.
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập LLVT tỉnh (4-7-1945 - 4-7-2015):

Đi về phía "mặt trời" - Kỳ 1: "Voi Trường Sơn" gục ngã

Thứ Hai, 22/06/2015, 08:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 20-10-1989, thực hiện quyết định của Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Đội quy tập 589, Bộ CHQS Quảng Bình được thành lập với nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại các chiến trường Lào về nước. Hơn 25 năm thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này là hành trình vất vả, gian nan nhưng cũng rất đỗi tự hào với những người đi tìm đồng đội.

Đội 589 vượt sông thực hiện nhiệm vụ.
Đội 589 vượt sông thực hiện nhiệm vụ.

Trời trở sáng. Lạnh. Vậy là đông đã về. Đã 3 hôm nay, thượng tá Nguyễn Văn Chính ngủ không tròn giấc. Cứ mỗi độ lập đông, thượng tá Chính lại miên man nhớ về những ngày này của hơn 10 năm về trước. Đó là những ngày lập đông của năm 2000. Hơn 4 tháng rong ruổi ở phía Tây dãy Trường Sơn, Đội 589 được lệnh thu quân về Quảng Bình. Chuyến đi này toàn đội phát hiện và cất bốc được 45 hài cốt liệt sỹ trong đó có 9 liệt sỹ xác định đầy đủ họ tên, quê quán.

Hơn hai ngày đường hành quân từ Nhôm Ma Lạt, một huyện sâu nhất của tỉnh Khăm Muộn, đơn vị về đến Phong Nha khi trời sẩm đã tối. Ngày đó Đội 589 được biên chế 02 chiếc Gát “đời đầu”. Xe là phương tiện nhưng cũng là căn nhà di động của anh em. Trên thùng xe ấy, lỉnh kỉnh ba lô, lương thực, cuốc, xẻng, máy dò gỡ bom mìn, can nhựa đựng nước... Những vật dụng ấy được anh em sắp đặt gọn gàng chừa ra cả một khoảng không rộng rãi - nơi trang trọng nhất được dành riêng cho các liệt sỹ.

Như thường lệ, cứ mỗi điểm dừng chân, dù ở giữa những cánh rừng thâm u hay trên dãy Trường Sơn hùng vỹ, anh em đội 589 lại mắc võng nằm nghỉ xung quanh hai “cụ” Gát già. Nhìn những chiến sỹ chìm sâu vào giấc ngủ, thượng tá Chính thấy lòng mình ấm lại. Có lẽ khi cuộc hành trình chưa về đến đích thì không ai muốn rời xa các liệt sỹ, ai cũng tranh thủ từng phút giây, để được gần hơi với đồng đội của mình.

Thượng tá Nguyễn Văn Chính cuộn mình trong tấm chăn bông. Miên man nghĩ về chuyến đi kế tiếp, nghĩ cách quy tập 187 mộ liệt sỹ trong hang Phà Nang ở bản Noọng Tính, huyện Ma Ha Xay, bất chợt ông nghe tiếng ú ớ, thều thào. “Có lẽ ai đó ngủ mơ”, nghĩ vậy nhưng ông vẫn trở dậy bấm đèn pin lần tìm về phía giữa đội hình của đơn vị. Tiếng ú ớ ngày càng rõ hơn, hình như tiếng của cậu Tùng. Vén màn, thượng tá Chính hốt hoảng, đại úy Tùng nằm cuộn tròn, khuôn mặt tái nhợt, mồ hôi vã ra như tắm. “Tùng bị sốt rét, anh em dậy đi”, tiếng đội trưởng Chính khiến cả đơn vị tỉnh giấc. Chăn bông, nước nóng được điều động ủ ấm cho đại úy Tùng.

Đại úy Nguyễn Xuân Tùng, mà mọi người vẫn thường gọi là “Voi Trường Sơn” đã bị sốt rét rừng quật ngã. Linh tính chuyện chẳng lành, thượng tá Chính hạ lệnh hành quân gấp trong đêm về đơn vị.

Sáng sớm, xe chở Nguyễn Xuân Tùng vào bệnh xá. Trong khi đang theo dõi bệnh tình của đại úy Tùng, thượng tá Nguyễn Văn Chính nhận được tin có thêm một số anh em nữa có biểu hiện bị sốt rét. Trong buổi sáng, hơn nửa đơn vị phải nhập viện và đến chiều tối, sốt rét rừng không chừa một ai. Chuyến trở về lần đó, đơn vị phải tổ chức sinh hoạt chi bộ ngay tại bệnh xá. Một chuyến trở về không thể nào quên. Nhưng hành trình đi tìm đồng đội của cán bộ, nhân viên đội 589 đâu chỉ là những lúc đối mặt với những cơn sốt rét rừng hành hạ.

Quên sao được lần tìm kiếm mộ ở bản Nam Ba Hang, nhân viên Nguyễn Hồng Thái bị rắn cắn vào cổ. Vị trí vết thương quá hiểm khiến quân y Đặng Ngọc Tuấn không sao ga-rô nổi. Một tổ được lệnh cắt rừng đưa Nguyễn Hồng Thái về trung tâm huyện, thời gian tính bằng giờ. Nhìn Thái mê sảng rồi lịm dần, khuôn mặt tím tái, anh em đã lường trước khả năng xấu nhất.

Đội 589 khắc phục chướng ngại vật trên đường hành quân.
Đội 589 khắc phục chướng ngại vật trên đường hành quân.

Nhưng thật may, đang lúc nguy kịch, y sỹ Nguyễn Hồng Thái được một người dân bản địa tận tình cứu sống. Dù đêm tối, ông vẫn vào rừng tìm hạt của một loại cây rừng đem về rửa sạch, giã mịn đắp vào vết thương. Đến nửa đêm, Nguyễn Hồng Thái dần hồi phục, tỉnh táo và sáng hôm sau anh đã đi lại bình thường.

“Còn nữa, câu chuyện về hai lần thoát hiểm trên núi Cồn Tao ở Bản Chanh, huyện Bua La Pha-một sự trùng hợp đến kỳ lạ mà chắc chắn không một ai quên được”, thượng tá Nguyễn Văn Chính nhớ lại. Trong lần vượt núi Cồn Tao vào năm 2001, thiếu tá Trần Thanh Bình (lúc đó là đội trưởng đội 589) bị trượt chân rơi từ độ cao hơn 20m. Núi Cồn Tao với vách đá tai mèo dựng đứng, dưới chân là vực thẳm. Nhìn thiếu tá Bình rơi từ khoảng không, nhiều người nhắm mắt, nín thở.

Thật may, một cành cây rừng chìa ra vô tình níu giữ khiến thiếu tá Bình lơ lửng, thoát chết trong gang tấc. Và cũng ở núi Cồn Tao, trong chuyến quy tập năm 2011, trung úy Nguyễn Tiến Anh đã bị trượt chân khi gắng vượt vách đá tai mèo dựng đứng ấy. May mắn lại đến khi một gốc cây chắn ngang đã giữ Nguyễn Tiến Anh ở lại.

Câu chuyện của thượng tá Chính khiến chúng tôi liên tưởng đến những hình ảnh trong bộ phim “Hoa xương rồng trên cát”. Đó là bộ phim tài liệu do  NSƯT Bùi Ngọc Hà viết kịch bản và đạo diễn. Bộ phim để lại ấn tượng sâu đậm và cảm xúc khó quên với khán giả bởi đã khắc họa rõ nét hành trình đi tìm đồng đội đầy vất vả, gian truân của những chiến sỹ đội 589-Bộ CHQS Quảng Bình.

Hình ảnh những chiến sỹ khắc khổ, sạm đen, vai mang ba lô nặng trĩu hành quân bộ qua khắp núi đèo. Dù cơm không đủ ăn, nước không đủ uống, lại phải luôn đối mặt với hiểm nguy, nhưng họ vẫn bước, những bước chân vững vàng vượt qua lằn ranh giữa sống-chết để làm tròn lời hứa với những đồng đội đã hy sinh.

Những câu chuyện mà thượng tá Nguyễn Văn Chính kể và cả những hình ảnh xúc động trong phim “Hoa xương rồng trên cát”, tất cả mới chỉ mới tái hiện một phần trong hành trình đầy gian lao của đội 589. Chắc chắn vậy!

Minh Tú

Kỳ 2: Linh ứng những giấc mơ