mọi người dân đều biết và thực hiện. Đặc biệt, nhằm tuyên truyền và giáo dục cho thế hệ trẻ về những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, các trường học trên địa bàn đã tổ chức nhiều trò chơi dân gian thông qua các hoạt động ngoại khóa, thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Thành phố Đồng Hới là địa phương thực hiện có hiệu quả phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm trong việc củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa ở các thôn và tiểu khu. Đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được 144 nhà văn hóa thôn, tiểu khu với số tiền trên 10 tỷ đồng. Hầu hết các nhà văn hóa thôn, tiểu khu đều có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ hội họp, biểu diễn văn nghệ và tổ chức các hoạt động.

Ngoài ra, nhân dân trên địa bàn còn đóng góp trên 5 tỷ đồng để xây dựng các sân chơi, bãi tập và mua trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao khác. Nhiều tổ chức, cá nhân đã tài trợ các giải thưởng, các cuộc thi đấu thể dục thể thao và hoạt động văn hóa văn nghệ với số tiền trên 3 tỷ đồng. Toàn thành phố hiện có 298 điểm tập luyện thể dục thể thao, 386 câu lạc bộ các loại đang ngày càng phát huy hiệu quả (trong đó có 75 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, 35 câu lạc bộ gia đình, 120 câu lạc bộ thể dục thể thao và 156 các loại hình câu lạc bộ khác). Đồng Hới đã đầu tư xây dựng 160 cụm loa truyền thanh không dây và 7 đài truyền thanh xã, phường với số tiền 1,5 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác truyền tải thông tin đến cộng đồng dân cư.

Trên địa bàn thành phố Đồng Hới hiện có 18 di tích được xếp hạng, trong đó có 9 di tích cấp quốc gia và 9 di tích cấp tỉnh. Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, thành phố đã thành lập Chi hội Di sản văn hóa thành phố và đến nay đã thu hút 46 hội viên. Thông qua hoạt động, các hội viên đã góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền và vận động nhân dân xã hội hóa các hoạt động bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn.

Trong 15 năm qua, nhờ sự hỗ trợ kinh phí của Trung ương, tỉnh và thành phố, một số di tích đã được trùng tu, tôn tạo và đầu tư chống xuống cấp như: Quảng Bình quan, thành Đồng Hới, bến đò Mẹ Suốt, di tích lưu niệm Hồ Chủ tịch... Bên cạnh đó, thành phố đã đầu tư nhiều dự án cho phát triển và bảo tồn văn hóa, có chính sách khuyến khích các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian và làng nghề truyền thống, tu sửa và tôn tạo các công trình văn hóa, giữ gìn và phát huy vốn văn hóa vật thể và phi vật thể có ý nghĩa như: xây dựng nhà truyền thống thành phố, cổng Đông thành Đồng Hới, tượng đài Mẹ Suốt, bảo vệ khu chứng tích chiến tranh nhà thờ Tam Tòa...

                                                                                        P. V




 

,
.
.
.