.

Nghề chế biến hải sản sau sự cố môi trường biển

Thứ Ba, 05/07/2016, 08:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Tình trạng cá chết hàng loạt thời gian qua do Formosa Hà Tĩnh xả các chất độc hại ra biển đã làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sản xuất của cư dân miền biển tỉnh ta. Người dân vừa lo ngại khi ăn hải sản vừa lo ngại chất độc có trong nước biển nên nghề đánh bắt, nuôi trồng và cả chế biến thủy sản đều gặp khó khăn. Trong đó, nghề chế biển thủy sản được xem là một trong những nghề truyền thống của tỉnh đang thực sự lâm vào cảnh “ngồi trên đống lửa”...

Giá các mặt hàng hải sản chế biến tăng cao...

Sau hiện tượng cá chết bất thường, nhiều người dân ở các địa phương trong tỉnh đã đổ xô đi mua nước mắm, cá khô về dự trữ dùng dần trong gia đình. Qua trao đổi, nhiều người cho rằng, sau khi nghe thông tin về nước biển miền Trung bị nhiễm độc tố nên phải mua nước mắm cũ, cá khô tránh trường hợp sau này mua phải những sản phẩm chứa độc tố. 

Các cơ sở chế biến thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đang khó khăn sau sự cố cá chết hàng loạt bất thường.
Các cơ sở chế biến thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đang khó khăn sau sự cố cá chết hàng loạt bất thường.

Chị Hạnh ở phường Nam Lý (Đồng Hới) cho biết, chị đã mua gần 20 lít nước mắm về trữ dùng cả năm vì sợ nước biển ô nhiễm, việc lấy cá làm nước mắm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả gia đình. Đáng nói, không mỗi mình chị Hạnh mà rất nhiều người tiêu dùng có chung suy nghĩ như vậy.

“Mình cũng thấy hoang mang, thấy người ta chen nhau đi mua thì cũng mua thôi. Gia đình mình mua gần 1 triệu đồng nước mắm trữ cho cả gia đình ăn trong năm nay và cả năm sau. Cứ phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chị Tâm, ở phường Hải Đình chia sẻ.

Vì ai cũng có tâm lý như vậy nên sức mua các sản phẩm chế biến gồm cá khô, nước mắm đã tăng cao so với trước đó, nhất là nước mắm. Chính điều này đã tạo ra một cơn sốt đối với các mặt hàng hải sản được xem là chế biến trước thời điểm cá chết bất thường. Bình thường giá nước mắm loại 1 chỉ có giá khoảng từ 50.000-60.000 đồng/lít nhưng thời điểm sốt hàng giá đã được đẩy lên 90.000 -100.000 đồng/lít.

“Họ bán giá rất lộn xộn, có cơ sở sản xuất nước mắm tăng 20.000 đồng/lít, có nơi tăng 30.000 đồng/lít, có nơi lại tăng đến 40.000-50.000 đồng/lít, riêng cá khô tăng từ 20.000-30.000 đồng/kg”, chị Hoa, tiểu thương kinh doanh sản phẩm hải sản chế biến tại chợ Đồng Hới cho biết.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại sức mua đã giảm dần nhưng giá nước mắm vẫn giữ khá cao, giao động từ 60.000-80.000 đồng/lít. Đáng nói, có một số cơ sở chế biến nhỏ đã lợi dụng tình hình này để “đục nước béo cò”, đẩy giá các sản phẩm chế biến thủy sản lên cao, hay dùng cách pha chế nước mắm không bảo đảm VSATTP... nhằm kiếm lời. Việc làm này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường kinh doanh sản phẩm hải sản chế biến trong tỉnh và cuộc sống của người tiêu dùng khi mua phải sản phẩm không bảo đảm chất lượng. 

Không có tình trạng dùng cá chết chế biến thành nước mắm...

Chị Đào Thị Tám, chủ cơ sở sản xuất và chế biến nước mắm, cá khô Long Tám thuộc thôn Đông Dương, xã Bảo Ninh (Đồng Hới), cho biết, hiện toàn xã có 6 cơ sở chế biến nước mắm và dạng mắm có quy mô lớn và khoảng gần vài chục cơ sở chế biến nhỏ lẻ. Song đặc thù chung của nghề sản xuất, chế biến hải sản là diễn ra vào giữa vụ mùa đánh cá nam (khoảng giữa tháng 6 đến tháng 7, 8 dương lịch) bởi lúc này nguồn nguyên liệu dồi dào và thời tiết nắng ráo thuận lợi để phục vụ các hoạt động sơ chế.

Bên cạnh đó, qua trao đổi với một số chủ cơ sở chế biến hải sản ở các địa phương ven biển như: Đức Trạch, Thanh Trạch (Bố Trạch), Cảnh Dương, Quảng Phú, Quảng Xuân (Quảng Trạch), Bảo Ninh, Quang Phú (Đồng Hới), Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy) được biết, nguyên liệu để chế biến các loại cá khô, mắm, ruốc quết, nước mắm là các loại cá chủ yếu sống tầng nổi như: cá cơm, cá nục, cá ve, cá thửng... trong khi đó, hàng loạt cá chết bất thường chủ yếu sống tầng đáy như: cá hồng, cá mú, cá hố, cá đục... Đây là các loại cá có giá trị kinh tế cao và khi đánh bắt được chủ yếu dùng để xuất khẩu.

Chị Thu Hiền, chủ cơ sở chế biến nước mắm có tiếng ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) cũng chia sẻ thêm: “Muốn tồn tại, duy trì được thương hiệu và uy tín lâu dài của cơ sở chế biến, trước hết đòi hỏi chủ cơ sở phải bảo đảm VSATTP cũng như kỹ thuật chế biến. Bởi người tiêu dùng càng ngày càng tinh ý trong việc lựa chọn thực phẩm, do đó, các cơ sở không dại gì “tham bát bỏ mâm”. Người tham gia nghề phải cẩn thận lựa chọn nguyên liệu đầu vào bảo đảm chất lượng, có như vậy việc tiêu thụ sản phẩm mới đạt hiệu quả cao”. 

Thực tế cho thấy, trong những ngày đầu, khi thấy hiện tượng cá chết rải rác dạt vào bờ, người dân ven biển do không biết nên có trường hợp đã lấy về sử dụng (dùng làm thức ăn và chăn nuôi). Tuy nhiên, sau đó, thấy hiện tượng cá chết nhiều bất thường, được chính quyền và Sở NN và PTNT tỉnh khuyến cáo nên người dân không sử dụng chế biến thành thức ăn.

Ông Trần Đình Du, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định, khi nhận được khuyến cáo của Bộ NN và PTNT, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương huy động nhân dân thu gom, tiêu hủy bằng cách rắc vôi bột chôn để bảo đảm vệ sinh. Lực lượng chức năng của tỉnh cũng đã vào cuộc một cách quyết liệt, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm nhằm ngăn chặn hiện tượng người dân “nảy lòng tham” xúc cá chết để tiêu thụ hoặc cấp đông chờ dư luận dịu xuống sẽ chế biến thành nước mắm tiêu thụ ra thị trường.

Gian nan bài toán nguyên liệu và đầu ra

Sản phẩm chế biến thủy sản truyền thống tại tỉnh ta bao gồm rất nhiều nhóm hàng đa dạng và phong phú nhưng sản xuất nước mắm vẫn là nghề chiếm số lượng lớn nhất với trên 800 cơ sở chế biến lớn, nhỏ. Nhờ vậy, sản lượng chế biến nước mắm hàng năm bình quân đạt khoảng trên 2.800.000 lít đến 3.000.000 lít.

Hiện tại sức mua đã giảm dần nhưng giá bán nước mắm vẫn giữ khá cao, giao động từ 60.000-80.000 đồng/lít tại chợ Đồng Hới.
Hiện tại sức mua đã giảm dần nhưng giá bán nước mắm vẫn giữ khá cao, giao động từ 60.000-80.000 đồng/lít tại chợ Đồng Hới.

Đặc biệt, có một vài sản phẩm phục vụ cho ngành du lịch, được nhiều du khách biết đến và tìm mua làm quà như: mực khô, nước mắm loại 1. Nói như vậy, để biết rằng nghề chế biến hải sản đã có tác động tích cực trong việc tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân trong tỉnh.

Sau sự cố môi trường biển, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan triển khai các biện pháp kịp thời (tiến hành kiểm định và cấp giấy chứng nhận ATVSTP, giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm) để củng cố tâm lý cho người tiêu dùng và hoạt động khai thác thủy sản. Song hầu hết các cơ sở chế biến thuỷ sản trên địa bàn tỉnh vẫn lâm vào tình trạng thiếu nguyên liệu và “ngắc ngoải” đầu ra.

Chị Đào Thị Tám, chủ cơ sở sản xuất và chế biến nước mắm, cá khô Long Tám, đồng thời là tổ trưởng tổ hợp tác chế biến hải sản chia sẻ, tổ hợp tác của chị gồm 9 hộ gia đình tham gia với quy mô chế biến khoảng trên 200 tấn cá khô/năm và khoảng 20-30 tấn cá tươi/hộ/năm, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động ở địa phương.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình trạng cá chết bất thường nên mặc dù đã bước vào mùa vụ gần 1 tháng nhưng 9 hộ tham gia chế biến thủy sản vẫn đang bị ngừng trệ do thiếu nguyên liệu. Các năm trước, vào những tháng chính vụ, tổ hợp tác  thu mua gần 100 tấn cá tươi mỗi tháng phục vụ cho cả chế biến khô và làm các loại mắm. Nhưng giờ hầu hết các cơ sở chế biến phải chờ tàu đánh bắt xa bờ về và được cấp giấy chứng nhận ATVSTP, giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm thì các chủ cơ sở chế biến mới thu mua.

Trong khi đó, các tàu đánh bắt xa bờ hiện nay tập trung đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế cao, còn các loại cá phục vụ chế biến cũng rất hạn chế. Đây cũng chính là thực trạng chung hiện nay của các cơ sở chế biến trong tỉnh. 

Phải nói rằng, các sản phẩm thủy sản chế biến của tỉnh ta dần khẳng định được uy tín trên thị trường trước hết là nhờ nguồn nguyên liệu tươi ngon, sự đầu tư về kỹ thuật, tay nghề để nâng cao chất lượng sản phẩm của các cơ sở chế biến. Nhưng để nghề chế biển hải sản vượt qua giai đoạn khó khăn trong thời điểm này thì giải pháp hữu hiệu và thiết thực nhất chính là sự ủng hộ và tin dùng của người tiêu dùng.

N.L