.

Nhất định chúng ta sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này!

Chủ Nhật, 03/07/2016, 15:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, thì Quảng Bình là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Ngay sau thời điểm Chính phủ công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho Báo Quảng Bình cuộc trao đổi chân tình và thẳng thắn về tâm tư cũng như những giải pháp căn cơ mà tỉnh sẽ thực hiện để đồng hành cùng người dân vượt qua khó khăn trước mắt và chiến lược ổn định về lâu dài. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

>> Ngư dân cần sinh kế lâu dài và môi trường biển sạch

P.V: Trước hết, xin đồng chí cho biết hậu quả của sự cố môi trường biển gây ra đối với Quảng Bình?

+ Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài: Hậu quả do Formosa gây ra là rất nghiêm trọng đối với tỉnh ta, bởi vì Quảng Bình có tổng số 18 xã sát biển và 32 xã nghèo bãi ngang, cồn bãi với khoảng 100.000 người đang sinh sống. Ở những địa phương này người dân sống chủ yếu về nghề biển và phục vụ cho nghề biển. Sau khi sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra, người dân không thể ra biển đánh cá và những hộ dân làm dịch vụ nghề cá cũng không có việc làm dẫn đến không có thu nhập.

Đặc biệt, tập quán của những người dân vùng biển rất khác với những nơi khác là vì họ sống hàng ngày phụ thuộc vào biển như tối là đi câu mực, sáng về bán để chi tiêu hàng ngày nên khi sự cố xảy ra người dân hoang mang, bức xúc. Trong khi một số đối tượng xấu lợi dụng để kích động cùng với các tổ chức phản động trong và ngoài nước móc nối gây rối nên tình hình trên địa bàn rất phức tạp.

Thiệt hại về mặt kinh tế theo thống kê sơ bộ lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ thuần túy về kinh tế biển, hệ lụy kéo theo cho cả nền kinh tế-xã hội còn lớn hơn. Chẳng hạn như về du lịch, chưa bao giờ lĩnh vực này tụt giảm như vậy. Năm nay, toàn tỉnh dự kiến đưa vào khai thác 1.500 phòng khách sạn từ hai sao đến năm sao. Nhưng nay nhiều khách sạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng để phục vụ du khách mà phải để không, trong khi phải trả lãi vay ngân hàng rất lớn. Hàng trăm nhà hàng, các chợ đầu mối vắng tanh… Nói chung thiệt hại về du lịch là rất lớn, không thể tính bằng tiền vì lĩnh vực này còn bị ảnh hưởng rất lâu dài.

Năm nay, tốc độ tăng trưởng của Quảng Bình dự kiến là 8% nay chỉ còn 5,5%; trong đó lĩnh vực nông nghiệp kế hoạch tăng trưởng là 3,51% nhưng dự kiến chỉ đạt 1,5%; mức độ tiêu thụ điện cũng tụt giảm do ít khách du lịch và nhiều lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng mà nguyên nhân cơ bản là do ô nhiễm môi trường biển gây ra.

P.V: Vậy tỉnh ta đã có những chính sách hỗ trợ gì cho người dân trong thời gian qua, thưa đồng chí?

+ Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài: Trước tình hình đó, mặc dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề ra một số chủ trương như: xuất cấp 500 tấn gạo hỗ trợ cho ngư dân ở các xã ven biển để ổn định cuộc sống, đồng thời hỗ trợ trước mắt cho 2.800 tàu với mức 1 triệu đồng/tàu trong thời điểm người dân chưa đánh bắt được ở vùng biển ven bờ. Đối với những tàu đánh bắt vùng biển xa (toàn tỉnh có 830 tàu, công suất 90CV trở lên), khi sự cố môi trường biển xảy ra thì các đại lý ngừng thu mua nên ngư dân cũng rất bức xúc.

Trước tình hình đó, tỉnh đã chủ động xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để triển khai chính sách thu mua hải sản cho người dân. Và Quảng Bình là tỉnh đầu tiên thực hiện chính sách này. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau khi tiếp nhận đề xuất của tỉnh đã chỉ đạo bằng mọi cách để thu mua hải sản cho người dân.

Ngay sau đó, tỉnh đã trích ngân sách để hỗ trợ 20% theo giá bán bình quân trước khi có sự cố môi trường biển để các đại lý thu mua cá cho người dân yên tâm bám biển. Các ngành chức năng, đoàn thể và các địa phương cũng đã tiến hành thu gom, xử lý cá biển chết nhằm bảo vệ môi trường, đồng thời nghiêm cấm các hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng cá biển chết…

Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội bám sát cơ sở để động viên người dân nhằm ổn định tình hình, đồng thời tỉnh đã báo cáo và đề xuất Chính phủ để ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân như chúng ta đã biết.

P.V: Đồng chí có thể cho biết những kiến nghị, đề xuất của tỉnh đối với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nhằm giúp dân sớm ổn định cuộc sống?

+ Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài: Sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố, thì người dân đã phần nào thỏa mãn. Nhưng điều mà tất cả chúng ta quan tâm là đến bao giờ môi trường biển mới hết ô nhiễm? Đó là điều mà tất cả mọi người băn khoăn nhất.

Do vậy, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần sớm có các giải pháp cụ thể để xử lý môi trường biển thật triệt để, nhất là phần đáy biển, nhằm đảm bảo môi trường trong sạch về lâu dài. Đồng thời, có kế hoạch và biện pháp giám sát nghiêm ngặt để không tái diễn tình trạng tương tự.

Hiện tại, ngư dân đánh bắt hải sản không bán được hoặc phải bán với giá rất rẻ nên ảnh hưởng đến đời sống, mặc dù Chính phủ đã có chính sách kéo dài thời gian hỗ trợ gạo lên 6 tháng nhưng có lẽ đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài Chính phủ cần có các biện pháp mạnh như: chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân; có chính sách thông thoáng, thủ tục đơn giản cho ngư dân vay vốn để đóng tàu đánh bắt xa bờ, vì đó không chỉ đơn thuần là việc giải quyết việc làm mà còn là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngoài ra, tỉnh đang triển khai dự án 32 xã nghèo bãi ngang cồn bãi, do vậy đề nghị Chính phủ tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ nguồn vốn cho dự án để ổn định đời sống lâu dài cho người dân. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền đúng hướng để ổn định tư tưởng người dân. Qua đó để người dân tin tưởng vào sự điều hành của Chính phủ cũng như chính quyền địa phương, tránh bị kẻ xấu lợi dụng kích động làm mất ổn định tình hình an ninh trật tự.

P.V: Tỉnh ta sẽ thực hiện những giải pháp nào để đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân, thưa đồng chí?

+ Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài: Về phía tỉnh sẽ tập trung phát triển các ngành phi nông nghiệp như các cơ sở du lịch, các dự án nhà máy may công nghiệp ở Đồng Hới, Lệ Thủy, Ba Đồn, Quán Hàu… để góp phần giải quyết việc làm cho người dân, đồng thời tạo điều kiện cho con em ở các xã ven biển tham gia xuất khẩu lao động.

Đối với một số vùng ven biển còn quỹ đất nông nghiệp, đất cát thì tỉnh sẽ tạo điều kiện cho người dân chăn nuôi, trồng trọt, phát triển mô hình kinh tế trang trại…

Tuy nhiên, vì biển đã là máu thịt của ngư dân, nên theo tôi, để bảo đảm sinh kế lâu dài cho họ, thì giải pháp quan trọng nhất là giúp dân chuyển từ đánh bắt vùng lộng sang vùng biển xa để không những khai thác tiềm năng mà còn góp phần đắc lực bảo vệ chủ quyền biển đảo…

P.V: Theo đồng chí, cần rút ra những bài học gì từ sự cố này?

+ Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài: Theo tôi, có hai bài học lớn cần được rút ra. Thứ nhất, là hệ thống chính trị ở cơ sở cần chủ động, sáng tạo trong ứng xử tình huống. Sở dĩ vừa qua tỉnh ta được Trung ương đánh giá cao là do chúng ta hết sức chủ động và linh hoạt, sâu sát cơ sở nên có những giải pháp tình thế rất hiệu quả, giúp sớm ổn định tình hình. Thứ hai là bài học về quản lý. Có thể nói, sự cố môi trường biển vừa qua là một bài học xương máu trong chính sách kêu gọi đầu tư.

Là một tỉnh nghèo rất cần dự án đầu tư, nhưng từ nay, khi chấp thuận các dự án cần phải đánh giá, xem xét và giám sát kỹ quá trình triển khai thực hiện. Hiện nay, với tiềm năng rất lớn về biển, đất đai và con người cùng với phương châm phát triển bền vững và hiệu quả nên tỉnh sẽ lựa chọn những dự án ảnh hưởng ít đến môi trường, dự án sử dụng công nghệ cao, tiên tiến với quyết tâm không vì tăng trưởng kinh tế mà xem nhẹ vấn đề môi trường.

P.V: Đồng chí có băn khoăn trăn trở và tâm sự gì cần chia sẻ qua sự cố này?

+ Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài: Như chúng ta đã biết, ở tỉnh ta người dân sống bằng nghề nông nghiệp là chủ yếu, với tỷ lệ khoảng 80% nên qua sự cố môi trường biển đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Đáng tiếc là thời gian qua, cán bộ ở một số nơi lại quan liêu không bám dân, không gần dân, chưa sâu sát, chưa quan tâm đến người dân; do vậy khi xảy ra tình huống thì bị động lúng túng, không giải thích cho dân hiểu dẫn đến xảy ra tình trạng mất trật tự trị an và làm giảm lòng tin của dân.

Do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ kịp thời chấn chỉnh vấn đề này, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở luôn đồng hành, chia sẻ cùng người dân, các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp...Tin rằng, cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh cùng với tấm lòng thương dân thực sự của đội ngũ cán bộ, nhất định chúng ta sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này!

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!

Minh Văn (thực hiện)