.

Vụ đông-xuân 2015-2016: Nguy cơ thiếu nước và chuột hại lúa

Thứ Tư, 11/11/2015, 07:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, hiện tượng El Nino sẽ kéo dài đến hết vụ đông-xuân 2015-2016, nắng nóng sẽ xuất hiện sớm, khô hạn kéo dài, dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp; thị trường nông sản tiếp tục gặp khó khăn.

Vụ đông-xuân 2015-2016 tỉnh ta vẫn giữ ổn định diện tích lúa, ngô, lạc tương đương vụ đông-xuân năm ngoái. Vấn đề lo ngại là ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên hạn hán đến sớm, một số vùng sẽ thiếu nước và nhất là không có lũ lụt lớn xảy ra nên nguy cơ chuột xuất hiện trên diện rộng. Kế hoạch sản xuất vụ đông - xuân 2015 - 2016 mà Sở Nông nghiệp và PTNT đề ra là thực hiện 29.500ha lúa, 4.200ha ngô, 4.800ha lạc...

Để đối phó với hiện tượng El Nino gây hạn hán nặng nhiều khả năng diễn ra trong năm 2016, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương chuyển đổi 2.720 ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, trong đó cây trồng cạn 777ha (ngô 165ha, đậu đỗ 227ha, dưa hấu 80ha, khoai lang 17ha, rau các loại 44,7ha, hoa 4ha, lạc 11,6ha, mè 10ha, cây khác 7,6ha); lúa cá 1.944ha.

Trong số diện tích 29.500ha lúa đông - xuân sẽ thực hiện 1.955ha theo mô hình cánh đồng lớn chất lượng cao và 2.000ha sản xuất theo phương pháp SRI. Đi đầu thực hiện cánh đồng lớn là huyện Lệ Thuỷ. Vụ đông - xuân này Lệ Thủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 1.100ha và nhân rộng khoảng 350 mô hình lúa SRI.

Tại thời điểm này, các địa phương trong huyện đã triển khai chuẩn bị đủ giống, thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc diệt chuột theo công nghệ sinh học cho vụ đông-xuân.

Tinh thần chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT trong vụ đông - xuân này là tập trung tái cơ cấu trồng trọt theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, gắn với thị trường tiêu thụ, tổ chức sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng. Chuyển đổi mạnh cơ cấu giống lúa chất lượng cao (chiếm 58%), giảm giống dài ngày vụ đông - xuân, tăng giống trung, ngắn ngày lên 60% để gieo cấy muộn hơn nhằm tránh ngập úng và rét đầu vụ; tiếp tục triển khai các mô hình khảo nghiệm, trình diễn về giống mới để bổ sung vào cơ cấu phù hợp với biến đổi khí hậu.

Cơ cấu bộ giống trên cây lúa theo hướng tăng diện tích sử dụng giống chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng trung và ngắn ngày. Giảm dần diện tích sử dụng các giống Xi23, X21. Không bố trí các giống bị thoái hóa có nguy cơ nhiễm đạo ôn, rầy nâu cao như VN10, IR36...

Trà lúa chính vụ, sử dụng các giống lúa chất lượng như: P6, IR 353-66, XT28, QX2 (94-11), QR1, các giống lúa thâm canh: Xi23, X21, NX30, TBR1 và giống tiến bộ kỹ thuật: Nếp SVN1, GL105, TBR225.

Trên trà muộn, sử dụng các giống lúa thuần có chất lượng: PC6, HT1, P6 đột biến, nếp IJ352, giống lúa thuần năng suất cao: KD18, DV108, lúa lai như: Nhị ưu 838, Nhị ưu 986, B-TE1 và các giống tiến bộ kỹ thuật như SV46, SV181. Trên một xứ đồng, sở khuyến cáo nên bố trí đồng nhất một loại giống để thuận tiện cho tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch.

 Nước ở hồ Rào Đá chỉ đạt 55% dung tích.
Nước ở hồ Rào Đá chỉ đạt 55% dung tích.

Đối với cây ngô, khuyến khích chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả và những vùng đất lạc bị nhiễm bệnh chết ẻo nặng sang trồng ngô. Mở rộng diện tích các giống ngô lai có năng suất cao như DK9901, CP989, C919, DK9901 để tăng năng suất. Sử dụng các giống ngô nếp MX4, WAX44, ngô nếp lai Tố nữ, HN88 để sản xuất ngô ăn tươi.

Đối với cây lạc, những vùng có điều kiện thâm canh cao nên tập trung gieo các loại giống L14, L23, SVL1. Trên các diện tích đất bị bệnh chết ẻo nặng nhất thiết phải chuyển sang trồng cây khác như kê, ngô, khoai lang...

Đối với đậu xanh, khuyến khích chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, thoát nước tốt sang trồng các giống đậu xanh DDX208, DDX044... Cây sắn, sử dụng giống KM94 phục vụ cho nguyên liệu nhà máy sắn. Trên các cây trồng khác như dưa hấu, khoai lang, ớt..., các địa phương tùy theo tình hình thực tế trên địa bàn để có hướng dẫn cho nông dân phù hợp hơn.

Sở đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn cung ứng giống bảo đảm chất lượng, chủng loại, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Cơ cấu giống tập trung theo hướng chuyển mạnh sang giống chất lượng, giá trị.

Qua báo cáo của các địa phương, lượng giống do doanh nghiệp cung ứng trong vụ đông-xuân được 2.400 tấn giống lúa các loại (giống chất lượng  850 tấn), ngô 45 tấn, lạc 200 tấn và dự phòng 150 tấn giống lúa cực ngắn sẵn sàng bổ sung cho diện tích phải gieo lại do mưa, rét, ngập úng đầu vụ.

Năm 2016, dự báo nắng nóng sẽ xuất hiện sớm, khô hạn kéo dài, theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 30-10-2015 là, tăng cường tích trữ nước, phòng chống hạn, bảo đảm nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vụ đông - xuân 2015 - 2016 và năm 2016. Ông Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, tại thời điểm đầu tháng 11-2015 lượng nước trong các hồ chứa đạt mức 50-60% dung tích, hy vọng đợt mưa lũ và dịp 23 tháng 10 âm lịch sẽ có thêm một lượng nước bổ sung. Nếu không thì có 4.300 ha lúa đông - xuân nguy cơ không có đủ nước tưới. Số diện tích này tập trung chủ yếu ở các địa phương phía bắc (Quảng Trạch, Tuyên Hóa và thị xã Ba Đồn).

Sở đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã, Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi căn cứ vào tình hình nguồn nước tập trung rà soát, cân đối diện tích gieo trồng để xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông-xuân hợp lý, ăn chắc; kiên quyết chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, trong đó chuyển đổi diện tích lúa nguy cơ thiếu nước bằng các loại cây trồng chịu hạn cao.

Sở đã chỉ đạo ngay từ đầu vụ đông - xuân các địa phương phải tính toán dành nước cho vùng có khả năng thiếu nước nghiêm trọng vụ hè - thu (các xã vùng Nam Ba Đồn; các xã sử dụng nước tưới hồ Tiên Lang như Ba Đồn, Quảng Trạch; Bàu Sen- Lệ Thuỷ; Rào Nan; Rào Bạc...).

Sở khuyến cáo các địa phương cần chỉ đạo thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo, phát hiện và hướng dẫn biện pháp phòng trừ kịp thời, kiên quyết không để sâu bệnh phát sinh thành dịch, ảnh hưởng đến sản xuất. Đối với chuột hại lúa, sở khuyến cáo các địa phương tập trung diệt chuột ngay trong mùa mưa lũ, trước khi gieo cấy lúa và cây trồng.

Theo kinh nghiệm của nông dân diệt chuột vào thời điểm này rất hiệu quả. Các cánh đồng đang ngập nước, chuột co cụm cư trú ở các gò cao, bụi rậm nên dễ tiêu diệt. Phương pháp tốt nhất là diệt chuột bằng thủ công kết hợp sử dụng chó săn bắt, kết hợp phòng trừ chuột di cư bằng phương pháp canh tác (thời vụ sớm, giống ngắn ngày, hàng rào nilon).

Tr.T