.

Thị xã Ba Đồn: Khắc phục nhanh diện tích đất nông nghiệp nhiễm mặn

Thứ Sáu, 01/12/2017, 14:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau hơn 1 tháng triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý và khắc phục, đến nay, phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn trên địa bàn thị xã Ba Đồn đã được tiếp tục gieo trồng trong vụ đông-xuân năm 2017-2018.

Vào thời điểm cuối tháng 9-2017, thị xã Ba Đồn có trên 1.539 ha đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn, có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất vụ đông-xuân năm 2017-2018. Trong tổng diện tích bị nhiễm mặn có 1.273 ha đất sản xuất lúa, 266 ha đất sản xuất rau và đất vườn.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng đất bị nhiễm mặn là do ảnh hưởng của bão số 10 vừa qua, kết hợp với triều cường dâng cao làm cho nước mặn tràn qua tuyến đê của các địa phương; một số tuyến đê, kè của thị xã bị xuống cấp, hư hỏng do ảnh hưởng của lũ lụt năm 2016 chưa được khắc phục, sửa chữa nên nước mặn dễ xâm nhập vào đất sản xuất nông nghiệp; một vài nhánh sông bị đất bồi lắng, chưa được nạo vét làm cho nước mặn dễ tràn vào các xứ đồng và các vùng sản xuất rau, hoa, như: nhánh sông phía Bắc cầu Kênh Kịa...

Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, UBND thị xã Ba Đồn cho biết, nhiều địa phương có diện tích đất sản xuất bị nhiễm mặn nặng, như: Quảng Phúc (200ha), Quảng Thuận (150ha), Quảng Lộc (255ha), Quảng Hoà (155ha)... 

Nông dân thị xã Ba Đồn triển khai sản xuất sau khi xử lý xong diện tích đất và hệ thống kênh mương bị nhiễm mặn.
Nông dân thị xã Ba Đồn triển khai sản xuất sau khi xử lý xong diện tích đất và hệ thống kênh mương bị nhiễm mặn.

Độ mặn của nước trên ruộng tại thời điểm đo đợt 1 (ngày 21 đến 22/9/2017) dao động từ 5 đến 18o/oo, cao gấp nhiều lần so với độ mặn cho phép gieo, cấy lúa và các loại cây trồng khác. Độ mặn trên các hồ chứa và kênh mương nội đồng có biên độ dao động từ 1,7-9,4o/oo.

Nhằm chủ động khắc phục tình trạng đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn, bảo đảm an toàn cho sản xuất, Phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn đã chỉ đạo các xã, phường áp dụng nhiều biện pháp khắc phục, trước mắt tập trung xử lý đối với những vùng có độ mặn trên 4o/oo.

Theo đó, các địa phương vùng ngập úng không thoát nước được (Quảng Phúc, Quảng Thuận) đã triển khai tháo kiệt nước trên các xứ đồng bị nhiễm mặn và có khả năng bị nhiễm mặn, cày bừa sục bùn, thay bằng nước mưa tự nhiên, ngâm ruộng từ 2 đến 3 ngày rồi tháo kiệt nước ra mương tiêu, lặp đi lặp lại các hoạt động trên nhiều lần đến khi độ mặn giảm xuống bảo đảm cho sản xuất; đồng thời tháo kiệt nước trên các tuyến kênh mương nội đồng, kênh rạch, hói, ao hồ bị nhiễm mặn để bảo đảm tốt việc “thau chua, rửa mặn” khi có mưa hoặc các đơn vị Thuỷ nông cung cấp. Những địa phương chủ động tưới tiêu tận dụng nước mưa và nước xả các hồ chứa, cày bừa sục bùn để muối hòa tan, ngâm ruộng sau đó tháo nước ra kênh, mương, sông ngòi.

Lượng nước cần thiết để các địa phương thực hiện có hiệu quả việc rửa mặn cho đất tuỳ thuộc vào các yếu tố, như: hàm lượng độ mặn ban đầu trong đất, mức độ mặn ít nhất của đất thích hợp cho cây trồng, độ sâu đất cần cải tạo, đặc tính của đất...

Sau hơn 1 tháng triển khai quyết liệt các giải pháp khắc phục, đến nay, độ mặn trên các chân đất sản xuất nông nghiệp chỉ còn dao động từ 0,2 đến 3,8o/oo, trên một số hồ chứa, kênh mương, trạm bơm dao động từ 0,3 đến 7,0o/oo.

Toàn thị xã Ba Đồn chỉ còn khoảng 28 ha/1.539 ha đất đang có độ mặn khá cao (Quảng Thuận 18 ha, Quảng Hải 1,5 ha, Quảng Văn 5 ha, Quảng Hòa 2 ha, Quảng Minh 1,5 ha), số diện tích đất sản xuất còn lại đã khắc phục xong và hiện đang tiếp tục gieo trồng vụ đông-xuân năm 2017-2018.

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Thiếu Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho hay, nhằm bảo đảm kế hoạch diện tích sản xuất các đối tượng cây trồng hàng năm, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và nông dân, thị xã Ba Đồn đang đề nghị Sở NN và PTNT hỗ trợ thêm kinh phí trợ giá giống lúa xác nhận sản xuất đại trà cho bà con; có kế hoạch cung cấp các giống chịu mặn để phục vụ sản xuất cho người dân đối với diện tích bị nhiễm mặn không thể gieo trồng được các giống hiện nay; đồng thời, triển khai một số mô hình khảo nghiệm các giống lúa chịu mặn, phèn có năng suất, chất lượng đối với các địa phương hay bị nhiễm mặn do triều cường gây ra trên địa bàn thị xã, như: Quảng Phúc, Quảng Thuận, Quảng Văn, Quảng Lộc...

Hiện tại, UBND thị xã đang chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý quy hoạch các loại giống lúa vào sản xuất trên địa bàn, tránh hiện tượng sản xuất manh mún, tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế sản xuất các loại giống dài ngày bị thoái hóa và mạnh dạn đưa vào sản xuất các loại giống chất lượng.

Bên cạnh tập trung chuyển đổi diện tích sản xuất lúa và các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế thấp sang sản xuất ngô thương phẩm và các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, các địa phương còn diện tích đất bị nhiễm mặn trước mắt phải quyết liệt thực hiện thau rửa bảo đảm quy trình kỹ thuật, phấn đấu sản xuất hết diện tích vụ đông-xuân năm 2017-2018, tuyệt đối không sản xuất đối với các diện tích có độ nhiễm mặn trên 2o/oo. 

Hiền Chi