Ca sỹ Công Bằng và những bài ca có lửa...

Cập nhật lúc 14:08, Thứ Sáu, 17/05/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày tôi khoác áo lính vào năm đầu của thập kỷ bảy mươi, Công Bằng và Đoàn Văn công Tỉnh đội đã thành danh. Những chuyến lưu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân trong và ngoài tỉnh đã dày đặc. Công Bằng là cây đơn nam chủ lực của đoàn có giọng hát... vàng đã nối dài, nâng tầm những bài hát đi cùng năm tháng. Mãi đến hôm nay, ngót 40 năm trôi qua, âm vang những bài hát "Nổi lửa lên em", "Bài ca Trường Sơn"...vẫn còn ngân cao...

Tình cờ tôi lại biết được số điện thoại của anh Công Bằng. Sự tình cờ này như là cầu nối để kéo lại trong ký ức quãng thời gian xa ngái, khơi lại những ngày sôi động, về giọng ca "vàng" mặc áo lính một thuở...

Có lẽ với những ai trong những năm 70 của thế kỷ trước khi nghe tin Đoàn Văn công Tỉnh đội (VCTĐ) về lưu diễn đều háo hức, chờ mong. Chúng tôi lúc đó không còn nhỏ nhưng chưa thành người lớn cứ đứng ngồi không yên, chờ trời tối nhanh. Trên một khoảnh đất hẹp, hay trước sân HTX, một sân khấu dã chiến đã được dựng lên, tiếng loa máy âm vang, ánh sáng chan hoà. Lúc đó người diễn, người xem như hoà vào nhau trong bất tận tiếng hát, điệu múa...

Rồi chúng tôi lớn lên lúc nào không hay, được khoác áo lính. Lại được biên chế vào một đơn vị độc lập của Tỉnh đội, đóng quân ngay bên cạnh cơ quan Tỉnh đội. Và những người lính đánh giặc bằng... tiếng hát không còn xa lạ với chúng tôi. Có sống trong những ngày chiến tranh khốc liệt, mọi chuyện đều tối như bưng, đó là chiến tranh chưa biết ngày nào kết thúc, sống chết diễn ra từng giờ, từng phút... mới hay lời ca tiếng hát đắm say, đầy sức chiến đấu cất lên từ những người lính văn công có sức cuốn hút mạnh mẽ nhường nào, có sức cổ vũ, động viên củng cố niềm tin sắt son vào ngày chiến thắng mạnh biết bao... Và trong những bài hát ấy, mọi người của một thời đạn bom không thể quên những giai điệu như có lửa trong đó: Nổi lửa lên em, Bài ca Trường Sơn, Bài ca chiến thắng,Tiếng hát Hòn La...

Ca sỹ Công Bằng, giọng ca vàng một thời nay vẫn say mê với nghề.
Ca sỹ Công Bằng, giọng ca vàng một thời nay vẫn say mê với nghề.

Hồi tưởng về những bài hát sôi động ngày ấy, anh Mạnh Đức, một thành viên của Đoàn VCTĐ năm xưa, chia sẻ: "Những bài hát này anh Công Bằng thể hiện rất thành công và cũng có thể nói, chính những bài hát đó đã làm nên tên tuổi Công Bằng, khắc dấu ấn trong lòng khán giả...". Lúc này đây dù rằng tôi không phải là người hay hát, nhưng khi nhắc lại một thời "Tiếng hát át tiếng bom" ấy, về anh Công Bằng, trong tôi hình ảnh người lính với bộ quân phục màu xanh lá cây hùng dũng với chất giọng nam cao "Trăng đã dậy rồi, khơi bếp hồng lên nhé. Lá nếp sau rừng thêm thấm tình anh nuôi. Nổi lửa lên em đánh Mỹ đêm ngày..." như còn vang vọng và Đoàn VCTĐ gọn nhẹ mà hiệu quả trong tác nghiệp cứ hiển hiện...

Không phải ngẫu nhiên, mà nơi tuyến lửa Quảng Bình trong những năm tháng khốc liệt bên cạnh những đơn vị quân đội chính quy, chỉ biết đến súng đạn lại có một đơn vị mà vũ khí chiến đấu chính của họ không phải là súng đạn mà chỉ là lời ca tiếng hát. Đó không chỉ nhu cầu mà còn là khát vọng của quần chúng nhân dân, trong đó có người lính. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, mọi chuyện có thể bị cho là lạc quan tếu, lãng mạn kiểu "tiểu tư sản"... thì việc hình thành một đơn vị đặc biệt như thế là chuyện không dễ...

Nhưng có một người đủ quyền năng và cả sự táo bạo biết vượt lên tầm suy nghĩ bình thường để quyết định hình thành một đơn vị "chuyên nghiệp về ca hát" trong lực lượng vũ trang tại thời điểm đặc biệt ấy, đó là trung tá Trần Sự, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự Quảng Bình. Và những người lính văn công thời ấy đã thực sự làm tròn sứ mạng của mình bằng thứ vũ khí đặc biệt- tiếng hát, để khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, hào khí đánh giặc, tiếp thêm sức mạnh và củng cố niềm tin của người lính, của quần chúng nhân dân vào ngày mai chiến thắng...

Những chuyến đi của Đoàn VCTĐ về tận chiến hào, hát bên những khẩu cao xạ còn đỏ nòng trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại, hát ngay sau những đợt không kích của máy bay địch, hay trên những cánh đồng gặt vội...Tiếng hát của người lính VCTĐ còn bay qua bên kia biên giới, tô đậm thêm tình hữu nghị Việt-Lào... Nhớ lại những ngày ấy có lúc anh Đoàn Thị, một thành viên của Đoàn VCTĐ lại nuối tiếc vì hai lần lỗi hẹn không được trực tiếp biểu diễn cho Bác Hồ xem...

Một tiết mục của Đoàn VCTĐ phục vụ bộ đội ngay trên trận địa pháo trong chiến tranh chống Mỹ.
Một tiết mục của Đoàn VCTĐ phục vụ bộ đội ngay trên trận địa pháo trong chiến tranh chống Mỹ.

Gặp lại anh trong những ngày hè này trên đất Đông Hà (Quảng Trị) nắng lửa, trước mặt tôi là một Công Bằng khác lạ. Mà đúng thôi, thời gian không dành cho ai sự ngoại lệ, ở tuổi "xưa nay hiếm"  anh Công Bằng đã là ông già thực sự. Nhưng câu chuyện một thời đã xa ấy vẫn cuốn hút anh như thuở đôi mươi. Anh kể, năm 1967 anh nhập ngũ, ra đi từ một vùng quê nghèo nhưng phong trào văn hoá văn nghệ rất sôi nổi, xã Lý Ninh huyện Quảng Ninh ngày ấy, nay là phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới là điểm tựa cho anh phát triển trong lĩnh vực văn hoá, văn nghệ. Ở đoàn cùng anh khá lâu có các anh Mạnh Đạt, Minh Trí, chị Thuý Liễu, anh Đoàn Thị, Mạnh Đức... Những năm ở đoàn VCTĐ là khoảng thời gian đẹp đẽ, đầy cống hiến trong những năm tháng đầy biến động và khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ...

Khoảng thời gian này Công Bằng đã có những thành công mà nhiều người phải mơ ước: 3 HCV ở các hội thi giọng hát hay toàn quân, Quân khu 4... Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của anh Công Bằng khá dài. Sau sự kiện nhập tỉnh các đoàn văn công quân đội lại được sáp nhập với các đoàn văn công dân sự thành Đoàn Văn công Bình Trị Thiên. Và Công Bằng lại tiếp tục cống hiến cho phong trào văn hoá, văn nghệ tỉnh Bình Trị Thiên nhiều năm nữa... Cho đến bây giờ anh vẫn còn có việc phải làm với những mầm non ở Nhà thiếu nhi tỉnh Quảng Trị...

Một chút nuối tiếc từ phía những đồng nghiệp một thời với anh là Công Bằng bị "lỡ dịp" trong việc phong Nghệ sỹ ưu tú... Nhưng, với tôi, Công Bằng có nhiều điều lớn lao để bù lại, trong lòng khán giả đã "đóng đinh" một Công Bằng với Nổi lửa lên em, Bài ca Trường Sơn, Cô gái Sầm Nưa...

Biết chuyện mấy ngày nữa trong dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác, anh sẽ ra Đồng Hới hội ngộ với những người đá bóng mặc áo lính chắc làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng với tôi thì không. Không chỉ sở hữu giọng ca vàng, anh Công Bằng còn là một tiền đạo cánh trái xuất sắc của Đội bóng đá Tỉnh đội.

Ngày ấy Tỉnh đội Quảng Bình không chỉ có một Đoàn VC mà còn có có một đội bóng đá, đội bóng chuyền. Vâng, những ai hâm mộ môn thể thao "vua" này chắc hẳn không khỏi tò mò...Chúng ta có chút tự hào rằng quê hương Quảng Bình những năm sáu mươi của thế kỷ trước không phải là "vùng trũng" về bóng đá. Có những "trung tâm bóng đá" như Ba Đồn, Thanh Khê...Có những đội bóng đá nức tiếng với những chàng trai hào hoa, tài năng, những trận đấu bóng đá nẩy lửa và hấp dẫn...

Nhưng khi chiến tranh vào giai đoạn ác liệt, phần lớn họ đều khoác áo lính và, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã làm được điều không dễ lúc đó, thành lập một đội bóng đá, các cầu thủ được tuyển lựa từ các đơn vị quân đội trong tỉnh, có trường hợp cá biệt còn lấy thanh niên mới lớn đến tuổi nghĩa vụ quân sự nếu đá bóng giỏi...Những cầu thủ như Phúc, Hương, Hài, Thi, Công Bằng...đã trở nên thân quen với người hâm mộ. Người dân Quảng Bình đã được thưởng ngoạn nhiều trận bóng đá hay mà cầu thủ là những người con Quảng Bình, đó là trận đấu giữa đội bóng đá Tỉnh đội với đội bóng Hà Tĩnh trên sân bóng Tỉnh đội (nay là nơi đóng quân của Trường quân sự tỉnh), là trận đá khánh thành sân bóng đá mới xây dựng ở Cộn...Nhớ lại những ngày đã xa ấy, chắc rằng không ít người sẽ đặt ra câu hỏi, đến bao giờ mới lại có những trận bóng đá như thế trên đất Quảng Bình?

Thời gian đã lùi xa, nhưng những ngày hào hùng trên quê hương Quảng Bình, về những con người tài hoa, sống hết mình vì nhân dân vẫn còn hiển hiện trong ký ức bao thế hệ...

                                                                     Văn Hoàng



 

,
.
.
.