.

Đưa đặc sản Quảng Bình vào hệ thống siêu thị: Cơ hội lớn, thách thức nhiều!

Thứ Sáu, 08/07/2016, 09:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ khi Siêu thị Co.opmart đi vào hoạt động ở tỉnh ta, đặc sản Quảng Bình đã có nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường tiêu thụ giàu tiềm năng và rộng lớn này. Hiện tại, mật ong Tuyên Hóa đang được người tiêu dùng ưa chuộng, khoai deo Hải Ninh và mè xửng Hiếu Kiên (Lệ Thủy) cũng sắp sửa được đưa lên kệ hàng, trong tương lai, một số mặt hàng đặc sản khác sẽ theo đúng lộ trình trên để mở rộng đầu ra.

Để thực hiện được điều này, vẫn còn rất nhiều việc phải làm với các đơn vị sản xuất sản phẩm đặc sản, từ: bảo đảm chất lượng sản phẩm, xuất xứ nguyên liệu cho đến đạt chuẩn khâu đóng gói, nhãn mác ấn tượng, hấp dẫn. Bên cạnh đó, phía hệ thống các siêu thị cũng cần tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho đặc sản Quảng Bình, đặc biệt là ở khâu quảng bá, tiếp thị, trưng bày sản phẩm.
 

Mật ong Tuyên Hóa đa dạng về mẫu mã, chủng loại đang tạo được sức hút nhất định trong siêu thị Co.opmart Quảng Bình.
Mật ong Tuyên Hóa đa dạng về mẫu mã, chủng loại đang tạo được sức hút nhất định trong siêu thị Co.opmart Quảng Bình.

Đặc sản mật ong Tuyên Hóa là thương hiệu sản phẩm đầu ra của dự án “Thúc đẩy chuỗi giá trị các sản phẩm mật ong để giảm nghèo và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của người dân ở các huyện miền núi phía Tây Quảng Bình” do Trung tâm nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển thực hiện tại các huyện miền núi phía Tây tỉnh ta từ năm 2013 đến 2014. Công ty TNHH Sinh thái miền Tây Quảng Bình là đơn vị đứng ra triển khai.

Mật ong Tuyên Hóa được nuôi và khai thác, bảo quản theo tiêu chuẩn mật ong chất lượng cao. Mạng lưới các hộ nuôi ong bảo đảm tiêu chí không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không pha chế bất kỳ phụ gia thực phẩm, không lẫn tạp chất, côn trùng, mật ong có màu sắc và mùi thơm đặc trưng của từng mùa hoa, không pha lẫn mật ong các vụ khác nhau.

Hiện tại, thị trường tiêu thụ chính của Công ty là nội địa với 100% số lượng sản phẩm, trong đó, thị trường miền Nam chiếm 40%, miền Trung (Huế, Quảng Bình, Đà Nẵng) là 35%, miền Bắc là 10%, thị trường dược liệu, mỹ phẩm là 5%. Các đại lý tiêu thụ sản phẩm của Công ty chủ yếu có quy mô nhỏ, như: quán cà phê, đại lý bán lẻ, siêu thị nhỏ...

Tin vui là từ cuối năm 2015, siêu thị Co.opmart Quảng Bình đã bắt đầu ký hợp đồng và nhập hàng mật ong Tuyên Hóa với 2 đợt, mỗi đợt từ 30-40 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên, sản phẩm “bước chân” vào siêu thị lớn, tiếp cận với nguồn khách hàng phong phú.

Ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sinh thái miền Tây Quảng Bình cho biết, nhờ đa dạng hóa các mẫu mã sản phẩm với 6 loại kích cỡ, gồm: chai (700ml, 500ml, 250ml), hũ (1.000g, 500g, 200g), mật ong Tuyên Hóa có thể tiếp cận với nhiều lớp khách hàng khác nhau, từ người già đến người trẻ.

Đặc biệt, thiết kế theo hũ đẹp, hiện đại, vừa tạo điểm nhấn, thu hút người tiêu dùng trẻ, vừa tiện lợi dễ mang theo. Cơ hội này cũng mở ra tiềm năng lớn cho sản phẩm để được “lên kệ” tại hệ thống 81 siêu thị Co.opmart trong cả nước.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay theo ông Hoàng Tuấn Anh là sản phẩm mật ong Tuyên Hóa trong siêu thị vẫn chưa có được sự trưng bày thu hút, tạo sự chú ý của người mua và nhất là chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các sản phẩm cùng dòng khác.

Đồng thời, giá cả của sản phẩm cũng chưa có được sự đồng nhất giữa các hệ thống phân phối, cụ thể, sản phẩm có giá chung là 220 nghìn đồng/kg/700ml, nhưng vào siêu thị và các đại lý khác, giá được thay đổi trên dưới 280 nghìn đồng do cách tính toán ở mỗi đối tác là khác nhau. Chính điều này đã phần nào làm mật ong Tuyên Hóa gặp nhiều khó khăn để mở rộng thị trường, tạo sự tin cậy cho khách hàng.

Trước mắt, Công ty và các đối tác đang tìm nhiều giải pháp để khắc phục điều này. Trong thời gian tới, Công ty sẽ nỗ lực từng bước mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ, ký kết hợp đồng với các siêu thị lớn hơn và giữ vững uy tín, chất lượng sản phẩm của mình. Với sự hỗ trợ từ Sở Công thương, Công ty sẽ tiếp tục tham gia các chương trình xúc tiến, kích cầu, khuyến công để đưa sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Chị Hoàng Thị Liễu, Chủ nhiệm Hợp tác xã Chế biến khoai deo Hải Ninh (Hải Ninh, Quảng Ninh) chia sẻ, sắp tới Co.opmart Quảng Bình sẽ tiến hành thu mua hơn 50kg khoai deo để bán tại siêu thị. Mỗi năm, lượng tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã dao động trên dưới 10 tấn, mỗi tháng từ 1-1,5 tấn.

Dù vậy, những tháng gần đây, sản phẩm gặp khó khăn hơn trong tiêu thụ, do lượng khách du lịch giảm, khiến các đại lý nhỏ không dám gom hàng nhiều. Trước đây, khoai deo đã có mặt ở một số siêu thị nhỏ trong tỉnh, nhưng đây là lần đầu tiên xuất hiện tại siêu thị lớn.

Vì vậy, chị em trong Hợp tác xã cũng rất kỳ vọng vào kênh tiêu thụ mới này. Khác với mật ong Tuyên Hóa, sản phẩm khoai deo Hải Ninh đều bán đồng giá 75 nghìn/kg, tạo sự cân bằng về giá cả và tin tưởng cho khách hàng.

Khoai deo Hải Ninh được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả khả quan khi được bày bán tại Co.opmart Quảng Bình trong thời gian tới.
Khoai deo Hải Ninh được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả khả quan khi được bày bán tại Co.opmart Quảng Bình trong thời gian tới.

Cái khó lớn nhất của sản phẩm chính là bao bì, mẫu mã vẫn còn đơn điệu, chưa hấp dẫn. Chị em không có vốn để đầu tư vào khâu này, đồng thời, thiếu sự tư vấn, hỗ trợ chuyên nghiệp để thay đổi mẫu mã, bao bì. Nếu muốn mở rộng hơn nữa thị trường, yếu tố trên cần được đặt lên hàng đầu bên cạnh việc bảo đảm chất lượng. Đây cũng là khâu yếu kém của nhiều mặt hàng đặc sản ở tỉnh ta.

Ông Lý Minh Đăng, Giám đốc Co.opmart Quảng Bình bày tỏ mong muốn sẽ từng bước xây dựng một gian hàng đặc sản Quảng Bình tại siêu thị. Trong thời gian tới, các mặt hàng đặc sản bản địa không chỉ được bày bán tại Co.opmart Quảng Bình, mà còn được mở rộng hơn tại 81 chi nhánh Co.opmart trên toàn quốc. Ông cũng đánh giá cao chất lượng của sản phẩm mật ong Tuyên Hóa đang được bán tại siêu thị Co.opmart Quảng Bình về chất lượng và mẫu mã, nhất là người tiêu dùng đang ngày càng ưa chuộng, tin dùng. Đồng thời, ông kỳ vọng vào 2 đặc sản tiếp theo là khoai deo Hải Ninh và mè xửng Hiếu Kiên cũng sẽ tìm được chỗ đứng của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực từ phía đơn vị sản xuất, các siêu thị cũng cần tạo nhiều điều kiện hơn, nhất là về giá cả và vị trí trưng bày sản phẩm. Song song với đó, các siêu thị cần mạnh dạn, linh hoạt tạo cơ hội cho các đặc sản mới, tiềm năng được bày bán.

Bởi, tỉnh ta vẫn còn nhiều đặc sản hấp dẫn khác, nhưng vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường chuyên nghiệp. Chính vì vậy, với sự giúp sức của các cơ quan chức năng, đơn vị phân phối và hệ thống siêu thị, cùng với sự đảm bảo chất lượng, nâng cao mẫu mã từ đơn vị sản xuất, trong tương lai, hy vọng rằng sẽ ngày càng có nhiều mặt hàng đặc sản Quảng Bình xuất hiện trong hệ thống siêu thị trên cả nước.

Một khách hàng xin được giấu tên chia sẻ, chị rất khó khăn khi tìm sản phẩm mật ong Tuyên Hóa tại siêu thị Co.opmart Quảng Bình. Khi hỏi một nhân viên của siêu thị và được chỉ dẫn đến gian hàng Đặc sản, chị đến tìm mỏi mắt mà không thấy.

Không bỏ cuộc, chị lại tiếp tục tìm tại các gian hàng khác xung quanh  và cuối cùng chị đã phát hiện ra mật ong Tuyên Hóa tại hai kệ dưới của gian hàng chuyên bán bánh kẹo, sữa. Đó là chị còn kiên nhẫn với sản phẩm đặc sản địa phương, còn nếu với khách hàng khác thì không biết thế nào.

Mai Nhân