.

Tọa đàm khoa học về Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc

Thứ Bảy, 10/10/2015, 16:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiều 9-10, Sở Khoa học-Công nghệ tổ chức buổi tọa đàm khoa học Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc. Tham dự có đại diện các sở, ban, ngành, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế và các nhà nghiên cứu văn hóa của tỉnh.

  Toàn cảnh buổi tọa đàm
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Chùa Hoằng Phúc xưa có tên là chùa Kính Thiên, thuộc phường Thuận Trạch nay là thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy. Chùa đã trải qua nhiều đợt trùng tu và phục dựng lớn trong lịch sử. Vào năm Kỷ Dậu thứ 52 (1609) đời vua Thái tổ Hoằng đế, tức chúa Nguyễn Hoàng đã cho dựng lại trên nền cũ. Đến năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu cho sửa lại chùa, ngự đề một hoành biểu có tên là "Kính Thiên Tự". Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần đã ghé thăm chùa và cho đổi tên thành "Hoằng Phúc Tự".

Ngoài ra, dân gian thường gọi chùa Hoằng Phúc là chùa Trạm hay chùa Quan. Chùa Hoằng Phúc là một trong những đại danh lam vào loại cổ nhất trên đất Quảng Bình. Trong các tài liệu lịch sử cũ và Quốc sử quán triều Nguyễn khi viết về chùa Hoằng Phúc không nói rõ chùa xây dựng từ năm nào. Nhưng chắc chắn chùa phải được tạo dựng trước khi Dương Văn An viết "Ô châu cận lục" và có trước khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông ghé vào Am Tri Kiến (1301).

Theo người dân địa phương cho biết, năm 1967 chùa đã bị đánh sập sau một đợt không kích của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Mặc dù chùa bị chiến tranh tàn phá nghiêm trọng nhưng những hiện vật cổ như tượng Phật, pháp khí, pháp bảo vẫn được nhân dân cất giữ. Hiện nay, toàn bộ diện tích khuôn viên chùa cũ vẫn còn nguyên vẹn. Năm 2010, chùa Hoằng Phúc được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Tại buổi tọa đàm có 10 tham luận và những ý kiến của các nhà nghiên cứu, đại biểu tập trung thảo luận về các danh xưng: Am Tri Kiến, chùa Kính Thiên, chùa Quan, chùa Trạm, chùa Hoằng Phúc. Thời gian ra đời của Am Tri Kiến và có phải do Thượng hoàng Trần Nhân Tông lập ra hoặc xây dựng hay không, cũng như làm rõ về Đại hồng chung nặng hàng ngàn cân như tham luận: Từ Am Tri Kiến đến chùa Hoằng Phúc-giải mã những ẩn tích; Quan hệ giữa Trạm Bình Giang và Dinh Quảng Bình với Am Tri Kiến-chùa Kính Thiên-Hoằng Phúc; Phật hoàng Trần Nhân Tông khởi nguyên chùa Hoằng Phúc với tên đầu Am Tri Kiến; Từ "tiếng chuông chùa Trạm" đến Đại hồng chung chùa Hoằng Phúc...

Qua buổi tọa đàm này, trên cơ sở những tham luận, ý kiến của các nhà nghiên cứu, Sở Khoa học-Công nghệ sẽ tổng hợp các ý kiến để báo cáo với UBND tỉnh và chuyển toàn bộ tài liệu bổ sung, điều chỉnh có tại hội thảo cho Ban quản lý di tích tỉnh; đồng thời phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch soạn ấn phẩm phục vụ cho lễ khánh thành chùa sắp tới.

Đ.Nguyệt