.

Tái sinh… Đồng Bồ

Thứ Tư, 25/11/2015, 08:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Bị bỏ hoang một thời gian khá lâu, nhưng nay cánh đồng Bồ thuộc xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh đã được hồi sinh. Bà con nông dân đã trở lại sản xuất với niềm hứng khởi mới cùng biết bao hi vọng trên chính đồng đất mà cha ông họ đã truyền lại từ nhiều đời nay.

Tình trạng người nông dân bỏ ruộng đồng, không mặn mà với cây lúa, đang là vấn đề "nóng" trong những năm gần đây ở tỉnh ta. Cái điều tưởng chừng là vô lý và nghịch lý này đã gây không ít khó khăn cho chính quyền các cấp và nhiều địa phương. Hàng trăm ha đất trồng lúa bị người dân hoặc bỏ vụ sản xuất chính hoặc bỏ hoang, mà một trong những nguyên nhân là do ruộng đất manh mún, nhỏ hẹp, quá trình sản xuất thu không đủ bù chi...

Từ thực tế cơ sở, ông Nguyễn Minh, Chủ tịch UBND xã Võ Ninh quả quyết, riêng với địa phương, bắt buộc người nông dân quay trở lại làm lúa trên những diện tích bị bỏ hoang gần như khó thực hiện được? vì những ngoài những tồn tại, hạn chế nói chung, Võ Ninh còn có một khó khăn nữa dẫn đến nhiều diện tích ruộng bị "khai tử" là do ruộng đất lầy thụt. Lầy thụt đến nỗi, mỗi lần canh tác người nông dân ở đây phải đi cà kheo để làm ruộng, bởi bùn lầy ngập sâu đến bụng. Nhưng đó là khó khăn cố hữu ngàn đời nay của đồng đất ở đây.

Chuyện nông dân bỏ ruộng đã làm đau đầu nhiều thế hệ lãnh đạo địa phương này. Võ Ninh là địa phương đất chật người đông. Cả xã có đến gần 10.000 nhân khẩu, nhưng chỉ có hơn 300ha ruộng. Vậy mà, tính từ năm 2006 đến nay, đã có đến hơn 45ha ruộng bị bỏ hoang và bỏ hoang nhiều năm liền.

Ngoài ra, theo ông Chủ tịch UBND xã, còn có một thực tế đáng chú ý khiến người dân không mặn mà với ruộng đồng nữa là một số hộ dân bỏ ruộng vì không còn sức lao động hoặc không có đủ nhân lực để làm nông. Tuy vậy, ngược lại, vẫn có nhiều hộ vẫn thiết tha, muốn gắn bó với ruộng đồng, bởi họ có nhân lực và vật lực.

Không khí sản xuất rộn rã trên cánh đồng Bồ.
Nông dân đã sản xuất trở lại trên cánh đồng Bồ.

Nhận diện được tình hình, không phải bằng lời nói và suy nghĩ, chính quyền xã Võ Ninh đã vào cuộc một cách rốt ráo bằng cả quyết tâm chính trị và bằng cả hành động cụ thể. Năm 2013, Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế mà "xương sống" là cải tạo, chuyển đổi đất xấu, hiệu quả kinh tế thấp và bị bỏ hoang, tiến hành đồng thời với công tác dồn điền đổi thửa. Thực ra trước đó, chủ trương này đã được xã Võ Ninh manh nha và bắt tay tiến hành vận động, tuyên truyền trong nhân dân nhưng phải đến năm 2013, mới mạnh dạn thực hiện.

Theo đó, xã chuyển đổi mục đích sử dụng 20ha đất ruộng xa, xấu, bị bỏ hoang sang trồng cây rau màu và nuôi trồng thủy sản. "Để "kéo" và "kích thích" người nông dân, chính quyền xã đã mạnh tay hỗ trợ 20 triệu đồng/ha cho các hộ dân đến sản xuất trên các diện tích được chuyển đổi. Vấn đề bây giờ là, sau khi có chính sách, chủ trương đúng đắn, làm thế nào để người nông dân lấy lại "cảm hứng" sản xuất ngay trên chính mảnh đất mà cha ông họ đã nhiều đời nay gắn bó.

Trăm nghe không bằng một thấy, chúng tôi đến đồng Bồ của thôn Thượng, nơi từng được xem là cánh đồng "chết", nói như ông Minh giờ đây, đã trở thành một "công trường" sản xuất. Đã xế chiều, nhưng những chiếc xe chở cát be bờ, máy xúc đào ao cải tạo ruộng đồng vẫn nhộn nhịp.

Ông Lê Tiến Hiền, Trưởng thôn Thượng cho biết, thôn có 10ha nằm trong chương trình chuyển đổi. Trong đó, đồng Bồ có 6ha là đất trồng lúa của gần 100 hộ dân thôn Thượng. Nhưng do lầy thụt và năng suất thấp (bình quân chưa đến 1tạ/ha), nên phần lớn diện tích bị người dân bỏ hoang từ năm 2006 đến nay. "Gần 10 năm nay, đồng Bồ mới lấy lại được không khí lao động, sản xuất rộn ràng như thế này", ông Hiền phấn khởi.

Chúng tôi bắt chuyện với anh Lê Hồng Diễn đang thuê máy xúc đào ao nuôi cá thì được biết, trước đây, gia đình anh cũng có ruộng ở đây. Nhưng làm lúa không hiệu quả. Thế là bỏ, không làm cho đến nay. Thực hiện chủ trương của xã anh đăng ký dồn điền đổi thửa tất cả 7 sào ruộng của gia đình gom về đây, chuyển sang đào ao nuôi cá, trồng cây.

Trong 6 gia đình đăng ký chuyển đổi ở đồng Bồ, anh Lê Ngọc Hòa là hộ dân thực hiện chuyển đổi đầu tiên. Anh kể, mang tiếng là làm ruộng nhưng thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào công việc cai thầu xây dựng của anh. Nếu cả nhà chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng thì làm sao đủ ăn. Sau khi chuyển đổi và được giao gần 1ha đất ruộng ở đây, anh đầu tư gần 300 triệu đồng để cải tạo, lấp cát, đào 3 ao nuôi cá chép, cá mè, cá gáy, rô-phi.

Đầu năm 2014, anh thả hơn 19 triệu tiền con giống, sau 9 tháng, gia đình anh đã thu vụ cá đầu tiên. "Tui chỉ mới bán được 1 hồ, thu về khoảng 30 triệu đồng. Tính sơ sơ lợi nhuận mang lại được gần 20 triệu đồng, hơn đứt làm lúa trước đây". Mùa "quả ngọt" đầu tiên khiến anh say sưa bắt ta triển khai các kế hoạch tiếp theo. Anh bảo, sắp tới, sẽ xây dựng một dãy chuồng trại khoảng 30 chuồng đề nuôi lợn. Lợn giống đã chuẩn bị đủ ở nhà, giờ chỉ còn xây dựng chuồng nữa là chuyển ra đây. Còn xung quanh hồ, sẽ trồng cỏ nuôi thêm bò.

"Từ khi ra đây, công ăn việc làm chủ động và ổn định hơn. Tôi vẫn xác định vài năm đầu sẽ không có lợi nhuận, nhưng về lâu dài sẽ có thu. Chưa nói là giàu nhưng chắc chắn là no đủ. Làm nông dân được như thế thì còn gì sướng bằng", anh Hòa hồ hởi.

Tháng 7 vừa qua, Tổ hợp tác trang trại tổng hợp thôn Thượng ra đời gồm 15 trang trại, gia trại, góp phần giúp cho các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất. Ông Minh dự tính: "Cả xã còn hơn 40ha đất ruộng lầy thụt, gieo trồng lúa không hiệu quả nữa, từ mô hình này, sắp tới chúng tôi sẽ tính toán chuyển đổi tiếp ở các thôn Thượng, thôn Tiền, Trúc Ly, thôn Trung, Hà Thiệp, Hữu Hậu". Như vậy, một "mũi tên" nhưng đạt được nhiều mục đích, giải quyết được nhiều vấn đề nan giải đang thời sự hiện nay.

Đó là vừa cơ bản thu hẹp sự manh mún, nhỏ lẻ của ruộng đất; vừa tái sinh cho những cánh đồng "chết", đang bị bỏ hoang; vừa từng bước tổ chức, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp một cách hợp lý theo chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp.

Tuy nhiên, để các hộ dân yên tâm sản xuất ổn định lâu dài, thiết nghĩ chính quyền các cấp cần tính đến các bước đi cụ thể như: cần chủ động kết nối, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho bà con... Đây sẽ là những tiền đề cần thiết góp phần phát huy tốt các lợi thế ở địa phương, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ, từ đó nâng cao đời sống cho người dân.

Dương Công Hợp