.
Chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020:

Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh

Thứ Ba, 20/10/2015, 08:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình đã được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh nổi tiếng, đặc biệt Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng với hệ thống hang động kỳ vĩ, được mệnh danh là “vương quốc của hang động”, trong đó có Sơn Đoòng là hang động lớn nhất và đẹp nhất thế giới. Mảnh đất hẹp nhất của cả nước đã vinh dự sở hữu nhiều thắng cảnh tuyệt vời, hội tụ tất cả những yếu tố “thiên thời- địa lợi-nhân hòa” tạo tiền đề phát triển nhiều loại hình du lịch có sự khác biệt, hấp dẫn và mang tính cạnh tranh cao.

Cùng với chính sách phát triển du lịch đúng hướng của Đảng, Nhà nước ở tầm vĩ mô toàn quốc, tại Quảng Bình, Tỉnh ủy, HĐND, UBND luôn quan tâm đến phát triển du lịch. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định: “Đưa du lịch Quảng Bình từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Từ định hướng này, tỉnh đã quan tâm xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Tỉnh cũng đã ban hành các chương trình, chỉ thị về phát triển du lịch, có các chính sách kêu gọi, ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư vào du lịch, thực hiện xã hội hóa đầu tư, phát triển du lịch theo hướng đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch.

Thành tựu về phát triển du lịch thời gian qua đã cho thấy tính hiệu quả khi đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Theo thời gian, ngành Du lịch Quảng Bình đã có bước khởi sắc. Khách du lịch đến với Quảng Bình ngày càng tăng: Nếu như năm 2012, lần đầu tiên du khách đến với Quảng Bình vượt ngưỡng 1 triệu, thì con số đó tiếp tục tăng tiến, năm 2013 là 1,4 triệu lượt khách, năm 2014 là gấp đôi năm 2013. Riêng năm 2015, mới chỉ 9 tháng đầu năm con số đã là trên 2,6 triệu lượt khách, với tiến độ này, ước thực hiện cả năm 2015 du lịch Quảng Bình sẽ vượt qua con số trên 3 triệu lượt khách, trở thành năm có số khách du lịch cao nhất kể  từ trước đến nay.

Điều đáng mừng là khách lưu trú tại Quảng Bình ngày càng tăng. Doanh thu chuyên ngành du lịch tăng 28% so cùng kỳ, nộp ngân sách tăng 55% so cùng kỳ. Cùng với sự đi lên của du lịch là góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, xuất khẩu tại chỗ hàng trăm tấn nông thủy sản và tạo điều kiện cho các loại hình dịch vụ phát triển.

Từ khởi sắc của du lịch đã thúc đẩy công cuộc đổi mới của tỉnh nhà, tạo nên diện mạo đô thị mới của tỉnh lỵ: Đồng Hới, những thay đổi kỳ diệu trên quê hương Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng; sự đổi mới ở xã Quảng Đông, kể từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên nghỉ tại nơi này. Đã bước đầu hình thành các tuyến du lịch mang thương hiệu: Phong Nha- Kẻ Bàng- Vũng Chùa- Đảo Yến- Nhật Lệ- Bảo Ninh. Mừng hơn cả là sự chuyển biến trong nhận thức về du lịch của toàn xã hội.

Năm 2015 đã chứng kiến nhiều hoạt động mang nhiều dấu ấn của du lịch Quảng Bình. Lễ đón bằng công nhận Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới (lần 2) và lễ hội hang động Quảng Bình năm 2015 được tổ chức trọng thể, hoành tráng, đặc sắc được dư luận đánh giá cao.

Trước đó, hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Quảng Bình năm 2015 đã mang lại niềm tin tươi sáng cho ngành du lịch Quảng Bình. Hoạt động quảng bá tuyên truyền về du lịch Quảng Bình trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế có tần suất rất cao.

Hang Sơn Đoòng. Ảnh: Ryan De boodt
Hang Sơn Đoòng. Ảnh: Ryan De boodt

Tỉnh ta cũng đã phối hợp với các đoàn làm phim trong nước và quốc tế thực hiện các chương trình truyền hình giới thiệu sự phong phú độc đáo của tài nguyên du lịch Quảng Bình như chương trình S Việt Nam, bộ phim “Bản hòa tấu Sơn Đoòng”; bộ ảnh 3 D về Sơn Đoòng, đặc biệt nhờ chiến lược truyền thông quảng bá hiệu quả của Công ty Chua Me Đất, việc truyền hình trực tiếp từ hang Én, hang Sơn Đoòng trong chương trình Good Morning America của kênh truyền hình ABC (Mỹ) đã tạo ấn tượng tốt đẹp và gây tiếng vang lớn cho du lịch Quảng Bình trên thế giới.

Từ những kết quả đã đạt được, để phát triển du lịch trong thời gian tới phải đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp, trong đó cần: Tiếp tục quán triệt sâu rộng tinh thần Chỉ thị số 33 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình. Thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động do UBND tỉnh ban hành nhằm triển khai một số giải pháp phát triển du lịch trong thời kỳ mới theo tinh thần Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 2-7-2015, trong đó cần huy động mọi nguồn lực phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò chủ đạo trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong phát triển du lịch, đầu tư cho du lịch để thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển, phát triển du lịch bền vững gắn liền với việc bảo tồn phát huy các tài nguyên du lịch. Định vị và nâng cao giá trị của thương hiệu du lịch Quảng Bình trên thị trường trong nước, quốc tế; phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, từ các đồng chí lãnh đạo tới mỗi một người dân Quảng Bình, hoạt động truyền thông quảng bá về du lịch được tăng cường với phương châm: “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”.

Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch mang tính chuyên nghiệp. Tăng cường đầu tư hỗ trợ của nhà nước cho phát triển du lịch. Tranh thủ sự hỗ trợ từ các nguồn lực của Trung ương, từ chương trình hành động quốc gia về du lịch. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, chủ động bố trí ngân sách, quỹ đất và triển khai các giải pháp phát triển du lịch đồng thời xây dựng các quy chế đặc thù về đất đai, nguồn vốn đầu tư để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Đề cập đến vấn đề này, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Trong thời gian qua, tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cơ sở, ban, ngành, địa phương cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh du lịch, do đó môi trường đầu tư du lịch tỉnh ta đã có bước khởi sắc, đã có nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư tại tỉnh ta. Sắp tới tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa việc quảng bá, kêu gọi và xúc tiến đầu tư vào du lịch như: du lịch hang động, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh, du lịch biển kết hợp với các khu vui chơi phục vụ du lịch đẳng cấp quốc tế...”.

Bên cạnh đó, chúng ta cần khai thác có hiệu quả sân bay Đồng Hới, nâng cấp sân bay Đồng Hới thành cảng hàng không nội địa có chuyến bay quốc tế, mở các tuyến bay thẳng đến các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm như Nhật Bản, Đài Loan, các nước trong khối ASEAN. Chú trọng đầu tư nâng cấp hoàn thiện kết cấu hạ tầng các trọng điểm du lịch; kiến nghị với Chính phủ nâng cấp Cửa khẩu Cà Roòng thành cửa khẩu chính, cho phép người, phương tiện xuất nhập cảnh để thu hút khách du lịch đến từ Lào, Thái Lan đến du lịch Quảng Bình thông qua Cửa khẩu Cà Roòng.

Quy hoạch và kêu gọi đầu tư các điểm dừng chân du lịch trên tuyến quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 12A; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng dịch vụ tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, điểm du lịch địa phương bãi biển Nhật Lệ,  Quang Phú, Bảo Ninh và các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn để thu hút du khách và phát triển du lịch. Chỉ đạo hướng dẫn các địa phương, cơ sở kinh doanh dịch vụ, lực lượng Công an  triển khai các giải pháp bảo vệ an toàn cho du khách; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch.

Tăng cường khai thác các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc nhằm nâng cao chất lượng hoạt động du lịch. Đặc biệt, phải phát triển đồng bộ và phát huy các giá trị của tài nguyên du lịch trong đó đồng thời khai thác tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn.

Bên cạnh du lịch hang động, du lịch biển, chúng ta cần xây dựng nhiều sản phảm du lịch văn hóa tâm linh, bảo tồn, tôn tạo, giới thiệu các điểm đến du lịch là những địa danh cách mạng, những danh nhân lịch sử, đồng thời tổ chức nhiều lễ hội giàu bản sắc văn hóa truyền thống... để đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, tăng cường tổ chức bộ máy và biên chế cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh, huyện, thành phố.

Việc phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sẽ góp phần đáp ứng kỳ vọng của Đảng bộ và toàn thể nhân dân tỉnh nhà trong việc quyết tâm xây dựng Quảng Bình trở thành một tỉnh phát triển nhanh và bền vững, gắn thiên nhiên tươi đẹp, ấm áp tình người và kinh doanh hiệu quả, thiết thực xây dựng quê hương Quảng Bình văn minh, giàu đẹp.

Phan Hòa