.

Bảo Ninh vượt qua gian khó

Thứ Ba, 24/05/2016, 13:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Nguyễn Kiên Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh nói với chúng tôi: “Chưa bao giờ Bảo Ninh khó khăn như lúc này, ảnh hưởng hiện tượng cá biển chết hàng loạt làm ngư dân như ngồi trên đống lửa. Tàu không ra khỏi bờ, cá bán chẳng ai mua, các cơ sở chế biến thủy hải sản thiếu nguyên liệu đầu vào... Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể, Bảo Ninh nhanh chóng vượt qua gian khó”.
 

Theo thống kê sơ bộ, xã Bảo Ninh có 117 tàu công suất trên 20CV đến 90CV; 145 tàu công suất từ 20CV trở xuống và 14 tàu thuyền không lắp máy đánh bắt gần bờ bị ảnh hưởng do hiện tượng cá biển chết hàng loạt. Ngoài ra, toàn xã còn có thêm 26 cơ sở dịch vụ chế biến, 30 nhà hàng và 26 ha nuôi trồng thủy, hải sản chịu tác động nặng nề. Tổng giá trị thiệt hại ước tính 46.128 triệu đồng, là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất trên địa bàn thành phố Đồng Hới.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND thành phố Đồng Hới, ngay sau sự việc xảy ra, xã Bảo Ninh nhanh chóng triển khai ngay công tác thống kê các hộ gia đình ngư dân, chủ tàu thuyền, nhà hàng, khách sạn, cơ sở chế biến thủy hải sản... bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Kiên Cường cho biết: “Trên cơ sở thống kê thiệt hại, UBND xã phân bổ gạo về cho các thôn cấp phát tận tay ngư dân.

Riêng chính sách hỗ trợ ban đầu 1 triệu đồng/tàu thuyền nằm bờ, chủ trương phải để nhân dân tự bình xét, đề xuất theo tinh thần dân chủ, công bằng, đúng đối tượng. Sau khi danh sách các thôn tập hợp gửi lên, UBND xã sẽ niêm yết công khai để mọi người cùng biết. Nếu không có ý kiến gì, xã sẽ cấp phát trực tiếp tận chủ tàu thuyền”.

Dù gặp khó khăn nhưng cơ sở chế biến nước mắm Thương Định vẫn hoạt động bình thường.
Dù gặp khó khăn nhưng cơ sở chế biến nước mắm Thương Định vẫn hoạt động bình thường.

Không để kinh tế biển gắn liền với đời sống của gần 50% dân số trong xã bị đình trệ, song song với việc hỗ trợ cho ngư dân, tuyên truyền, vận động nhân dân ổn định cuộc sống, UBND xã Bảo Ninh tiến hành xác nhận cho các tàu đánh bắt xa bờ để các ngành chức năng cấp giấy phép đánh bắt ở vùng biển an toàn, tạo thuận lợi khi tiêu thụ sản phẩm đánh bắt. Ngoài số lượng gần 200 tàu công suất nhỏ nằm bờ theo quy định, tất cả các tàu còn lại của ngư dân sau khi được cấp phép đánh bắt tại vùng biển an toàn đã nhanh chóng, tự tin ra khơi.

Theo lời giới thiệu của Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Kiên Cường, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất nước mắm Thương Định. Bà Hoàng Thị Thương, chủ cơ sở bảo rằng: “Nếu không có sự cố cá biển chết hàng loạt như vừa qua, thì vào thời điểm này như mọi năm, cơ sở tiến hành nhập nguyên liệu đầu vào. Như vụ cá nam ni, nhu cầu cần khoảng 60 tấn nguyên liệu chủ yếu là cá cơm và cá nục suôn để ủ mắm, chuẩn bị chiết xuất nước mắm phục vụ cho thị trường vào dịp Tết Nguyên đán. Bây giờ cơ sở tạm dừng nhập nguyên liệu, và như vậy chỉ có thể sản xuất đến tháng 10 là tạm dừng”.

Giữa cái nắng tháng năm như đổ lửa, hai mẹ con bà Thương vẫn chăm chút vào những thùng mắm chờ đến ngày thành phẩm. Thương hiệu nước mắm Thương Định, Bảo Ninh từ lâu có tiếng ở thành phố Đồng Hới. “Gia đình không bao giờ nhập nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Càng không thể lợi dụng tình hình cá biển chết để làm dối, làm ẩu, tăng giá bán” - bà Thương tâm sự - “Chúng tôi vẫn giữ nguyên giá 75 nghìn đồng/lít nước mắm và 100 nghìn đồng/kg ruốc”.

“Khó khăn đối với cơ sở chế biến nước mắm Thương Định trước mắt rất nhiều. Nhưng chúng tôi tự tin vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất. Rất may, cơ sở trữ được 40 tấn nguyên liệu thu mua từ tháng hai, nên giờ mới duy trì sản xuất, cung ứng cho thị trường”- bà Hoàng Thị Thương cho biết thêm.

Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân tự tin vươn khơi, các cơ sở chế biến thủy hải sản khắc phục khó khăn về nguồn nguyên liệu vẫn sản xuất bình thường, đó là những gì chúng tôi ghi nhận ở xã Bảo Ninh. Sau những khó khăn vì hiện tượng cá biển chết hàng loạt, Bảo Ninh vẫn vững vàng, tiếp tục kiên định trên con đường đổi mới.

P.V