.

Chu Vĩnh Khang bị điều tra: "Cheney của Trung Quốc" ngã ngựa

Thứ Tư, 30/07/2014, 15:55 [GMT+7]

Cựu quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang đã thăng tiến trong ngành dầu mỏ đầy lợi nhuận ở nước này trước khi trở thành lãnh đạo cao nhất về an ninh nội chính, với quyền lực rất lớn. Theo lời các nhà phân tích, và chính quyền lực đó dẫn tới vực sâu của ông.

Ông Chu Vĩnh Khang khi còn là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc (Nguồn: AFP)
Ông Chu Vĩnh Khang khi còn là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc (Nguồn: AFP)

Cuộc điều tra chính thức với ông Chu được công bố ngày 29-7 là một phần quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động và thực thi kể từ khi ông nhậm chức.

Theo AFP, ông Chu, 71 tuổi, sinh ở thành phố công nghiệp miền đông Trung Quốc Vô Tích vào năm 1942. Ông là con trai của một quan chức cấp cao làm việc trong ngành hậu cần quốc phòng của Trung Quốc. Những năm 1970, ông Chu khởi nghiệp với vai trò một kỹ thuật viên của Cục khai thác dầu khí Liêu Hà (Liaohe) thuộc tỉnh Liêu Ninh, khu vực có trữ lượng mỏ dầu lớn thứ ba của Trung Quốc.

Khoảng năm 1996, ông đã leo lên chức tổng giám đốc Tổng công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc (CNPC) rồi được bổ nhiệm bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên. Ở đó, ông Chu đã tỏ ra là một nhà lãnh đạo cứng rắn, chẳng hạn như việc cấm hoạt động của nhóm tôn giáo Pháp Luân Công.

Ông là nhân vật rất quan trọng của “phe dầu khí” trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, một mạng lưới các chính trị gia nhiều ảnh hưởng xuất thân từ ngành này, hoặc có quan hệ thân cận với ngành dầu khí béo bở và đầy quyền lực. Báo chí nước ngoài đôi khi gọi ông Chu là “Dick Cheney của Trung Quốc”, ám chỉ nhà tài phiệt dầu khí ở Mỹ từng làm phó tổng thống dưới thời George W. Bush.

Năm 2002, ông Chu bắt đầu leo lên những nấc thang quyền lực cao nhất, với một vị trí trong Bộ chính trị 25 người và ghế bộ trưởng công an. Năm năm sau, ông vào Ủy ban thường vụ Bộ chính trị (PSC), cơ quan quyền lực tối cao ở Trung Quốc với vai trò chủ tịch Ủy ban chính trị và pháp chế (CPLC), chịu trách nhiệm cho các vấn đề an ninh nội bộ, bao gồm hệ thống cảnh sát, tòa án và an ninh quốc gia.

Dưới thời ông Chu, các lực lượng an ninh Trung Quốc đã tiến hành nhiều chiến dịch trấn áp bạo động mạnh tay ở Tây Tạng năm 2008 và Tân Cương, từ năm 2009. Theo báo cáo của Bộ tài chính Trung Quốc, trong năm 2013, ngân sách chính thức cho CPLC cao hơn ngân sách quốc phòng trong năm thứ tư liên tiếp, 769 tỉ nhân dân tệ (124 tỉ USD) so với 760 tỉ USD (123 tỉ USD).

“Duy trì sự ổn định là một mục tiêu rất, rất mơ hồ, và tình trạng tham nhũng vẫn xảy ra”, Joseph Cheng, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hong Kong, bình luận. “Và vì vẫn còn nhiều chỗ cho tham nhũng, việc chi tiêu có rất nhiều lỗ hổng, quý vị sẽ có nhiều nguồn lực để gầy dựng mạng lưới của riêng mình. Đó là lý do tại sao ông ấy trở nên quyền lực như thế”.

Theo giáo sư Cheng, quyền lực quá lớn và mạng lưới quá rộng các đồng minh và những người được đỡ đầu là lý do quan trọng dẫn tới việc ông Chu mất chức. “Ông ấy là người đứng đầu một bộ máy an ninh ngày càng mở rộng và lớn hơn, và ông ấy đã trở nên quá quyền lực với một số nhà lãnh đạo khác, bao gồm ông Tập Cận Bình”, ông Cheng nói.

Ông Chu từ nhiệm năm 2012 trong cuộc chuyển giao quyền lực, nhưng các chính trị gia cấp cao ở Trung Quốc thường vẫn có ảnh hưởng rất lớn dù chính thức thì họ không còn chức vụ gì. Là một cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị, ông là quan chức cấp cao nhất sa lưới trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, người đã hứa cuộc truy quét các quan chức biến chất sẽ từ “những con ruồi” cho tới cả “những con hổ”.

Nhưng theo các chuyên gia, số phận của ông Chu có thể được định đoạt do mối quan hệ đồng minh của ông với Bạc Hy Lai, một chính trị gia cá tính và nhiều tham vọng khác, cũng là ủy viên Bộ chính trị và đã bị tuyên án chung thân vì tham nhũng.

Theo các thông tin trên truyền thông chính thức của Trung Quốc, ít nhất 13 quan chức có liên hệ với ông Chu cũng đã bị điều tra. Trong số đó có năm quan chức và cựu quan chức ở tỉnh Tứ Xuyên, bốn người ở CNPC, bao gồm người đứn đầu và người phó, một thứ trưởng công an, và ba người khác.

Những dấu hiệu đầu tiên về quyền lực đi xuống của ông Chu đã xuất hiện từ trước. Khi ông Chu rời chức, PSC bị cắt từ chín xuống còn bảy thành viên, giờ không còn chỗ cho chủ tịch Ủy ban pháp chế nữa./

Theo Trần Trọng (Vietnam+)