.

Đi lên từ trang trại

Thứ Sáu, 26/06/2015, 10:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, ngày nay nhiều chị em phụ nữ lại tiếp tục khẳng định bản thân mình bằng sự cần cù, chịu khó học tập, lao động sáng tạo và xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Trong đó, nhiều chị đã vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, góp phần ổn định cuộc sống cho gia đình. Chị Dương Thị Thi, ở xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch là một trong những điển hình như thế.

 

Nhờ được chăm sóc tốt, vườn tiêu của gia đình chị Dương Thị Thi luôn cho năng suất cao.
Nhờ được chăm sóc tốt, vườn tiêu của gia đình chị Dương Thị Thi luôn cho năng suất cao.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, chị Thi bùi ngùi nhớ lại quãng thời gian đầy vất vả đã qua: “Có được như ngày hôm nay là cả sự phấn đấu, lao động chăm chỉ của cả 2 vợ chồng suốt gần chục năm trời”. Trước đây gia đình chị Thi là một trong những hộ nghèo ở xã Hòa Trạch, điều kiện cuộc sống rất khó khăn, chị cùng chồng làm lụng vất vả mà cuộc sống gia đình vẫn không được cải thiện.

Với bản chất cần cù, chịu khó, trên cơ sở tận dụng các lợi thế về đất đai, khí hậu, chị Thi đã mạnh dạn đầu tư tiền của, công sức để phát triển kinh tế trang trại theo hướng trồng trọt. Ban đầu chị Thi trồng vài hecta cao su và mấy chục gốc tiêu, sau đó, chị vay thêm vốn để mở rộng quy mô trang trại. Vừa làm, chị Thi vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ sách báo và các phương tiện truyền thông.

Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và chăm sóc tốt nên diện tích cây cao su và hồ tiêu của gia đình chị phát triển nhanh. Sau nhiều năm nỗ lực, chị Dương Thị Thi đã mở rộng trang trại với 9ha cao su. Tưởng chừng cái đói, cái nghèo sẽ không còn đeo bám lấy gia đình chị khi diện tích cao su phát triển rất nhanh và cho năng suất cao.

Nhưng một lần nữa, gia đình chị lại rơi vào bế tắc khi cơn bão số 10 năm 2013 đã làm gãy đổ hoàn toàn diện tích cao su mà gia đình chị đã dày công chăm sóc. “Khóc lóc hay buồn bã cũng không thể giúp gia đình vượt qua khó khăn nên hai vợ chồng đã bàn với nhau phải đứng lên để làm lại từ đầu chứ không thể gục ngã”, chị Thi tâm sự. Sau những năm tháng nỗ lực không ngừng, gia đình chị Thi đã dần khôi phục lại được số lượng cao su đã bị đổ sau bão với 6ha được trồng mới hoàn toàn. Anh chị vay thêm vốn để tập trung vào phát triển cây hồ tiêu và cây sắn.

Đất không phụ công người, diện tích hồ tiêu và sắn của gia đình anh chị ngày càng xanh tốt. Những ngày đầu chỉ là vài chục gốc tiêu, vài hecta sắn nhưng đến nay, gia đình anh chị đã có 500 gốc tiêu và 5ha sắn nguyên liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại địa phương.

Không chỉ biết làm giàu cho bản thân gia đình, là một hội viên phụ nữ, chị Thi luôn thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái sẵn sàng giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, thiếu vốn sản xuất... cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Chị đã mở cửa hàng bán phân bón để vừa có thêm thu nhập, vừa có điều kiện giúp đỡ những hội viên khác bằng cách cho mua nợ đến khi bán thành phẩm thì mới trả tiền mà không lấy lãi. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, chị  tự nguyện hiến đất, hàng rào, tiền của và công sức để góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Với những thành quả đã đạt được, chị Thi đã vinh dự là một trong những điển hình tiêu biểu được UBND tỉnh tặng bằng khen tại hội nghị tuyên dương phụ nữ điển hình tiên tiến 5 năm 2010-2015.

Lan Chi