.
Gương sáng cựu chiến binh:

Tỷ phú vùng đồi

Thứ Sáu, 03/06/2016, 17:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Chúng tôi thực sự ấn tượng khi đến thăm trang trại gia đình cựu chiến binh Trần Đình Tuyên ở thôn Hợp Phú, xã Quảng Hợp (Quảng Trạch).

Theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1972, Trần Đình Tuyên vừa tròn 20 tuổi, đang học Trường trung cấp Kiến trúc Hà Đông, tạm gác bút nghiên lên đường nhập ngũ. 5 năm trong quân đội, hơn 3 năm chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị và 2 lần bị thương, cuối năm 1976, anh Tuyên phục viên với chế độ bệnh binh 2/3. Năm 1977 anh kết duyên với bà Tưởng Thị Túy ở thôn Phúc Kiều, xã Quảng Tùng, nguyên chiến sỹ thông tin C595, Đoàn 559 cũng là bệnh binh 2/3. Họ đã qua 6 lần sinh nở nhưng hiện chỉ có 3 người con.

Từ quân ngũ trở về, xác định quê hương mình có đồi, rừng, sông, suối, có đất đai phì nhiêu... không lo đói nghèo, vợ chồng anh ra sức khai hoang và tích cực trồng cây. Những kiến thức học ở trường, trong quân đội và sách báo đã giúp cho việc trồng trọt, chăn nuôi của anh ít gặp rủi ro.

Thận trọng trong việc lựa chọn con giống, cây giống, anh mạnh dạn áp dụng việc thụ tinh nhân tạo giống bò lai sind cho trang trại của mình nên kết quả sản xuất, chăn nuôi của anh đạt hiệu quả cao. Sau một lớp tập huấn khuyến nông viên tại huyện, anh được phân công phụ trách 4 xã từ Quảng Đông đến Quảng Hợp.

CCB Trần Đình Tuyên đang giới thiệu về trang trại của mình.
CCB Trần Đình Tuyên trong trang trại của mình.

Để thay đổi tập quán canh tác kém hiệu quả của bà con rất khó khăn, nhưng anh vừa nhiệt tình vừa chịu khó thuyết phục, hướng dẫn bà con. Đến nay tại các xã trên có 100% số hộ chuyển đổi cây trồng, 80% chuyển đổi vật nuôi phù hợp, đưa quảng canh sang thâm canh cho thu nhập cao. Để hỗ trợ bà con, anh vừa miễn phí thụ tinh nhân tạo lần đầu, vừa hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn chữa trị dịch bệnh để bà con sản xuất, chăn nuôi bò có kết quả...

Với nỗ lực của mình, qua thời gian, hiện anh Tuyên có 2,5 ha thông nhựa đang cho thu hoạch, trên 50 con bò lai sind. Anh còn nuôi 500 con gà thương phẩm. Để tăng nguồn dinh dưỡng cho gà, anh làm nhiều tổ mối và nuôi giun quế cho gà ăn thêm, do vậy khách hàng rất hài lòng vì chất lượng gà ngon. Ngoài ra, trang trại còn có hàng trăm cây ăn quả như nhãn, ổi, mít, xoài, đặc biệt trên 1.500 cây trầm dó, nhiều cây đang gây trầm sắp cho thu hoạch. Mỗi năm vợ chồng anh thu lãi ròng hơn 200 triệu đồng, có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy 3 người con học hành tử tế và đã có công việc ổn định.

Dù bận rộn với công việc trang trại, song anh chị không thể quên được những ngày sống trong quân ngũ. Khi có chủ trương thành lập Hội Cựu chiến binh (CCB) cơ sở, anh tích cực vận động các cựu binh trong thôn thành lập Chi hội CCB Hợp Phú. Anh được bầu làm Phó chủ tịch Hội CCB xã, được báo cáo điển hình về thành tích làm kinh tế và xây dựng Hội.

Nhiều năm qua, anh, chị đều là hội viên CCB tiêu biểu. Với vốn hiểu biết về đông y qua những năm tháng trong quân đội, khi về quê hương ông tiếp tục mua thêm sách báo, tài liệu để nghiên cứu và ứng dụng trong cuộc sống. Khi trong thôn xóm bà con có xảy ra “trái gió trở trời”, anh sẵn sàng giúp đỡ họ qua cơn nguy kịch rồi động viên gia đình kịp thời đưa đi chữa trị. Hiện anh có hàng trăm đầu sách quý về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và sách về y học cổ truyền.

Chúng tôi tâm đắc với lối làm ăn “chậm mà chắc” của chủ nhân. Dưới tán rừng anh trồng cỏ để nuôi bò. Vào mùa thu hoạch anh tận dụng cây ngô, cây lạc băm nhỏ cho lên men dự trữ thức ăn quanh năm cho bò; sử dụng phân bò nuôi giun quế để nuôi gà, nuôi lươn, chế biến bột giun để làm cám vỗ béo bò... Hiện anh đang lần lượt gây trầm cho số trầm dó đã trưởng thành, tiếp tục trồng bổ sung rừng thông... Điều đáng quý, ý chí vươn lên làm giàu chính đáng, cách làm ăn hiệu quả và tinh thần cộng đồng của anh chị đã giúp nhiều gia đình tại địa phương học tập, làm theo và lần lượt thoát nghèo, kinh tế ngày càng đi lên.

Nguyễn Tiến Nên