.

Triệu phú trên đất Rục

Thứ Ba, 09/06/2015, 09:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Là thành viên “đứa con út” của 54 dân tộc anh em, Trần Xuân Tư, ở bản Ón, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) đã vượt lên khó khăn để chinh phục vùng đất khó bằng mô hình kinh tế trang trại. Giờ đây, anh được người dân ở Rục gọi là triệu phú Tư khi trang trại tổng hợp trên 10ha của anh cho thu nhập mỗi năm gần 100 triệu đồng.

 

Anh Trần Xuân Tư đang cho lợn rừng ăn.
Anh Trần Xuân Tư đang cho lợn rừng ăn.

Trước đây, người Rục quan niệm rằng, mình sinh ra từ rừng thì cứ dựa vào rừng mà sống. Họ khai thác các sản vật từ rừng về phục vụ cho cuộc sống. Mãi đến năm 1959, Bộ đội Biên phòng phát hiện ra tộc người sống trong các hang đá này rồi dần dần đưa họ đến với cuộc sống con người. Cũng từ đó, người Rục bắt đầu tiếp cận được với thế giới văn minh, họ biết định canh định cư, biết lao động sản xuất để phục vụ cho cuộc sống. Và anh Trần Xuân Tư, ở bản Ón chính là tấm gương sáng điển hình.

Con đường làm ăn kinh tế cuả anh Tư trắc trở muôn vàn. Học chữ Bác Hồ đến lớp 5, nhiều bạn trang lứa trong bản bỏ học còn anh hì hục băng rừng vượt suối trên con đường “huynh đệ” ra trường dân tộc nội trú huyện học hết lớp 9. Có trình độ văn hóa cao bậc nhất bản, Tư vinh dự được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản.

Từ đó anh nghĩ, làm trưởng bản mà cứ nghèo thì nói ai nghe, vậy nên anh lại tiếp tục học làm kinh tế. Anh bắt đầu xem ti vi, đọc sách báo, tìm đến những mô kinh tế để học hỏi. Sau một thời gian tích lũy được kinh nghiệm và vốn liếng, anh quyết định lập trang trại tổng hợp. Trang trại của anh có diện tích trên 10ha với số vốn đầu tư trên 100 triệu đồng. Mô hình kinh tế trang trại gồm có chăn nuôi lợn rừng, trâu, gà thả vườn, trồng rừng nguyên liệu, xưởng mộc... Trong đó có 1.500m2 anh đầu tư nuôi lợn rừng với số lượng hàng chục con, 10 con trâu và hàng trăm con gà thả vườn, trồng hàng vạn cây keo lai...

Với mô hình này, mỗi năm gia đình anh Tư thu nhập gần 100 triệu đồng. Đó là chưa kể diện tích rừng cây của anh chưa thu hoạch. Trang trại anh đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 đến 6 lao động trong bản, giúp đỡ nhiều bà con về giống cây trồng vật nuôi.

Anh Trần Xuân Lành, một người dân trong bản cho hay: “Trưởng bản Tư của chúng tôi nuôi lợn, nuôi bò và nuôi gà giỏi lắm. Chừ trong và ngoài bản đều có người đến học hỏi anh kinh nghiệm để làm kinh tế”. Nhờ sự quan tâm, chia sẻ của anh Tư nên đời sống của bà con trong bản được nâng lên, số hộ nghèo giảm đáng kể, nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được loại bỏ.

Anh Tư tâm sự: “Dù được Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều nhưng cũng phải tự làm ăn mà thoát nghèo chứ, chẳng lẽ cứ trông chờ ỷ lại mãi à. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trang trại, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp đỡ thêm nhiều hộ khó khăn trong bản”.

Anh Đinh Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Hóa cho biết: “Bằng nghị lực của mình, anh Tư đã vươn lên để chiến thắng đói nghèo, là một tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế và xây dựng tổ chức hội cho các hội viên khác học tập, noi theo”...

X.Vương