.

Cồn Cỏ, đảo nhỏ kiên trung - Kỳ 2: Dấu ấn Anh hùng Thái Văn A

Thứ Năm, 18/06/2015, 08:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại phòng truyền thống huyện đảo Cồn Cỏ, ở nơi trang trọng nhất, chúng tôi bắt gặp tấm ảnh Anh hùng LLVT nhân dân Thái Văn A sừng sững trên đài quan sát bị bom xô nghiêng. Giữa mưa bom, bão đạn, ánh mắt vẫn dõi theo đường đi của máy bay địch kịp thời báo cho đảo, cho đất liền. Câu chuyện về Thái Văn A trở thành dấu ấn đậm nét xuyên suốt qua nhiều thế hệ cư dân đảo Cồn Cỏ, được nhắc đến ở những nơi đoàn công tác tỉnh Quảng Bình ghé thăm.

>> Cồn Cỏ, đảo nhỏ kiên trung - Kỳ 1: Cồn Cỏ máu và hoa

Bức ảnh Anh hùng Thái Văn A trên đài quan sát được đặt trang trọng trong Nhà truyền thống huyện đảo Cồn Cỏ.
Bức ảnh Anh hùng Thái Văn A trên đài quan sát được đặt trang trọng trong Nhà truyền thống huyện đảo Cồn Cỏ.

Thái Văn A quê ở xã Trung Hóa, huyện miền núi Minh Hóa. Ông nhập ngũ năm 1962, trở thành chiến sỹ quan trắc trên đảo Cồn Cỏ từ năm 1963. Vị trí nơi đóng chòi quan sát- “mắt thần” Thái Văn A năm nào bây giờ là cao điểm 63,4m, kế bên Trạm Hải đăng Cồn Cỏ. Từ trên cột đèn biển có thể bao quát hết một phạm vi rộng lớn của đảo và phóng tầm mắt quan sát đến tận chân trời.

Với âm mưu san bằng đảo Cồn Cỏ, máy bay, tàu chiến Mỹ bắn phá đảo bất kể ngày đêm. Từ chòi quan sát trên cây, tổ trinh sát của Thái Văn A làm nhiệm vụ cảnh giới, theo dõi, xác định mục tiêu chính xác rồi báo về cho đơn vị tiêu diệt. Bom đạn cày đi xới lại, chòi quan sát trơ ra, thành mục tiêu lộ thiên cho máy bay, pháo hạm bắn vào. Giữa thời khắc sinh tử đó, Thái Văn A được lệnh xuống hầm trú ẩn, nhưng anh vẫn không rời vị trí...

Chúng tôi đến thăm Trạm Hải đăng Cồn Cỏ, trạm có 8 cán bộ, nhân viên hầu hết ở các tỉnh thành xa: Thanh Hóa, Nghệ  An, Hà Tĩnh... Trưởng Trạm Hải đăng Hoàng Văn Biên người huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Biên bảo mình có trên 20 năm gác đèn biển khắp vùng miền Tổ quốc: cảng Tiên Sa, bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), cảng Chân Mây (Thừa Thiên- Huế), Cửa Lò (Nghệ An), cảng Cửa Việt và bây giờ là đảo Cồn Cỏ.

Ở độ cao 76 mét so với mặt nước biển, Hải đăng Cồn Cỏ tỏa sáng vào ban đêm với bán kính khoảng 22 hải lý. Công việc chính của những người giữ đèn biển cứ lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác: kiểm tra các thông số kỹ thuật hải đăng chính và 2 hải đăng phụ, hệ thống điện năng lượng mặt trời, bình ắc quy, lau chùi các trang thiết bị, bóng đèn... “Nếu anh em chúng tôi không học tập theo gương anh hùng Thái Văn A, chắc có lẽ nhiệm vụ canh đèn khó hoàn thành trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn trăm bề trên đảo Cồn Cỏ”- Trạm trưởng Hoàng Văn Biên tâm sự.

Anh dẫn chúng tôi lên đỉnh Trạm Hải đăng, từ đó ngắm đảo, ngắm biển và câu chuyện về Thái Văn A lại trở về. Hoàng Văn Biên bảo: “Lịch sử truyền thống đảo Cồn Cỏ ghi nhận những hành động quả cảm về Thái Văn A.

Một đêm sáng trăng tháng 8-1963, Thái Văn A đang trực trên đài quan sát. Đêm trăng tỏa ánh sáng mờ mờ xuống mặt biển. Đang căng mắt quan sát, anh phát hiện một chấm đen di động về phía đảo ngày càng rõ dần. Tàu biệt kích địch lợi dụng khoảng khắc trăng trôi núp bóng mây, tắt đèn, hãm máy tìm cơ hội lẻn vào đảo.Thái Văn A lập tức báo về ban chỉ huy đảo. Lệnh chiến đấu được phát ra.

Biết bị lộ, tàu địch chuồn thẳng. Có lần đài quan sát bị oanh tạc dữ dội, bản thân bị thương, Thái Văn A nhận lệnh xuống hầm trú ẩn nhưng vẫn xin bám trụ vị trí làm nhiệm vụ cho đến khi trận đánh kết thúc. Bằng những chiến công, lòng dũng cảm, góp phần cùng bộ đội Cồn Cỏ bắn cháy hàng chục máy bay, tàu chiến Mỹ, Thái Văn A được kết nạp Đảng ngay tại trận địa. Tháng 1-1967, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Thái Văn A”.

Toàn đảo Cồn Cỏ có khoảng 400 nhân khẩu, trên đảo đang dần định hình khu dân cư thanh niên. Năm 2002, lực lượng TNXP Quảng Trị hành trình ra xây dựng đảo, qua hơn 10 năm người đi, người ở nay còn lại 10 hộ gia đình, 39 nhân khẩu. Trong hơn 10 năm, những chàng trai, cô gái đến từ Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh) bén duyên nhau thành vợ thành chồng và tình nguyện thành cư dân huyện đảo Cồn Cỏ, chừng ấy thời gian đã có 20 cháu nhỏ ra đời...

Nguyễn Văn Hiển, Trưởng ban điều hành khu dân cư thanh niên khẳng định với tôi rằng: “Chính ý chí, bản lĩnh thép của Thái Văn A giúp thanh niên Quảng Trị “chân cứng đá mềm” ngay từ những ngày mới ra đảo. Giữa muôn trùng sóng gió, khó khăn, gian khổ... người xây dựng đảo rồi vào đất liền thì không nói làm gì. Người tình nguyện ở lại ngày ngày phải đối mặt phong ba, bão tố... không có lập trường, không kiên định thì sẽ buông xuôi ngay”.

Từ trên đỉnh Hải đăng, Trạm ra-đa 540 và cao điểm 63,4 mét hiện rõ trong tầm mắt.
Từ trên đỉnh Hải đăng, Trạm ra-đa 540 và cao điểm 63,4 mét hiện rõ trong tầm mắt.

Hình ảnh Anh hùng Thái Văn A “Sừng sững chòi cao trên hòn đảo nhỏ/ Như ngọn hải đăng bốn mùa sóng gió/ Thái Văn A đứng đó/Yêu đảo như quê giây phút chẳng rời/Mắt dõi tầm xa canh giữ biển trời...” (Bài hát Thái Văn A đứng đó của nhạc sỹ Văn An) tạc vào niềm tin, vào tấm lòng của những người con huyện đảo, yêu đảo như yêu điều quý giá nhất đời mình.

Tôi đã gặp một hộ gia đình TNXP ra đảo từ những ngày đầu tiên- vợ chồng anh Lê Văn Vĩnh. Ngôi nhà nhỏ nằm kề bên ghềnh biển, gần lối đi từ biển vào. Mười ba năm Vĩnh cùng đồng đội xây dựng đảo Cồn Cỏ thành một pháo đài xanh vững chải giữa biển trời. Vợ anh, chị Na ra đảo sau Vĩnh, vào năm 2008. Họ nên duyên vợ chồng, có với nhau hai mặt con. UBND huyện đảo tạo điều kiện thuận lợi cho người ở lại, vợ chồng Vĩnh mở đại lý hàng tạp hóa, cung cấp nhu yếu phẩm hàng ngày cho cư dân trên đảo.

Trưa nắng gắt, đoàn khách Quảng Bình ghé quán hàng tạp hóa của đôi vợ chồng Vĩnh- Na tránh nắng. Hai đứa bé thấy khách lạ đứng nhìn chăm chăm rồi hồn nhiên chơi với nhau. Na chân tình: “Các bác từ Quảng Bình ra đảo, chúng em quý lắm. Ở đây cứ mong khách đến thiệt nhiều, chứ thành viên trên đảo ngày nào cũng chạm mặt nhau. Quen rồi!”- Na cười, nụ cười dung dị-“Các bác ở ngoài đó có gần quê anh hùng Thái Văn A không? Mỗi lần biển động, bão lớn, vợ chồng cứ lấy câu chuyện anh hùng Thái Văn A kể cho nhau nghe để vững tâm hơn”.

Chúng tôi  cho đôi vợ chồng trẻ biết đôi nét về người anh hùng trong thời bình. Năm 1988, Thái Văn A nghỉ hưu với cấp hàm Đại tá. Ông mất vào năm 2001 tại quê hương Trung Hóa (Minh Hóa).

Theo kế hoạch, khoảng 13 giờ hơn, đoàn công tác tỉnh Quảng Bình quay vào đất liền. Bí thư, Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ Lê Quang Lanh đến tận cầu cảng bắt tay tiễn từng người. “Mùa này, biển hay có tố lốc, nên các anh phải xuất phát sớm, nếu không vào cảng Cửa Việt sẽ khó khăn. Hẹn các dịp tái ngộ khác, thời gian đoàn lưu trú trên đảo dài hơn”

Chúng tôi xuống tàu, con tàu tuần tra rúc lên một hồi còi dài chào từ biệt hòn đảo anh hùng trước khi ra khỏi âu thuyền, trực chỉ về phía tây. Sau lưng mọi người, đảo Cồn Cỏ xa dần, xa dần...

Ngô Thanh Long