.

"Vua tiêu" ở Nam Hóa

Thứ Ba, 09/06/2015, 07:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo giới thiệu của Bí thư Đảng ủy xã Nam Hóa (huyện Tuyên Hóa) Nguyễn Văn Lợi, vào một ngày trời nắng chói chang cuối tháng 5, tôi tìm về thôn Hạ Trang để gặp ông Hoàng Văn Biên-người được mệnh danh “vua tiêu” ở xã này.

Thôn Hạ Trang nằm cạnh quốc lộ 12A, cách trung tâm huyện lỵ Đồng Lê về phía nam khoảng 8 km. Từ trên về đi quá chợ Nam Hóa 100 mét,  rẽ phải theo con đường bê tông liên thôn gần 1km nữa lại rẽ trái xuôi theo con dốc nhỏ một quãng là đến khu vườn trù phú của ông Biên. May mắn cho tôi khi đến nơi ông Biên đang ở nhà. Gặp tôi ông nhận ra ngay, vì thời trước còn làm việc tôi đã có đôi lần đến thăm vườn tiêu của ông. Ông hồ hởi mời tôi vào nhà và không quên mang theo một chùm vải chín đỏ mọng mời tôi ăn và giới thiệu đó là sản phẩm của ông làm ra.

Ông Hoàng Văn Biên năm nay gần 80 tuổi nhưng nhìn vẫn khỏe mạnh, nước da rám nắng, rắn chắc, giọng nói cứ oang oang. Ông cho biết, vợ chồng ông sinh hạ được 9 người con (2 trai, 7 gái), trong đó đã có 5 người con đang làm ăn ở Sài Gòn. Nhờ thu nhập từ kinh tế vườn đồi mà đến nay các con ông đều đã trưởng thành, có gia đình riêng với cuộc sống ai cũng no đủ.

Ông kể, sau 20 năm làm công nhân cơ khí của huyện năm 1980 ông về nghỉ, khi đó gia đình ông còn ở ngoài thôn Đạm Thủy (xã Thạch Hóa). Thấy vùng quê mình hay ngập lụt, đất đai ít, cuộc sống chật vật, khó khăn, thiểu thốn đủ bề ông bàn với vợ con chuyển nhà vào thôn Hạ Trang, xã Nam Hóa để lập nghiệp.

Ông Hoàng Văn Biên bên vườn tiêu.
Ông Hoàng Văn Biên bên vườn tiêu.

Thời kỳ đó vào đây đất đai vùng đồi thoải mái ông đã bỏ công sức ra khai hoang, phục hóa tạo dựng cơ nghiệp. Sau 35 năm lao động cần mẫn, đất không phụ công người, đến nay ông đã có 1ha vườn đồi và 14ha vườn rừng với hơn 4 vạn cây keo đã cho thu hoạch nhiều lứa. Ngoài ra ông còn 4 sào ruộng chuyên trồng lúa... Trong 1ha vườn đồi ông trồng đủ các loại cây nhưng cây chủ lực là tiêu, ngoài ra còn trồng thêm vải, chè chuối, chăn nuôi  gà...

Ông đưa tôi đi thăm khu vườn trong cái nắng oi nồng tháng 5, với nhiệt độ ngoài trời lên tới 39-40 độ nhưng vườn tiêu của ông vẫn xanh tốt, trĩu quả đang mùa thu hoạch. Khu vườn 1 ha được ông quy hoạch công phu, đẹp mắt. Xung quanh được bao bọc bởi cây mây, trâu bò không thể xâm phạm được. Tiếp đến là một vành đai chè xanh với hàng ngàn cây, nhiều cây cao đến 2-3m rồi mới đến cây tiêu, cây vải, cây chuối và hơn 100 cây xà cừ trồng xen để lấy gỗ đã cao 3-4m. Thấy chè xanh tốt, tôi hỏi sao không bán chè, ông bảo cái thứ này trồng chủ yếu để che chắn gió cho tiêu. Phía trước bên trái là một ao nuôi cá 480m2, ông mới xây  năm  2014 đang nuôi hàng trăm con cá trắm...

Ông cho biết, đất đai ở đây không được tốt lắm, chủ yếu là đất sỏi, người dân quen gọi là đất “sạn loong”, nếu không biết cách làm ăn thì sẽ không có hiệu quả. Quan điểm của ông là “mượn đất để bỏ cây”, còn muốn cho cây phát triển xanh tốt phải đầu tư công sức, kỹ thuật để chăm bón thì cây mới tốt được. Chỉ với khu vườn đồi 1 ha mà hàng năm đã cho gia đình ông thu hoạch bình quân trên 100 triệu đồng, chưa tính thu hoạch từ vườn rừng 14ha và ao cá.

Riêng cây tiêu đến nay ông đã trồng được 600 gốc, trong đó 500 gốc đã cho thu hoạch nhiều năm, bình quân mỗi năm ông thu hoạch được 400kg tiêu khô, với giá hiện nay 20.000 đồng/kg, ông đã có nguồn thu 80 triệu đồng. Còn cây vải thiều mỗi năm cho thu hoạch được khoảng 10 triệu đồng.

Theo ông Biên, bao nhiêu năm làm vườn trên mảnh đất này ông đã tìm ra “đáp số”: cây tiêu là hiệụ quả hơn cả, thu hoạch xong chưa bán được thì đưa vào chum cất, khi nào cần thì bán. Ông cho biết, nhiều người ở đây cũng trồng tiêu nhưng do không biết kỹ thuật lại ít chăm bón nên hiệu quả không cao. Ông nói, kỹ thuật trồng tiêu cũng đơn giản thôi, đào hố xong, vét đất bùn dưới ao lên phơi cho khô trắng mới bỏ xuống hố, sau đó đem phân hoai, mục trộn với NPK bỏ vào rồi mới trồng. Quá trình cây phát triển cũng phải thường xuyên chăm sóc, bón thêm phân, tưới nước khi thời tiết quá nắng.

Chia tay ông Biên ra về khi mặt trời đã gần đứng bóng. Sau khi đã tham quan hết vườn đồi và nghe ông kể chuyện làm ăn tôi rất cảm phục ông - một người nông dân thực thụ chỉ với kinh nghiệm qua thực tiễn cộng với sức lao động sáng tạo của mình ông đã trở thành “vua tiêu” vùng đồi trên mảnh đất đầy nắng gió ở miền sơn cước này.

Hồ Duy Thiện