.

Phân định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của mỗi ngành trong công tác quản lý lĩnh vực ngành nghề nông thôn

Thứ Năm, 08/10/2015, 17:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 8-10, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc với các sở, ngành và địa phương về phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn. Đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại buổi làm việc.
Đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện được phân theo 7 nhóm gồm: chế biến và bảo quản nông-lâm-thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may và cơ khí nhỏ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; xây dựng, vận tải trong nội bộ xã, liên xã và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn; tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, tư vấn sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có trên 24.000 cơ sở hoạt động trên lĩnh vực ngành nghề nông thôn, thu hút trên 56.000 lao động thường xuyên và thời vụ.

Từ năm 2013-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực ngành nghề nông thôn đạt 14,5%. Nhìn chung, các làng nghề và ngành nghề nông thôn hoạt động ổn định, công tác đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu đã được các cơ sở quan tâm. Hoạt động truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề ngày càng được liên kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp. Giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có 332 lượt cơ sở hoạt động trên lĩnh vực chế biến nông-lâm-thủy sản được hỗ trợ đưa sản phẩm tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những tồn tại và khó khăn trong hoạt động ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực này trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của ngành nghề nông thôn, đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và những vướng mắc trong công tác quản lý lĩnh vực này của các ngành liên quan.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp-PTNT sớm phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ cụ thể của mỗi ngành trong công tác quản lý lĩnh vực ngành nghề nông thôn. Sở Nông nghiệp-PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương tiến hành điều tra, rà soát lại các ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đó để xây dựng kế hoạch và chính sách phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Thông qua chương trình khuyến công, Sở Công thương phải xây dựng kế hoạch phát triển đầu ra và tổ chức hệ thống quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm ngành nghề nông thôn. Đối với các huyện, thị xã và thành phố phải chỉ đạo các xã thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất gắn với phát triển ngành nghề nông thôn...

Hiền Chi