.

Phục hồi môi trường sau khai thác titan

Thứ Hai, 03/08/2015, 08:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Cuối tháng 6 vừa rồi chúng tôi có dịp trở lại các khu mỏ khai thác titan trên địa bàn xã Sen Thuỷ, Lệ Thuỷ, để cảm nhận sức sống của vùng cát đang được hồi sinh. Màu xanh của rừng phi lao và tràm hoa vàng đang dần trở lại trên vùng mỏ titan đã khai thác trước đây.

Ông Ngyễn Văn Hiểu, Chủ tịch UBND xã Sen Thuỷ dẫn chúng tôi đi một vòng quanh các khu mỏ titan đã hoàn thổ, vừa đi ông vừa tâm sự: Trên địa bàn xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy có 4 đơn vị đã được cấp giấy phép khai thác titan với tổng diện tích 200 ha, trong đó Công ty CP XNK Quảng Bình được cấp 100 ha tại Bàu Dum; Công ty CP XNK Hoàng Long 40 ha tại khu vực đông nam Bàu Sen, Công ty TNHH XD Thanh Bình 30 ha tại đông nam Bàu Sen, Công ty TNHH XDTH Sen Hồng 30 ha tại phía đông Bàu Sen. Cuối năn 2014, UBND tỉnh có quyết định đóng cửa các mỏ, các đơn vị đã khai thác 167,3  ha trên tổng số 200 ha đã cấp.    

Qua câu chuyện của Chủ tịch UBND xã Sen Thuỷ được biết, lúc mới cấp phép khai thác một số người dân chưa thật sự đồng tình, lo ngại ảnh hưởng môi trường vùng cát. Tuy nhiên sau 5 năm khai thác, một số đơn vị đã chấp hành khá tốt việc bảo vệ môi trường, khai thác đến đâu hoàn trả mặt bằng trồng cây xanh đến đó. Bây giờ nhìn thấy cây trồng bén rễ ngày một xanh tốt, người dân phần nào đã yên tâm.

Qua tìm hiểu thực tế được biết, từ cuối năm 2014 và đầu năm nay UBND tỉnh có quyết định tạm dừng khai thác titan để phục hồi môi trường. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, có một vài khu đất rải rác khoảng hơn một chục ha chưa được san ủi trả lại mặt bằng, nhưng nhìn chung phần lớn diện tích mỏ đã trồng cây xanh, nhiều khu rừng trồng trước đây 4 năm bây giờ cây đã khép tán.

Rừng cây của Công ty CP XNK Quảng Bình trồng sau khi hoàn trả mặt bằng ở Bàu Dum, Sen Thuỷ.
Rừng cây của Công ty CP XNK Quảng Bình trồng sau khi hoàn trả mặt bằng ở Bàu Dum, Sen Thuỷ.

Có mặt tại mỏ titan Bàu Dum của Công ty CP XNK Quảng Bình chúng tôi nhận thấy, đơn vị đã thực hiện san gạt trả lại mặt bằng toàn bộ diện tích khu mỏ đã khai thác (trừ 2 moong phía đông bắc khu mỏ với diện tích khoảng gần 1 ha) và trồng cây xanh trên 95% diện tích hoàn thổ, loại cây trồng là phi lao và keo lá tràm.  Hiện trong số cây đã trồng có khoảng một phần ba diện tích cây  cao 2-3 mét, đường kính 3-5cm.

Ông Lương Minh Tính, Phó tổng Giám đốc Công ty CP XNK  Quảng Bình cho biết, công ty  được UBND tỉnh cấp phép khai thác quặng titan trên diện tích 100 ha ở xã Sen Thủy.  Công ty tiến hành khai thác titan theo phương pháp khai thác đến đâu hoàn thổ trả lại mặt bằng và trồng rừng đến đó. Năm 2010 là năm đầu tiên công ty khai thác 50 ha và đã hoàn thổ, trồng rừng toàn bộ diện tích đã khai thác. Các năm sau công ty khai thác thêm 50ha nữa và đã hoàn thổ, trồng rừng được 45ha, còn 5 ha sẽ hoàn thổ, trồng rừng trong vụ trồng rừng năm nay.

Quá trình khai thác titan Công ty CP XNK Quảng Bình đã thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường, hoàn thổ trồng lại rừng sau khi đã khai thác, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, hiện tại rừng cây của công ty phát triển xanh tốt.

Có được những khu rừng xanh tốt đó, công ty đã hợp đồng với Công ty CP giống lâm nghiệp Thanh Hóa, và các hộ dân Sen Thuỷ đặt mua cây giống phi lao và keo lá tràm. Để bảo đảm trồng có tỷ lệ sống cao, công ty đã yêu cầu đơn vị cung ứng giống phi lao đóng bầu kích cỡ 8x12cm. Ngoài ra công ty còn hợp đồng với các chủ vườn ươm ở xã Sen Thủy đặt mua cây keo lá tràm với đường kính cây 0,35-0,50cm, chiều cao 0,7-1,0m, ký hợp đồng với Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Quảng Bình tư vấn quy hoạch, thiết kế, chỉ đạo kỹ thuật và giám sát, thuê dân địa phương trồng cây.

Tại mỏ titan đông nam Bàu Sen của Công ty CP XNK Hoàng Long, trong quá trình khai thác công ty chấp hành tốt cam kết khai thác đến đâu hoàn trả mặt bằng và trồng rừng đến đó. Hiện tại đã thực hiện san gạt trả lại mặt bằng và trồng cây tràm với diện tích khoảng 27 ha trên diện tích 32,8 ha. Số cây của công ty trồng tỷ lệ sống đạt trên 95%, hiện tại nhiều vùng cây  đã lên xanh tốt.

Tại mỏ titan vùng phía đông Bàu Sen, xã Sen Thủy, Công ty TNHH XD Thanh Bình đã thực hiện san gạt trả lại mặt bằng và trồng cây tràm với diện tích khoảng 3,5 ha/4,5 ha phải hoàn thổ, trong số cây đã trồng có một số cây bị chết.

Tại mỏ titan vùng phía đông Bàu Sen, xã Sen Thủy, thuộc quyền khai thác của Công ty TNHH XDTH Sen Hồng, đơn vị cũng đã thực hiện san gạt trả lại mặt bằng với diện tích khoảng 20 ha trên diện tích 30 ha phải hoàn thổ, trồng cây tràm với diện tích khoảng 15 ha.

Tuy nhiên trong các khu vực mỏ hiện vẫn còn có một số hạng mục công trình chưa tháo dỡ  như nhà điều hành, nhà ở công nhân, kho, bãi tập kết quặng, trạm biến áp điện. Có một số moong khai thác chưa được thu gom đang nằm rãi rác ở các khu mỏ...

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lương Minh Tính, Phó tổng Giám đốc Công ty CP XNK Quảng Bình và ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Công ty CP XNK Hoàng Long cho biết, sở dĩ công ty chưa di chuyển các moong và tháo dỡ công trình phụ trợ là do trong thời gian này công ty đang hoàn thiện thủ tục xin cấp phép khai thác mỏ titan liền kề với khu mỏ đã đóng cửa, đã được Sở Tài nguyên và Môi trường chấp thuận. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn đề nghị UBND tỉnh xem xét chấp thuận theo đề nghị của đơn vị. Vì vậy đơn vị xin được giữ lại các công trình nói trên để phục vụ việc khai thác tiếp theo khi được cấp phép tại khu mỏ liền kề nhằm đỡ chi phí lắp đặt sau này.

Đối với Công ty CP XNK Hoàng Long vừa có quyết định đóng cửa mỏ đầu năm 2015, nên còn có một số diện tích chưa kịp san ủi và trồng cây. Ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Công ty cam kết rằng đơn vị đang tiếp tục thực hiện việc phục hồi môi trường theo các nội dung đề án đóng cửa mỏ, đồng thời vào  đầu mùa mưa này sẽ tiến hành trồng rừng trên toàn bộ diện tích còn lại.

Có thể nói, việc hoàn thổ và trồng cây tại các mỏ titan trên địa bàn Sen Thuỷ thời gian qua được các đơn vị thực hiện theo đúng cam kết. Trong thời gian tới đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Lệ Thuỷ tăng cường chỉ đạo, giám sát việc hoàn trả số diện tích còn lại và trồng dặm cây, trả lại màu xanh cho vùng cát nghèo Sen Thuỷ.

Tr.T