.

Chất lượng nguồn nhân lực du lịch: Chưa đáp ứng được thực tiễn

Thứ Bảy, 01/08/2015, 09:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng cùng với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông thuận tiện... là những lợi thế để tỉnh ta phát triển du lịch. Bên cạnh đó, ngành Du lịch luôn chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhờ đó, những năm gần đây, Quảng Bình đã thu hút được một lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chất lượng của nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

 

Một lớp bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng hướng đến chuyên nghiệp về dịch vụ buồng, lễ tân và quản lý cơ sở lưu trú.
Một lớp bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng hướng đến chuyên nghiệp về dịch vụ buồng, lễ tân và quản lý cơ sở lưu trú.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có gần 300 doanh nghiệp, đơn vị hoạt động kinh doanh lĩnh vực du lịch. Số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh (không tính khu vực Nhà nước và một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch) có khoảng 3.000 người.

Những năm vừa qua, Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu điểm du lịch, hướng dẫn viên du lịch; nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương và đã đạt được những kết quả khả quan.

Vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2105, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã phối hợp với dự án EU, Tổng cục Du lịch tổ chức hơn 10 khóa tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn cho khoảng 1.200 học viên là hướng dẫn viên, thuyết minh viên; quản lý khách sạn, nhân viên lễ tân, phục vụ buồng phòng (đối với các khách sạn 2 sao trở xuống); quản lý và nhân viên các nhà hàng đạt chuẩn phục vụ du khách... Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của ngành du lịch của tỉnh nhìn chung đang đang còn yếu và thiếu tính chuyên nghiệp.

Hiện tại, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại các công ty lữ hành và thuyết minh viên du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đang thiếu trình độ chuyên môn, xã hội, ngoại ngữ. Đối với đội ngũ nhân viên phục vụ buồng, bàn, lễ tân, chế biến món ăn ở các cơ sở lưu trú, nhà hàng phần lớn chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ du lịch, thiếu hẳn các kỹ năng về văn hoá ứng xử và giao tiếp, kỹ năng về nghiệp vụ, đặc biệt vấn đề ngoại ngữ. Ngay cả đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý trong các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch hiện tại cũng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành.

Khách du lịch đến tỉnh ta ngày càng đông...
Khách du lịch đến tỉnh ta ngày càng đông...

Đối với Trung tâm Du lịch Phong Nha- Kẻ Bàng được coi là “trái tim” của du lịch Quảng Bình cũng không phải ngoại lệ. Một số bộ phận nhân viên khách sạn, nhà hàng trong quy trình nghiệp vụ vẫn còn nhiều sai sót, tinh thần thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp. Tay nghề đầu bếp chưa cao dẫn đến việc chế biến các món ăn trong hệ thống nhà hàng, khách sạn còn đơn điệu, nghèo nàn, chưa khai thác được giá trị đa dạng của ẩm thực Quảng Bình để giới thiệu cho du khách...

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do những người có trình độ, được đào tạo bài bản sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp nghề chuyên ngành du lịch đã ở lại làm việc tại các thành phố lớn hoặc những nơi có du lịch phát triển. Số lao động trở về làm việc tại quê hương thường có trình độ ở mức trung bình và khi được tuyển chọn để làm việc tại các doanh nghiệp du lịch lại phải mất công đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ đầu.

Bên cạnh đó, tâm lý tự ti của người lao động ít nhiều còn chịu sự phân biệt của xã hội. Ngoài ra, một số nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp du lịch đánh giá chưa đúng mức sự đóng góp của đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ dẫn đến việc đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, chế độ lương, thưởng và các quyền lợi khác của người lao động chưa được quan tâm đúng mức khiến năng suất làm việc của đội ngũ này chưa cao, thiếu nhiệt huyết và thường không ổn định.

...Nhưng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp vẫn còn thiếu và yếu so với nhu cầu.
...Nhưng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp vẫn còn thiếu và yếu so với nhu cầu.

Trong bối cảnh khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Quảng Bình ngày càng đông, nghỉ dưỡng dài ngày thì ngoài việc đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch đặc thù để thu hút khách thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch được xem là sự đòi hỏi khách quan và cần thiết hiện nay.

Để làm được điều này, trước hết cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần tổ chức rà soát, khảo sát điều tra chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh để làm cơ sở cho việc thống kê, xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nhân lực du lịch dài hạn. Trong đó cần ưu tiên bồi dưỡng các kỹ năng về chuyên môn, văn hoá ứng xử và ngoại ngữ.

Mặt khác, cần chú trọng đổi mới hơn nữa nội dung giáo trình giảng dạy, phương thức đào tạo phù hợp với đối tượng và nhu cầu hiện tại; liên kết với các trường, mời giảng viên có uy tín chuyên ngành du lịch truyền đạt, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong hoạt động du lịch để các học viên dễ tiếp cận và tiếp thu tốt hơn. Gắn việc đào tạo, bồi dưỡng với chính sách sử dụng, bố trí lao động hợp lý để bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng để họ yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp dài lâu.

Đi đôi với việc triển khai các nội dung trên, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng và các ngành, các cấp về vai trò vị trí du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để mọi người cùng hưởng ứng và tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động du lịch tại địa phương.

Nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành Du lịch của tỉnh ta nói riêng và của cả nước nói chung, có ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và sự phát triển của du lịch tỉnh nhà. Vì vậy, cần quan tâm hơn nữa công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch để nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong xu thế hội nhập nhằm phát triển bền vững.

X.V-Công Thành