.

Công bố Quy hoạch phát triển KT-XH vùng đệm theo hướng bảo tồn VQG Phong Nha-Kẻ Bàng đến năm 2020 và tầm nhìn 2030

Thứ Năm, 25/06/2015, 16:54 [GMT+7]
(QBĐT) - Chiều 25-6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng đệm theo hướng bảo tồn Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, do đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.
Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.
Bản Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng đệm theo hướng bảo tồn VQG PN-KB được xây dựng với mục tiêu đưa các xã vùng đệm ra khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2020 và cơ bản trở thành vùng phát triển ổn định vào năm 2030; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân cơ bản được cải thiện, bảo đảm quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB; bảo vệ tốt môi trường sinh thái vùng đệm và các giá trị bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên ở vùng lõi VQG.
 
Cụ thể, về kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2014-2020 tăng 8,1% và 2021-2030 tăng 10%. Trong đó, nông-lâm-ngư nghiệp giai đoạn 2014-2020 tăng bình quân 4,5% và 2021-2030 tăng bình quân 5%; với phương hướng chung là ổn định phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng tỷ trọng chăn nuôi; đẩy mạnh giao đất, giao rừng đến các hộ gia đình và cộng đồng quản lý khoanh nuôi, chăm sóc bảo vệ.
 
Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014-2020 là 17,2%, 2021-2030 là 16,4%; khuyến khích phát triển TTCN-ngành nghề nông thôn, chú trọng khôi phục phát triển các ngành nghề truyền thống, những sản phẩm có thị trường tiêu thụ và thu hút nhiều lao động; phát huy tiềm năng, khai thác có hiệu quả lợi thế của các xã vùng đệm để phát triển CN-TTCN.
 
Phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ giai đoạn 2014-2020 là 13,5% và dự kiến đến năm 2030 tăng 14,2%; đưa tỷ trọng ngành thương mại-dịch vụ đến năm 2020 đạt 37% và đến năm 2030 đạt 45%. Lấy khu vực đô thị, trung tâm cụm xã, thị tứ, cụm dân cư, chợ, nơi có nút thắt giao thông thuận lợi để xây dựng mạng lưới thương mại, dịch vụ và du lịch; chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ truyền thống, sản phẩm dịch vụ phục vụ du lịch.
 
Bản Quy hoạch cũng định hướng tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển vùng đệm. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng nhất là hạ tầng kinh tế để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phấn đấu đến năm 2020, thành lập mới đô thị Phong Nha thành đô thị loại 5, xây dựng phát triển 5 trung tâm cụm xã và thị tứ; đến năm 2030 thành lập thêm 3 đô thị mới thành đô thị loại 5, mở rộng ranh giới hành chính đô thị Phong Nha. Phát triển các hành lang kinh tế vùng đệm bao gồm hành lang kinh tế dọc đường Hồ Chí Minh và hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 12A…
 
Về các dự án, theo Quy hoạch được duyệt có 84 dự án được ưu tiên đầu tư trên các lĩnh vực cho vùng đệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho vùng đệm trên 10 lĩnh vực công trình là 4.900 tỷ đồng, trong đó giai đoạn đến năm 2020 là 2.680 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2030 là 2.220 tỷ đồng.
 
Tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Tuân đánh giá cao và biểu dương sự cố gắng của BQL Dự án khu vực PN-KB, đơn vị tư vấn trong việc thực hiện bản Quy hoạch. Tuy nhiên để đưa bản Quy hoạch vào cuộc sống, đồng chí Trần Văn Tuân yêu cầu các đơn vị liên quan phải thực hiện hiệu quả các vấn đề sau: Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Tài chính lồng ghép các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội với các dự án phát triển tại vùng đệm; Sở Nông nghiệp-PTNT có kế hoạch hướng dẫn người dân về kỹ thuật, mô hình trong sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp; Sở Tài nguyên-Môi trường chỉ đạo thực hiện việc giao đất, giao rừng để người dân có đất sản xuất nhằm bảo đảm đời sống; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các huyện có chương trình đào tạo nghề cho người dân; BQL VQG PN-KB phối hợp với các xã vùng đệm lồng ghép bảo tồn vùng đệm với phát triển kinh tế-xã hội; các xã vùng đệm phải nỗ lực giám sát các hoạt động để người dân thực hiện tốt quy hoạch.
 
Lê Mai