.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Những vấn đề đặt ra

Thứ Sáu, 06/11/2015, 16:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17-7-2012 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tỉnh ta đã bước đầu thu được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên để DNNN sau khi tái cơ cấu hoạt động thực sự có hiệu quả cần nhiều yếu tố, trong đó vấn đề vốn được đặt lên hàng đầu.

Năm 2012, bắt đầu triển khai thực hiện Quyết định 929/QĐ-TTg  ngày 17-7-2012 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu DNNN, trên địa bàn tỉnh có 11 DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn, trong đó có 9 DN nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 2 công ty cổ phần nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Thực hiện đề án tái cơ cấu DN do UBND tỉnh phê duyệt, các DN đã tiến hành sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý, điều hành theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa, xây dựng và hoàn thiện điều lệ tổ chức và hoạt động, quy chế công tác cán bộ và hệ thống quy chế quản lý nội bộ trong doanh nghiệp.

 Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại chuyển đổi đất trồng cao su.
Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại chuyển đổi đất trồng cao su.

Một số công ty đã tiến hành thanh lý, nhượng bán tài sản đầu tư không phát huy được hiệu quả để thu hồi vốn cho Nhà nước như: Công ty TNHH MTV Lệ Ninh bán dây chuyền sản xuất lương thực, chuồng trại chăn nuôi lợn thịt; Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại và Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình chuyển đổi thanh lý rừng thông sang trồng cây cao su.

Trong số 11 DNNN có 3 DN đã tiến hành cổ phần hóa là: Công ty TNHH MTV Đường sông Quảng Bình, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước đã tiến hành đại hội cổ đông lần đầu và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ đầu năm 2015. Riêng Công ty TNHH MTV Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án cổ phần và đã bán cổ phần ra bên ngoài, hiện đang hoàn tất thủ tục để đại hội cổ đông trong quý IV năm 2015.

Qua báo cáo đánh giá tài chính, tài sản của 3 DN trước thời điểm cổ phần hóa cho thấy giá trị tài chính, tài sản của các DN này không lớn. Cụ thể: Công ty TNHH MTV Đường sông có giá trị vốn điều lệ 6,64 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa được duyệt, nhà nước nắm giữ 75% tổng giá trị cổ phần, số lượng bán ra (cả cổ phần ưu đãi và phổ thông) chiếm 25%. Công ty THHH MTV Cấp nước Quảng Bình, có tổng giá trị 133,6 tỷ đồng; cổ phần nhà nước nắm giữ 86,7 tỷ đồng (chiếm 64,9%), cổ phần người lao động trong doanh nghiệp nắm giữ 5,6 tỷ đồng (4,2%), cổ phần bán đấu giá bên ngoài 41,1 tỷ đồng (30,9%).

Sở Tài chính cho biết, trong 2 năm qua, trước khi cổ phần hóa, ngân sách tỉnh hỗ trợ cho Công ty TNHH MTV Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình để đầu tư vào công trình công cộng là 9.590 triệu đồng và bổ sung thêm vốn điều lệ 2 tỷ đồng, đưa tổng giá trị của công ty lên gần 30 tỷ đồng.

Trong quá trình sản xuất kinh doanh của 3 DN này, chủ yếu làm dịch vụ mang tính chất phục vụ, lợi nhuận không nhiều. Vì vậy, khi bán cổ phiếu ra bên ngoài rất ít được nhà đầu tư chào đón. Bởi vậy nên, trong 3 DN cổ phần hóa giai đoạn này chỉ có Công ty TNHH MTV Đường sông Quảng Bình thực hiện bán cổ phần ra bên ngoài đạt tỷ lệ 25% theo phương án đề ra (nhà nước nắm giữ 75%).

Còn 2 DN: Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước sau khi chuyển sang mô hình cổ phần nhà nước còn nắm giữ 94,8% vốn điều lệ (so với phương án nhà nước nắm giữ 64,9%); Công ty TNHH MTV Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình nhà nước nắm giữ 87,4% vốn điều lệ (so với phương án nhà nước nắm giữ 64,9%). Tổng số tiền thu được từ bán cổ phần lần đầu khi cổ phần hóa 3 DNNN là 11,2 tỷ đồng, không đạt yêu cầu đề ra.

Theo lộ trình trong quý IV năm 2015, UBND tỉnh sẽ thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước ở tất cả các DNNN UBND tỉnh quản lý về Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước theo quy định.

Vấn đề quyền lợi của người lao động khi tiến hành cổ phần hóa đang được công nhân lao động ở 3 DN hết sức quan tâm. Qua báo cáo của lãnh đạo các DN cổ phần hóa cho thấy, đa số công nhân lao động đều thông suốt và ủng hộ chủ trương cổ phần hóa.

Ông Nguyễn Thái Thạch, Giám đốc Công ty CP Đường sông Quảng Bình cho biết, tại thời điểm cổ phần hóa, đơn vị có  66 lao động, quản lý 230km đường sông trên địa bàn. Với khối lượng công việc này thu nhập hàng tháng của công nhân, lao động khá ổn định với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng. Khi tiến hành cổ phần hóa đồng thời sắp xếp, bố trí lại lao động, đã có 16 người nằm trong diện phải nghỉ việc, số lao động còn lại 50 người.

Đối với Công ty THHH MTV Cấp thoát nước Quảng Bình, khi tiến hành cổ phần hóa có 198 công nhân lao động, tất cả đều đăng ký ở lại (không có trường hợp nào nghỉ hưu hoặc trong diện dôi dư). Mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng tất cả công nhân lao động trong công ty đều đăng ký mua hết số lượng cổ phiếu trị giá 5,66 tỷ đồng dành cho người lao động nắm giữ.

Ông Lê Quang Lanh, Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Bình cho biết, hoạt động sản xuất của đơn vị có chiều hướng tăng trưởng khá ổn định, thu nhập của người lao động tương đối cao so với bình quân chung của các DNNN trên địa bàn.

Đối với Công ty TNHH MTV Môi trường và Phát triển đô thị, đến thời điểm này có 219 cán bộ, công nhân lao động. Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc công ty thì thu nhập bình quân ở công ty từ trước đến nay luôn xếp vào hàng thấp nhất trong các DNNN trên địa bàn, tuy nhiên 100% công nhân, lao động của công ty đều đăng ký ở lại làm việc sau khi cổ phần hóa.

Ảnh 2 : Công ty TNHH MTV Việt Trung tái cơ cấu xí nghiệp gỗ Phú Quý.
Công ty TNHH MTV Việt Trung tái cơ cấu xí nghiệp gỗ Phú Quý.

Đối với các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện tái cơ cấu cơ cấu theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị trên địa bàn gồm có 4 doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Lệ Ninh, Công ty TNHH MTV Việt Trung, Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại và Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình.

Phương án tái cơ cấu của 4 DN này như sau: Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại có diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng khá lớn, nên được duy trì 100% vốn nhà nước để thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường, an ninh biên giới; Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình duy trì 100% vốn nhà nước làm nhiệm vụ sản xuất cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; Công ty TNHH MTV Lệ Ninh và Công ty TNHH MTV Việt Trung tiến hành cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ.

Đi sâu tìm hiểu được biết, Công ty TNHH MTV Việt Trung đang thực hiện tái cơ cấu DNNN theo hướng tập trung khắc phục lại vườn cây cao su, đồng thời tổ chức lại sản xuất kinh doanh của 2 ngành phụ là chế biến gỗ và kinh doanh khách sạn với mục tiêu tăng doanh thu và lợi nhuận. Năm 2014, doanh thu từ 2 lĩnh vực này của công ty đạt 38 tỷ đồng, chiếm 58,64% doanh thu. Hướng phát triển của công ty trong năm 2016 và các năm tiếp theo là tiếp tục phát triển vườn cây theo quy hoạch đã được phê duyệt, duy trì các ngành nghề hiện có, tiến hành giải thể Chi nhánh cửa hàng Phú Quý do kinh doanh không hiệu quả, và đề ra lộ trình năm 2016 sẽ thực hiện cổ phần hóa toàn Công ty.

Ông Võ Hồng Quân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hướng sắp xếp đổi mới và phát triển DNNN giai đoạn 2016-2020 như sau: tỉnh giữ lại 2 DN có 100% vốn nhà nước là Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết. Các đơn vị sự nghiệp công lập như: Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng sẽ cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ còn lại 2 đơn vị là Trung tâm Dịch vụ Quản lý bến xe và Trung tâm Đăng kiểm sẽ cổ phần nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối.

Vấn đề nổi lên sau khi sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu DNNN trên địa bàn là vấn đề thiếu vốn để sản xuất kinh doanh theo đề án được phê duyệt. Để tháo gỡ vấn đề nguồn vốn, các DN đề nghị UBND tỉnh có giải pháp cùng với các ngân hàng thương mại có chính sách phù hợp làm sao cho DN được tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn. Có thực hiện được điều này thì tái cơ cấu DNNN mới thực sự phát huy hiệu quả.

Trọng Thái