.

Sản xuất nông nghiệp hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường

Thứ Hai, 11/09/2017, 10:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Chủ trương phát triển sản xuất, cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đang được bà con nông dân thực hiện. Ở Lệ Thủy một số mô hình đã có cách làm hiệu quả, vừa thực hiện ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo hướng khép kín, vừa bảo vệ môi trường.

Mô hình khảo nghiệm trồng dưa lưới trong nhà phủ màng che mưa công nghệ cao của gia đình chị Dương Thị Vinh, thôn 1, Thanh Mỹ, xã Thanh Thủy, Lệ Thủy hiện đã thành công vụ đầu với năng suất cao. Trên tổng diện tích 3.000m2 đất, chị đã mạnh dạn đầu tư 650 triệu đồng xây dựng 6 nhà màng trồng 6.600 gốc dưa lưới  có phủ màng nilon che mưa, gió và ngăn côn trùng, có hệ thống tưới nhỏ giọt và sử dụng phân bón chuyên dụng.

Sau hơn 2 tháng trồng và chăm sóc, vườn dưa cho thu hoạch. Trung bình một nhà màng cho 1 tấn dưa, mỗi quả nặng từ 1,2-1,8kg. Đây là mô hình khảo nghiệm dưa lưới đầu tiên ở Lệ Thủy đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Gia đình anh Lê Văn Niên, ở thôn Thái Sơn, xã Thái Thủy trước đây chỉ nuôi khoảng từ 10 đến 15 con bò thả rông. Nhưng những năm gần đây, nhận thấy nuôi bò nhốt thâm canh vừa có hiệu quả kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư vốn vào mở rộng diện tích trồng cỏ. Hiện nay, gia đình anh có 43 con bò được nuôi theo mô hình nuôi nhốt. Toàn xã Thái Thủy hiện có hơn 80% hộ gia đình nuôi bò nhốt thâm canh. Người chăn nuôi bò ở đây đã thấy rõ lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường mang lại khi dùng phép so sánh chăn nuôi bò nhốt thâm canh và bò thả rong.

Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học ở Lệ Thủy cũng bắt đầu được nhân rộng. Từ 3 hộ chăn nuôi ban đầu ở các xã Liên Thủy và Trường Thủy, đến nay nhiều nông dân trong huyện đã thực hiện chăn nuôi gà theo phương pháp dùng đệm lót sinh học. 

Chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học là hình thức nuôi nhốt trên một nền đệm lót được làm bằng nguyên liệu có độ trơ cao (không bị nước làm nhũn nát như: trấu, mùn cưa, phoi bào, rơm, rạ...) trộn với hệ vi sinh vật (men vi sinh) để phân hủy phân, nước tiểu giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi, tạo môi trường trong sạch, không ô nhiễm.

Thực hiện chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp, cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã hình thành nhiều mô hình trang trạng khép kín kết hợp nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; mô hình chăn nuôi khép kín gắn với ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là trong khâu xử lý môi trường chăn nuôi.

Nguồn đất đai trong phát triển kinh tế trang trại trồng trọt và chăn nuôi đang còn lớn. Việc đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi phù hợp với cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là hướng đi thích hợp trong giai đoạn hiện nay, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

Đình Hoàng
(Đài TT-TH Lệ Thủy)