.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ tài chính, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2016

Chủ Nhật, 03/07/2016, 14:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng 2-7, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Tài chính để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ Tài chính, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 tại 63 điểm cầu trên cả nước. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016 trong bối cảnh vừa thuận lợi và thách thức đan xen, do vậy, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng các kịch bản điều hành NSNN theo từng mức biến động giá dầu. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo điều hành nhiệm vụ tài chính, NSNN theo hướng chủ động, tích cực, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.  

Kết quả thu NSNN 6 tháng qua ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2015. Đây là mức tăng thấp nhất so cùng kỳ 2 năm gần đây. Trong đó: thu nội địa đạt 48,8% dự toán, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2015; thu dầu thô đạt 37,2% dự toán, giảm 44,8% so cùng kỳ năm 2015; thu xuất nhập khẩu đạt 41,9% dự toán, giảm 2,2% so cùng kỳ năm 2015.

Tiến độ thu ngân sách địa phương đạt khá so dự toán và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, thu ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm đạt khoảng 55% dự toán; có 45 địa phương thu đạt từ 50% dự toán trở lên; 57 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, cũng có một số địa phương tiến độ thu đạt thấp so với dự toán được giao.

Trong khi đó, thu ngân sách Trung ương đạt thấp, mới đạt khoảng 42% so với dự toán và thấp hơn so với tiến độ thu cùng kỳ năm trước (đạt 46,3%), chủ yếu do giá dầu thô giảm và thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do.

Theo số liệu thống kê thì chi NSNN 6 tháng ước đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015, cơ bản đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao.

Trong 6 tháng đầu năm, đã sử dụng khoảng 2.900 tỷ đồng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương, chủ yếu để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai, xử lý sự cố môi trường biển nghiêm trọng ở một số tỉnh miền Trung.

Việc giải ngân vốn đầu tư phát triển nhìn chung đạt thấp, 6 tháng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước đạt 36,8% dự toán (cùng kỳ năm 2015 đạt 40,1%); vốn trái phiếu Chính phủ ước đạt khoảng 33,2% kế hoạch (cùng kỳ năm 2015 đạt 34%). Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành đã rà soát và tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý vốn đầu tư, vì thế tiến độ giải ngân trong quý II đã tăng lên, tuy nhiên, mức độ giải ngân vẫn thấp hơn so cùng kỳ năm trước.

Cùng với nhiệm vụ thu-chi NSNN, trong 6 tháng đầu năm, công tác hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được toàn ngành Tài chính tiếp tục thực hiện quyết liệt.

Trong lĩnh vực thuế, hải quan, đã thực hiện rà soát bãi bỏ 31 thủ tục, sửa đổi bổ sung 40 thủ tục, quy định mới 1 thủ tục; hoàn thành đơn giản hóa TTHC lĩnh vực hải quan liên quan đến giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý cư dân. Đến tháng 5-2016, đã có trên 534 nghìn doanh nghiệp đăng ký khai qua mạng (99% số doanh nghiệp đang hoạt động); có trên 510 nghìn doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế và ngân hàng thương mại.

Tổng cục Hải quan đã thực hiện TTHC điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan trên toàn quốc, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 73 TTHC (chiếm 43% tổng số TTHC về hải quan); triển khai cổng thanh toán điện tử tại các Cục Hải quan. Đồng thời, đã kết nối thực hiện 31 TTHC thông qua cơ chế một cửa quốc gia với 9/14 bộ, góp phần cắt giảm chi phí và thời gian thực hiện các TTHC thuế, hải quan; được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao. 

Công tác tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN và thị trường tài chính đã được tích cực đẩy mạnh. Chú trọng tăng cường quản lý thị trường, giá cả, kiểm soát lạm phát. Tích cực triển khai công tác huy động vốn; tăng cường quản lý nợ công chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.

Ngoài ra, ngành Tài chính cũng đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực, quốc tế. Trong đó, đã đàm phán ký kết 19 hiệp định vay ODA và ưu đãi với tổng giá trị trên 3,4 tỷ USD. Tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết...

Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính-ngân sách của cả năm 2016, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như đẩy mạnh cải cách TTHC, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về quản lý thu NSNN, chủ động xử lý các tác động do biến động giá dầu thô, quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định.

Tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; quản lý kiểm soát chặt chẽ nợ công trong giới hạn cho phép. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thị trường. Tiếp tục xây dựng các Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế một cách tổng thể. Thực hiện kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN; triệt để tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế. Tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế. Chủ động đánh giá các tác động của các hiệp định thương mại tự do đến thu NSNN để chủ động giải pháp điều hành. Trong đó có việc nghiên cứu đánh giá tác động của việc nước Anh rút ra khỏi EU tới tài chính, ngân sách, đặc biệt là quản lý nợ và thị trường vốn.

P.V