.

Giấc mơ du lịch của người A Rem

Thứ Tư, 12/08/2015, 14:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Khi tiếp cận với người A Rem (Tân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) từ trong chính rừng mưa nhiệt đới của quê hương họ, các kiến thức về sinh tồn, lao động, săn bắt, hái lượm được huy động tối đa. Những hang đá trong lãnh thổ của tộc người này còn đầy đủ dấu vết sinh hoạt thời xa xưa. Với tài nguyên đó, nếu có chỉ dẫn bài bản và tận tâm để làm du lịch khám phá trải nghiệm giữa rừng mưa, người A Rem sẽ thoát nghèo bền vững.

Chuyện riêng có

Chúng tôi có chuyến điền dã trong quê hương của người A Rem và cảm nhận từ những con người thật thà chất phác này họ như nhà hướng dẫn chuyên nghiệp nếu biết đặt câu hỏi, khích lệ và huấn luyện, tổ chức cho họ. Tộc người nhỏ bé này hiện sống giữa rừng rậm, bản ngã của họ là núi rừng đá vôi hùng vĩ. Cảnh núi non tuyệt đẹp, sông suối thơ mộng, núi rừng nguyên sinh với cây cối khổng lồ là tài nguyên đặc hữu hoang sơ của vùng đất này. Có những vạt rừng cây gỗ quý mọc cao vút từ đáy vực lên đến đỉnh núi. Đinh Cu, trưởng bản A Rem kể: “Ngày xưa người A Rem không chặt rừng làm nhà. Nhà sàn làm từ cây tre, cây lồ ô thôi. Nhà làm như thế ở khoảng hai năm là thay nhà mới. Dân bản mình ngày xưa nói thay nhà mới để làm được nhiều việc”. Nhà sàn bản địa của người A Rem lợp lá, bên trong có góc cho người lớn hút thuốc, buồng cho phụ nữ và trẻ em và bếp lửa ở gian thiêng. Gian nhà thiêng thờ thần rừng, thần núi... Trong thế giới quan của người A Rem bất cứ cái gì cũng đều có linh hồn, và từ đó họ diễn đạt là ma. Ma với họ không có nghĩa là sợ, mà đó là nơi thiêng liêng. Với họ, nước có vị trí quan trọng đặc biệt. Suối được gọi là thần nước. Bởi thế, mỗi lần đi qua khe suối, hoặc có dịp xuống suối, người A Rem đều cầu khấn lời xin thần nước được giải khát, được bắt những sản vật cua đá, ốc khe, cá suối...

Bí ẩn về tộc người A Rem nếu được khám phá sẽ mở ra nhiều tri thức bản địa hữu ích.
Bí ẩn về tộc người A Rem nếu được khám phá sẽ mở ra nhiều tri thức bản địa hữu ích.

Dấu xưa hang động

Theo già làng Đinh Rầu: “Đi rẫy, làm nương, đi suối lâu ngày trong rừng thì hang đá là nơi dân bản trú ngụ an toàn, tránh thú dữ, tránh mưa lũ, tránh cái nắng nóng, tránh cái lạnh. Ở trong đó, được tổ tiên che chở”. Sâu trong khu vực suối Khe Chim kéo dài đến suối Rục Cà Roòng, có hàng loạt hang động to lớn được người A Rem sử dụng làm nơi trú ngụ từ xa xưa đến ngày nay. Các hang động ấy như đặc ân trời ban cho tộc người này. Bên trong còn một số hình vẽ xa lắc về việc tạo ra lửa trong hang để sưởi ấm và nấu chín thức ăn.

Đinh Rầu dẫn chúng tôi đến lãnh địa của ông bà Đinh Nê, Y Rú với hang đá Khe Chim thấp và Khe Chim cao. Đinh Nê đã 62 tuổi, vợ ông bà Rú ngoài 80. Hai ông bà hiện là hội viên Hội Người cao tuổi của bản, hàng tháng có trợ cấp gần ba trăm ngàn đồng mỗi người, nhà cửa ở trung tâm xã. Nhưng vì nhớ tổ tiên, nhớ hang đá, xem đó như là nơi truyền thống, cả hai lâu lâu rời bản vào hang để ở. Khe Chim thấp là hang dùng cho ban ngày vào mùa khô, nơi đó Đinh Nê đánh bắt cá. Khe Chim cao được dùng ở ban đêm và mùa mưa lũ khi hang Khe Chim thấp bị nước tràn vào nhiều tháng. Ở hang động cao này, từng là nơi ở của nhiều thế hệ người A Rem cổ xưa, muội khói đen dày ám vào các vách đá và thạch nhũ. Công cụ lao động thô sơ như cối và chày giã gạo được tạo dựng thủ công, dần sàng do ông bà đan lát từ tre rừng để sàng ngô, lựa gạo. Trong hang này, ông bà tổ chức đầy đủ cho cuộc sống của mình, bảo đảm sinh tồn nhiều tháng không cần tiếp tế. Hạt giống ngô, lúa rẫy được bảo quản cẩn thận trên sạp cao lơ lửng giữa trần hang. Trong vách sâu, nhiều hình thù do bàn tay người A Rem vẽ ra về cuộc sống hang đá thời săn bắn, hái lượm...

Ông Nguyễn Chí Sĩ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch cho hay: “Có nhiều hang không chỉ thạch nhũ đẹp mà còn chum ché cổ nằm trong đó. Nơi có chum ché, người A Rem xem là linh thiêng nên người ngoài khó biết, được giữ tự nhiên cẩn thận”. Không chỉ thế, những hang động khác còn được bộ đội sử dụng làm kho lương tránh máy bay từ ngày trước vẫn còn dấu vết dép cao su, vỏ đồ hộp được xếp ngăn nắp trong góc hang. Trong khu vực quê hương người A Rem, vẫn còn nguyên bản gần một cây số đường ô tô chi viện cho chiến trường miền Nam thời kháng Mỹ. Có đoạn đường đi giữa khe núi, có đoạn hai bên rừng rậm cổ thụ. Nó rất nguyên trạng như những tháng ngày khói lửa bom đạn.

Những đặc quyền khác

Người A Rem còn có vốn sống với rừng mưa nhiệt đới rất phong phú. Họ có cách lấy mật ong độc đáo mà người Pa Cô ở huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) phải kính nể và học hỏi. Năm 2014, Đinh Cu, Đinh Tân, Đinh Lâm, Đinh Khinh... và một số người khác bất ngờ tiếp đón một số anh em Pa Cô ở núi rừng A Lưới tại trung tâm xã Tân Trạch. Họ mô tả việc phát hiện những cái cây khổng lồ có hàng trăm tổ ong, nhưng cách bắt ong của người Pa Cô không đáp ứng được an toàn trên cây cao nên ra nhờ thanh niên A Rem vào bắt. Đinh Cu kể: “Họ đề nghị bắt được tổ nào thì người A Rem được 50%, người Pa Cô được 50%. Họ nói phải lấy hết cả tổ. Anh em mình nói phải chừa một ít mật và không lấy nhộng để ong không bỏ rừng mà đi, năm sau còn ong mà lấy mật tiếp. Thế là anh em Pa Cô đồng ý”.

Chúng tôi từng thấy người A Rem lấy mật ong từ vách đá cao, dựng đứng, họ đi lên đỉnh núi thoăn thoắt, dùng dây mây rừng bện chặt, thòng từ đỉnh núi xuống mé tổ ong và bắt. Với cây to, họ lấy dây thừng bện vào, vắt qua cây và trèo lên từng bước. Đến tổ ong, họ chỉ lấy 2/3 lượng mật, số còn lại giữ đó để mùa sau ong sinh sôi, không rời bỏ rừng. Đấy là cách mà người A Rem giữ ong mật trong tự nhiên. Họ không tham lấy hết tất cả mà tôn trọng tự nhiên để dựa vào đó mà sinh tồn. Điều đặc biệt, người A Rem bị ong đốt khắp thân nhưng không ai ảnh hưởng. Dường như họ có cây thuốc tránh nọc ong trước khi đi lấy mật.

 Rừng sưa (huê) hơn 8ha của người A Rem trồng. Sưa rất quý hiếm nhưng tự nhiên đã tuyệt chủng. Người A Rem gây giống sưa núi đá ở nơi bí mật cũng cuốn hút người ngoài.
Rừng sưa (huê) hơn 8ha của người A Rem trồng. Sưa rất quý hiếm nhưng tự nhiên đã tuyệt chủng. Người A Rem gây giống sưa núi đá ở nơi bí mật cũng cuốn hút người ngoài.

Bên cạnh bí truyền ăn ong, họ còn có cách tìm kiếm các cây thuốc tự nhiên rất thông minh. Như cây chuối rừng, khi đau bụng, họ chặt một cây chuối gần sát gốc, khoét lỗ sâu, đợi dòng nước chảy từ gốc chuối, họ pha chế ít nước của loài rễ cây bên khe suối, A Rinh Pa Riu, uống vào sẽ chữa lành chứng đau bụng đầy hơi. Họ có món rượu không bao giờ nấu, rượu chưng từ cây báng, lá như tàu dừa. Mỗi cây báng cho chừng chục lít nước màu gạo vò. Khi chắt được thứ nước đó, họ dùng vỏ cây A Loang Ma Ring hoặc quế rừng bỏ vào, lên men chừng một đêm rồi đưa ra uống. Lúc nó thành rượu, mùi vị thơm lừng, say lúc nào không ai biết.

Anh em A Rem đi rừng không có gì ngoài cây dao và chiếc gùi, không cơm gạo hay nước họ vẫn sinh tồn. Ngày nay họ có các công cụ tạo lửa từ diêm, bật quẹt dưới xuôi đưa lên nhưng cách họ tạo lửa từ đá lửa trong rừng, hoặc các thanh gỗ ma sát liên tục thông qua bùi nhùi dễ cháy cũng được giữ gìn chu đáo. Những cách thức đó, con người ngày nay đều dựa vào công cụ hiện đại. Còn người A Rem giữ lại để truyền cho con cháu họ khi đi giữa rừng xanh.

Ông Lương Văn Luyến, Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch Quảng Bình cho biết, tài nguyên bản địa, kiến thức bản địa của người A Rem bí ẩn và đáng học hỏi. Giữa thế giới văn minh, đó là đặc quyền riêng có cuốn hút. Mở tuyến du lịch vào với cộng đồng này, lấy người A Rem làm trung tâm, chắc chắn sẽ tạo được cuộc sống bền vững cho đồng bào ở đây. Trong khi đó, ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Oxalis (Chua Me Đất) trụ sở tại Quảng Bình cho hay, sự hấp dẫn của người A Rem đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia và đơn vị ông bước đầu đã có khảo sát để xin phép xây dựng tuyến du lịch trải nghiệm cuộc sống của tộc người này. Ông Nguyễn Chí Sĩ, Bí thư xã Tân Trạch bày tỏ: “Người A Rem cần cù, thật thà, những gì họ giữ lại ngày nay cách sinh hoạt xa xưa được làm du lịch bền vững, chắc chắn bà con sẽ có cuộc sống tốt hơn”. Người A Rem làm du lịch để phát triển cuộc sống tươm tất, no đủ hơn, tại sao không? Bởi nếu họ được hướng dẫn, tri thức bản địa của người anh em này chắc chắn sẽ cuốn hút du khách...

Minh Phong