.

Kiểm soát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản - Kỳ 2: Cần có những giải pháp đồng bộ, bền vững

Thứ Sáu, 03/06/2016, 08:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản hiện đang là thực trạng đáng lo ngại và cần phải kịp thời thay đổi. Nhằm đạt được mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm cho nông sản, cụ thể là các sản phẩm rau, củ các cơ quan chức năng và người dân cần có sự phối hợp đồng bộ trên cơ sở thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài…

>> Kiểm soát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản - Kỳ 1

Siết chặt quản lý thị trường thuốc BVTV

Theo số liệu báo cáo từ Sở Nông nghiệp và PTNT, tỉnh ta hiện có 217 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV. Để hạn chế rủi ro cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng khi sử dụng nông sản; hàng năm, việc thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp, trong đó có các sản phẩm thuốc BVTV luôn có sự phối hợp liên ngành giữa các đơn vị.

Đặc biệt, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu các đơn vị chọn một số mặt hàng vật tư nông nghiệp cụ thể thuộc nhóm “nóng” như thuốc BVTV, phân bón vi sinh để kiểm tra, xử lý dứt điểm. Tại tỉnh ta, UBND tỉnh cũng đã có công văn về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông, lâm, thủy sản; chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp (bao gồm các sản phẩm thuốc BVTV, phân bón...) trên địa bàn toàn tỉnh.

Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2016, các ngành chức năng đã tổ chức kiểm tra tại 31 cơ sở hoạt động kinh doanh thuốc BVTV. Kết quả cho thấy, cơ bản các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV đều thực hiện đúng quy định pháp luật, có đầy đủ giấy phép đăng ký kinh doanh, các sản phẩm thuốc BVTV nằm trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và PTNT; chưa thấy thuốc cấm sử dụng, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc hạn chế sử dụng, thuốc hết hạn sử dụng...

Tuy số đơn vị, doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thuốc BVTV, phân bón có giảm so với những năm trước đây, nhưng tình trạng một số hộ nông dân mua phân bón hoặc thuốc BVTV với số lượng lớn rồi tự làm đại lý phân phối lại cho bà con xung quanh vẫn còn. Hình thức kinh doanh “lập lờ” như thế này rất khó kiểm soát, gây không ít khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng.

 Xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP chính là giải pháp bền vững để người tiêu dùng được tiếp cận các sản phẩm rau, củ sạch.
Xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP chính là giải pháp bền vững để người tiêu dùng được tiếp cận các sản phẩm rau, củ sạch.

Bên cạnh việc thanh, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp (trong đó có các sản phẩm thuốc BVTV), các ngành chức năng còn tiến hành thống kê, kiểm tra, đánh giá và phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán thuốc BVTV theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT.

Qua đó, đã xác định được nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV xếp loại C chưa đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. Các cơ quan chức năng đã yêu cầu các cơ sở này khẩn trương khắc phục thiếu sót nhằm bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật; bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và sức khỏe cộng đồng, bảo đảm an toàn môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn

Cùng với việc kiểm soát chặt chẽ thị trường thuốc BVTV, việc xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn hiện đang được coi là giải pháp mang tính bền vững góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường.

Theo số liệu báo cáo từ Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện trên địa bàn tỉnh ta có 6 cơ sở sản xuất rau an toàn (chủ yếu là các tổ hợp tác); trong đó có 2 cơ sở đã được chứng nhận là vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nhằm đồng hành cùng người dân trong việc triển khai dự án trồng rau sạch, Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành kiểm tra, khảo sát thực địa; tiến hành lấy mẫu nước, mẫu đất và phân tích các chỉ tiêu về kim loại nặng; hỗ trợ tu bổ đường nội đồng, hệ thống điện và nước tưới, bể chứa rác thải vật tư nông nghiệp... cho các vùng sản xuất rau an toàn. Cùng với đó, các hộ tham gia mô hình cũng được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật từ cách trồng rau, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến phương pháp thu hái và sơ chế sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Trong số các vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh ta, vùng sản xuất rau an toàn tại phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn, của HTX Dịch vụ điện-Dịch vụ nông nghiệp Trường Sơn hiện là một trong hai cơ sở xây dựng thành công theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Sơn, chủ nhiệm HTX Dịch vụ điện-Dịch vụ nông nghiệp Trường Sơn cho biết: trước đây, do nhận thức chưa đầy đủ về tác hại của rau có tồn dư thuốc BVTV đối với sức khỏe con người và môi trường, nhiều hộ nông dân chưa thực sự mặn mà công nghệ trồng rau sạch. Tuy nhiên, từ khi xây dựng thành công vùng sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo hướng VietGAP (năm 2015), các hộ nông dân nơi đây đã áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt trong trồng trọt trên diện tích gần 3 ha.

Việc sản xuất rau an toàn theo VietGAP được quản lý chặt chẽ các quy trình sản xuất từ khâu đất trồng, nước tưới, phân bón, cách thức sử dụng thuốc BVTV an toàn đến khâu sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ. Đến nay, các hộ nông dân tham gia đã áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt trong trồng trọt trên 3 vụ với sản lượng rau trung bình đạt 950 tấn/năm. Các sản phẩm thu hoạch của vùng sản xuất rau an toàn này như dưa chuột, mướp đắng, hành lá, ngò, rau quế, rau cải ngọt, rau cải cay... đều đã được đánh giá, thẩm định và cấp giấy chứng nhận là sản phẩm phù hợp với quy trình thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tương tự, Công ty CP Thanh Hương (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) cũng đã ứng dụng toàn bộ quy trình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP trên các sản phẩm như cải xanh, xà lách, hành, sả... Điều đặc biệt là các sản phẩm của công ty đủ tiêu chuẩn và đã được Co.opmart lựa chọn đưa vào kinh doanh trong siêu thị với mức 5 tạ rau/tuần. Nhờ kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống và kiến thức khoa học kỹ thuật, nhiều hộ nông dân ở đây đã sử dụng loại thuốc BVTV có trong danh mục cho phép, kiểm soát được thời gian phun thuốc trước khi thu hoạch vừa hạn chế sâu bệnh phát sinh gây hại, vừa nâng cao năng suất, bảo đảm vệ sinh ATTP khi đến tay người tiêu dùng.

Hiện, Công ty CP Thanh Hương đang tiến hành mở rộng quy mô sản xuất từ 1.500m² lên gần 1,5ha để trồng rau đồng thời tiếp tục hoàn thành các thủ tục như kiểm tra an toàn thực phẩm một số sản phẩm khác như rau muống, rau khoai, bí đao... để cung cấp cho thị trường.

Việc xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất rau an toàn hiện đang được xem là hướng đi có nhiều ưu thế, mang lại những lợi ích thiết thực bởi đã giúp bà con nông dân nâng cao trình độ sản xuất và nhận thức về sự cần thiết của việc sản xuất nông sản sạch. Qua đó góp phần phục vụ tốt sức khỏe của người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.

Thanh Hải