Những mạch nguồn âm ỉ...

Cập nhật lúc 15:54, Thứ Sáu, 10/05/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Đã từ bao đời nay, những chiếc giếng làng cổ kính vẫn nằm đó lặng lẽ nghiêng nghiêng bên bóng cây xanh mát, chứng kiến biết bao thăng trầm đổi thay của lịch sử quê hương. Và tận sâu dưới lớp đất đá cằn cỗi lại ẩn chứa mạch nguồn da diết âm ỉ, tưới mát cho tâm hồn của biết bao thế hệ. Tuy thiên nhiên "ban tặng" cho huyện Quảng Ninh một thời tiết khắc nghiệt, khi hạn thì khô nứt nẻ, khi mưa thì úng ngập đồng, nhưng lại hào phóng với nhiều mạch nước ngầm ngọt lừ, tinh khiết. Để rồi từ đó, các giếng làng được xây lên, ăm ắp sự sống tuôn trào.

Trong sách Địa chí huyện Quảng Ninh (xuất bản năm 2008), tác giả Đỗ Duy Văn sau nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi đã chỉ rõ 3 loại giếng được phân theo mạch nguồn: giếng mạch phun, giếng đất và giếng mạch ngầm. Dù mỗi loại giếng có những nét đặc thù riêng, nhưng tựu chung lại, chúng đều ẩn chứa các trầm tích văn hóa của mỗi vùng quê và mang đến cho con người dòng nước mát-"món quà vô giá" của mẹ thiên nhiên.

Từ giếng mạch phun...

Tổng Võ Xá (Võ Ninh, Quảng Ninh) xưa gồm các làng Võ Xá, Trúc Ly, Hữu Thiệp. Trong đó, làng Võ Xá "hiếm hoi" có một giếng mạch phun quý giá: giếng Con Cá. Đây có thể gọi là báu vật dân gian, bởi làng Võ Xá  tọa trên những cồn cát dài với nhiều đầm lầy bao quanh. Giếng nằm ngay ở thôn Thượng, bên cạnh Quốc lộ 1A.

Theo nghiên cứu, nước được chảy từ động cát phía đông, chảy ngầm đến địa điểm thôn Thượng, nước bật lên khỏi mặt đất. Nguồn nước ở đây có đặc điểm mùa hè thì mát lành, mùa đông lại ấm áp. Chính bởi lẽ đó, trên con đường thiên lý Bắc Nam, không ít du khách đã dừng chân ghé lại. Theo ông Nguyễn Hữu An (70 tuổi, Võ Xá)-có nhà sát cạnh giếng Con Cá, giếng đã có tự bao đời nay, trở thành niềm tự hào và gắn liền với cuộc sống của không chỉ người dân nơi đây, mà còn của nhiều làng, xóm xung quanh.

Trước đây, giếng được làm bằng gỗ lim và có hình vuông, lúc này giếng được gọi là giếng Ông Bụt. Theo thăng trầm thời gian, đến năm 1939, dân làng quyết định xây lại giếng. Ông nội của ông Nguyễn Hữu An đã kể lại cho ông những ngày tấp nập, rộn ràng làng trên xóm dưới. Thanh niên thi đua giã giấy bồi, vôi hàu, dây tơ hồng... để xây giếng, bảo vệ mạch nước ngầm này. Một cái miệng hình đầu cá gáy nhả nước được đắp, vì thế cái tên Con Cá gắn với giếng từ đó đến bây giờ.

Nước vẫn tuôn chảy ở giếng Con Cá (Võ Xá, Võ Ninh, Quảng Ninh), chỉ có cảnh tấp nập xưa không còn.
Nước vẫn tuôn chảy ở giếng Con Cá (Võ Xá, Võ Ninh, Quảng Ninh), chỉ có cảnh tấp nập xưa không còn.

Ông cho biết làng không chỉ có riêng giếng Con Cá, mà cách đây 500 mét, cũng có một giếng nước phun như thế này, nằm ở vị trí đối lập với giếng Con Cá. Nhưng do bom đạn chiến tranh, chiếc giếng kia đã bị vùi lấp.

Ông Lê Thanh Lương (79 tuổi, Võ Xá) lại kể đến một sức sống khác của giếng Con Cá. Đây không chỉ là nơi hò hẹn của nam thanh nữ tú, là nơi dừng chân vãn cảnh của khách thập phương, mà cũng là nơi tập hợp lực lượng cách mạng, nêu cao tinh thần yêu nước. Ngay cạnh giếng là khu đất rộng, trước đây được xem như "sân vận động" của làng. "Sân vận động" cùng với giếng Con Cá đã chứng kiến những phong trào đấu tranh, hoạt động sôi nổi trong các thời kỳ kháng chiến chống quân xâm lược của quân và dân Võ Xá.

Nay, giếng Con Cá vẫn còn, mạch nước ngầm vẫn phun chảy, chỉ khác là cảnh cũ nhưng người xưa không còn. Nhà nhà có nước giếng khoan vào tận nhà, khung cảnh tấp nập nơi giếng cũ giờ lùi xa vào dĩ vãng, dù chưa chắc giếng khoan đã sạch mát hơn giếng làng. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Duy Văn, ngoài giếng Con Cá, Quảng Ninh còn có thêm giếng phun ở làng Kim Nại (An Ninh, Quảng Ninh).

Giếng này có mạch nguồn chảy từ dãy núi Trường Sơn phía Tây làng chảy về, làng cho rằng "đất tam long" (3 con rồng) nên đã đào 3 cái giếng, trong đó chỉ có một giếng phun và đặt tên là giếng Mội (tức "chảy thủng").

Đến những giếng mạch ngầm...

Hiếm có vùng đất nào các loại giếng lại phong phú, đa dạng như ở Quảng Ninh. Chỉ riêng giếng mạch ngầm cũng đã có tới hai loại (nước ngọt và nước mặn). Trong đó, làng Văn La (Lương Ninh, Quảng Ninh) nổi tiếng với hệ thống giếng Hang độc đáo, gắn với nhiều sự tích huyền thoại.

Theo sách Địa chí làng Văn La (Đỗ Duy Văn, 2004), tương truyền,  cách giếng Hang không xa là vực Hốc với cảnh giới đẹp mê hồn. Các tiên nữ con Trời thường xuyên về đây vui chơi, vãn cảnh, tắm mát. Nhưng do nước còn nặng mùi "phàm trần" nên các nàng đã xin Ngọc Hoàng đào cho mỗi nàng một cái giếng để "tẩy trần".

Thương con, Ngọc Hoàng cho thần giỏi địa lý về điểm đúng những huyệt trên mình con rồng nằm sâu dưới đất. Vậy là nước từ đó tuôn ra ngọt mát, tinh khiết. Một hôm, sau buổi vui chơi, như thường lệ, các nàng lại "rũ hết bụi trần gian" tại giếng của mình. Nhưng, khi tìm lại đôi cánh để bay về nhà, 3 nàng tiên chợt phát hiện đôi cánh của mình không còn nữa. Các nàng tiên khác đã bay về trời, chỉ còn lại 3 cô mải miết đi tìm đôi cánh. Thì ra, đã có 3 chàng trai ở dương gian, vì quá mê đắm vẻ đẹp các nàng tiên mà đã phạm luật trời: lấy trộm những chiếc cánh mỏng. Cảm kích tình yêu, 3 nàng đã ở lại kết nghĩa vợ chồng. Quá tức giận, Ngọc Hoàng đã sai lấp đi 3 giếng như sự trừng phạt đích đáng. Tuy vậy, những chiếc giếng còn lại vẫn tuôn chảy dòng nước ngọt hiếm có.

Lệ làng Văn La từ lâu đã quy định rõ hệ thống giếng Hang chia làm giếng uống, giếng dành cho phụ nữ tắm, giếng dành cho đàn ông tắm, ai vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm minh. Bà Lê Thị Minh (77 tuổi, Văn La) cho biết thêm nước giếng Hang ngọt lừ, tinh khiết và chuyên dùng cho pha trà, mang lại hương vị ngọt ngon không đâu có được. Những buổi làm đồng nóng nực, bà con ghé qua giếng Hang, trực tiếp dùng nón múc nước uống, ngồi nhâm nhi dưới gốc cây đa sum suê bóng mát, thật không còn gì tươi mát, sảng khoái hơn.

Tác giả nhiều cuốn sách nghiên cứu về làng Văn La và cũng là người làng Văn La-Đỗ Duy Văn-trầm ngâm tâm sự trước đây, cứ 30 tháng Chạp lúc chính Tý, người làng có tục ra lấy nước ở giếng Hang về để làm nước cúng trong lễ chạp suốt cả năm. Vò nước lớn được chắt chiu, cất giữ như chính "báu vật" của nhà. Ở làng Lệ Kỳ (Vĩnh Ninh, Quảng Ninh) cũng có một giếng nước trong vắt, ngọt mát.

Những chiếc giếng Hang vẫn còn tồn tại, nhưng cây đa mấy trăm tuổi thì đã không còn nữa. Theo xu thế phát triển chung của thời đại, giếng Hang "đơn côi", không "chống chọi" lại những giếng khoan nước chạy thẳng vào từng hộ gia đình. Và chắc chắn, nhiều giếng làng nơi nơi cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Tạo hóa xoay vần, nhưng sự tồn tại của những chiếc giếng làng như minh chứng cho một thời lịch sử của cha ông, và cũng biết đâu được khi sau này "vật đổi sao dời", nhiều nguồn nước trở nên cạn kiệt, con người lại trở về chính với những mạch nguồn âm ỉ xưa?

                                                                                     Mai Nhân

 

,
.
.
.