.

Nỗ lực hỗ trợ ngư dân ổn định đời sống

Thứ Sáu, 01/07/2016, 08:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Sự cố hải sản chết bất thường vừa qua đã gây thiệt hại và ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự, sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung và ngư dân sống dựa vào biển nói riêng. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt và kịp thời của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự vào cuộc tích cực của các ngành và cả hệ thống chính trị trong thực hiện các chính sách, giải pháp khắc phục hậu quả, sự đồng thuận của cán bộ và các tầng lớp nhân dân, đến nay tình hình an ninh trật tự và đời sống nhân dân trên địa bàn đã cơ bản ổn định.

Tỉnh Quảng Bình có bờ biển dài 116 km, ngư trường và vùng đặc quyền kinh tế hơn 20.000 km2, kinh tế biển có vai trò hết sức quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Trên địa bàn tỉnh có 5.400 tàu đánh bắt cá, trong đó có trên 3.100 tàu công suất dưới 90 cv khai thác hải sản gần bờ và 1.100 tàu đánh bắt vùng biển xa, sản lượng thuỷ hải sản đạt trên 60.000 tấn/năm.

Các cơ quan chức năng kiểm định chất lượng và xác nhận nguồn gốc hải sản đánh bắt xa bờ.
Các cơ quan chức năng kiểm định chất lượng và xác nhận nguồn gốc hải sản đánh bắt xa bờ.

Tổng số lao động trực tiếp làm việc trên tàu cá khoảng 15.000 người, số lao động tham gia dịch vụ hậu cần nghề cá, nuôi trồng thuỷ sản trên 60.000 người. Về hoạt động du lịch, toàn tỉnh có 286 cơ sở lưu trú, với 7.500 phòng nghỉ, hàng năm đón trên 3 triệu lượt khách du lịch.

Do ảnh hưởng của sự cố hải sản chết bất thường vừa qua, hoạt động khai thác thuỷ hải sản, du lịch và dịch vụ liên quan bị đình trệ, đời sống, việc làm, thu nhập của nhân dân sống dựa vào biển và ngư dân các xã vùng biển hết sức khó khăn. Theo thống kê sơ bộ, tổng thiệt hại ban đầu do ảnh hưởng của hiện tượng hải sản chết bất thường trên địa bàn tỉnh (từ ngày 10-4-2016 đến 30-5-2016) là 1.018 tỷ đồng. 

Ngay sau khi xuất hiện hiện tượng hải sản chết bất thường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng bám sát địa bàn, về từng hộ dân để nắm tình hình và triển khai một cách quyết liệt nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ cho nhân dân.

Theo đó, tỉnh và các địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thành lập Ban chỉ đạo và các tổ công tác để triển khai các giải pháp ổn định tình hình. Các địa phương, lực lượng và cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý cá biển chết nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, đồng thời nghiêm cấm, ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng cá biển chết. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, UBND tỉnh đã phân bổ trên 1.577 tấn gạo cho ngư dân.

Các huyện, thị, thành phố trích ngân sách địa phương mua 241 tấn gạo cấp hỗ trợ thêm cho ngư dân; đồng thời hỗ trợ khẩn cấp cho các gia đình chính sách, hộ nghèo như: Bố Trạch bố trí 600 triệu đồng để hỗ trợ, Lệ Thuỷ hỗ trợ 70 hộ với số tiền 300.000 đồng/hộ...

Trước đó, khi chưa có quyết định hỗ trợ gạo của Chính phủ, UBND tỉnh đã trích ngân sách mua 500 tấn gạo hỗ trợ cho ngư dân các xã ven biển, mức hỗ trợ bình quân 10 kg/khẩu. Như vậy, tổng số gạo đã hỗ trợ cho ngư dân đến thời điểm này là gần 1.819 tấn, với 16.763, 70.114 khẩu. UBND tỉnh đã trích 19,7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng để hỗ trợ 5 triệu đồng/tàu cá có lắp máy dưới 90 CV và 3,5 triệu đồng/tàu cá không lắp máy.

Người tiêu dùng mua hải sản tại điểm bán cá sạch, thành phố Đồng Hới
Người tiêu dùng mua hải sản tại điểm bán cá sạch, thành phố Đồng Hới

Đến nay, các địa phương đã thực hiện xong phần hỗ trợ tàu cá gồm: Quảng Ninh, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã hỗ trợ 1,3 tỷ đồng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ 430 triệu đồng và các tổ chức, đoàn thể trong tỉnh cũng đã trích quỹ hỗ trợ và vận động giúp đỡ ngư dân trong lúc khó khăn. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành, địa phương tham mưu phân bổ 13,2 tỷ đồng hỗ trợ các hộ bị thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản và làm muối khôi phục sản xuất.

Nhằm hỗ trợ các tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh tiêu thụ được sản phẩm và ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ 20% giá thu mua hải sản đánh bắt xa bờ cho các doanh nghiệp, đại lý, hộ thu mua hải sản. Tính từ ngày 1-5-2016 đến 15-5-2016, có 44 doanh nghiệp, cơ sở đã thu mua 1.810 tấn hải sản cho 776 tàu cá đánh bắt xa bờ, với tổng giá trị 133 tỷ đồng.

Nhờ vậy, sản phẩm hải sản đánh bắt xa bờ của ngư dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian này đã được tiêu thụ hết, ngư dân yên tâm tiếp tục ra khơi khai thác hải sản, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cơ bản ổn định.

Trò chuyện với phóng viên, anh Hoàng Nồm (xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn), chủ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá số hiệu QB-98145 TS phấn khởi cho biết: "Mỗi chuyến ra khơi, tôi thu mua khoảng 20 tấn cá các loại từ nhiều tàu đánh bắt xa bờ khác trên biển. Khi trở về đất liền, tôi vẫn mang tâm lý lo lắng sợ không tiêu thụ hết sản lượng cá nhưng rất may mắn được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thu mua hết. Mặc dù giá bán thấp hơn so với trước đây do ảnh hưởng của hiện tượng hải sản chết bất thường nhưng tôi vẫn tiếp tục ra khơi để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống cho gia đình và các thuyền viên trên tàu".

Còn chị Hoàng Thị Thuận, chủ doanh nghiệp thu mua hải sản Thuận Lợi tại cảng cá Sông Gianh thì tâm sự với chúng tôi: Nhờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc kiểm dịch, xác nhận nguồn góc và chứng nhận cá bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, doanh nghiệp của chị đã có cơ sở và tự tin thu mua hải sản nhằm chia sẻ khó khăn với ngư dân. Bình quân mỗi ngày, doanh nghiệp Thuận Lợi thu mua trên 5 tấn hải sản đánh bắt xa bờ các loại của ngư dân.

Theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng, đến ngày 15-6-2016, trên địa bàn tỉnh có 4.055 khách hàng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng hải sản chết bất thường với dư nợ bị ảnh hưởng gần 1.060 tỷ đồng, trong đó dư nợ bị thiệt hại 739 tỷ đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và ngư dân, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 105 khách hàng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 25,8 tỷ đồng; miễn, giảm lãi tiền vay cho 98 khách hàng với số tiền 1,5 tỷ đồng; cho vay mới 102 khách hàng với số tiền 31,5 tỷ đồng; cho vay trên 156,4 tỷ đồng để thu mua hải sản...

Nhằm kích cầu thị trường mua bán hải sản đánh bắt xã bờ của ngư dân, thành phố Đồng Hới đã tổ chức các điểm bán cá sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn. Nguồn sản phẩm bán cho người tiêu dùng do các doanh nghiệp thu mua hải sản có uy tín trên địa bàn thành phố đảm nhiệm cung cấp và được các ngành chức năng kiểm định nguồn gốc, chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại các điểm bán cá sạch đều có bảng niêm yết giá cụ thể đối với từng loại sản phẩm và trong quá trình mua bán đều có sự chứng kiến của đại diện các lực lượng chức năng.

Thu mua hải sản đánh bắt xa bờ tại cảng cá Sông Gianh, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch
Thu mua hải sản đánh bắt xa bờ tại cảng cá Sông Gianh, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch

Theo quan sát của phóng viên, rất đông người tiêu dùng đã đến mua hải sản tại các điểm bán cá sạch. Qua đó cho thấy người tiêu dùng đã an tâm và tin tưởng để mua cá sạch được đánh bắt từ vùng biển an toàn.

Nhằm giúp người dân tái sản xuất để ổn định cuộc sống lâu dài, ngoài các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 9-5-2016, Quyết định 1138/QĐ-TTg ngày 25-6-2016 sửa đổi bổ sung Điều 1 của Quyết định 772/QĐ-TTg về hỗ trợ khẩn cấp cho ngư dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường, Chính phủ cần sớm ban hành chính sách chuyển đổi nghề cũng như chính sách về khôi phục môi trường và các chính sách tạo việc làm cho bà con ngư dân ven biển bãi ngang.

Đối với các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp (tổ chức và cá nhân nuôi trồng thuỷ hải sản, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản, thu mua, chế biến hải sản...) và các đối tượng bị ảnh hưởng gián tiếp cần được miễn tiền thuế đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp...

Về phía Ngân hàng Nhà nước, cần tiếp tục xem xét để có chính sách hỗ trợ đối với các khách hàng vay thu mua, tạm trữ hải sản; có giải pháp khoanh nợ, giản nợ đối với các tàu đánh bắt xa bờ, tạo điều kiện hỗ trợ vốn đóng mới tàu cá để chuyển đổi nghề khai thác gần bờ sang xa bờ...

So với Quyết định 772, Quyết định 1138 của Thủ tướng có những điểm mới là: Tăng thời gian hỗ trợ gạo từ 1,5 tháng lên tối đa 6 tháng; bổ sung đối tượng hỗ trợ là hộ gia đình làm nghề muối; kéo dài thời gian thu mua, tạm trữ hải sản được hỗ trợ lãi suất thêm 1 tháng.

Được biết, hiện nay Bộ NN&PTNT đang tích cực tham mưu cho Chính phủ để ban hành các chính sách hỗ trợ lâu dài cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung.

P.V