.

Xây dựng nông thôn mới ở Ngân Thủy: Khó xác định thời gian về đích

Thứ Năm, 09/04/2015, 08:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Xây dựng nông thôn mới (NTM) được kỳ vọng sẽ “tiếp sức” để xã miền núi Ngân Thủy vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng NTM ở Ngân Thủy còn gặp nhiều khó khăn, sau hơn 4 năm thực hiện, Ngân Thủy chỉ mới hoàn thành được 5/19 tiêu chí. Việc hoàn thành những tiêu chí còn lại được xem là những bài toán khó đối với xã.

Còn quá nhiều khó khăn

Ngân Thủy là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Lệ Thủy, toàn xã có 6 thôn, bản với 512 hộ, 2.114 nhân khẩu. Đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo gần 39%, thu nhập bình quân đầu người hiện chỉ đạt 7,5 triệu/năm.

Qua công tác kiểm tra, rà soát và đánh giá thực trạng của địa phương cũng như đối chiếu với các tiêu chí xây dựng NTM, xã Ngân Thủy chỉ mới đạt 5/19 tiêu chí. Đó là các tiêu chí quy hoạch và thực hiện quy hoạch, y tế, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị xã hội và tiêu chí an ninh trật tự. Hiện tại, tiêu chí điện cũng đã đạt được 95% và phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành. Trong năm 2014 xã Ngân Thủy không đạt tiêu chí nào.

Lý giải về điều này, anh Hồ Văn Sanh, cán bộ địa chính phụ trách xây dựng NTM xã Ngân Thủy cho biết, so với nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh thì Ngân Thủy có xuất phát điểm thấp nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng NTM. Khát vốn, thiếu nguồn đầu tư là nguyên nhân chính được đưa ra để lý giải vì sao lộ trình xây dựng NTM ở Ngân Thủy lại khó có thể về đích đúng dự kiến. Thời gian qua, chính quyền xã đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng đường giao thông, thủy lợi, trường học...; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Tuy nhiên, với 65% dân số là đồng bào dân tộc Vân Kiều, dân trí thấp, sống chủ yếu dựa vào rừng, đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn nên nguồn lực từ dân để đóng góp xây dựng NTM hầu như không có. “Nhiều địa phương khác có thể về đích đúng như dự kiến là dựa vào sự đóng góp hiến đất, hiến tài sản của nhân dân, còn đối với Ngân Thủy việc người dân hiến đất, hiến tài sản để xây dựng các công trình dân sinh gặp rất nhiều khó khăn”, anh Sanh chia sẻ.

Có đến 65% dân số là đồng bào dân tộc Vân Kiều nên đời sống của người dân xã Ngân Thủy còn gặp rất nhiều khó khăn.
Có đến 65% dân số là đồng bào dân tộc Vân Kiều nên đời sống của người dân xã Ngân Thủy còn gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài nguồn vốn được cấp trên hỗ trợ hàng năm là 700 triệu đồng, Ngân Thủy hoàn toàn không có nguồn thu nào khác để xây dựng NTM. Điều này dẫn đến việc xã luôn trong tình trạng năm sau chi trả nợ cho các công trình của năm trước và không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng những công trình đã đưa vào sử dụng. Từ đó, mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng hàng năm không bảo đảm để đạt chuẩn NTM.

Những tiêu chí mà các địa phương khác thực hiện được như: cơ sở văn hóa, thủy lợi, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư thì với Ngân Thủy đó lại là những tiêu chí khó có thể thực hiện nhất bởi kinh phí của xã không có. Tiêu chí môi trường cũng là tiêu chí xã khó thực hiện. Hiện Ngân Thủy có 6 thôn bản nhưng chưa có thôn, bản nào có hệ thống nước sạch, người dân chủ yếu sống bằng nước suối.

Vào mùa hè, các suối đều cạn hết nước, bà con phải đi bộ 2-3 cây số để lấy nước về dùng. Tiêu chí giao thông được xem là tiêu chí mà xã chú trọng đầu tư nhất nhưng hiện tại mới chỉ có 3 thôn được xây dựng đường liên thôn; 3 thôn còn lại vẫn phải đợi vốn. “Không chỉ riêng các tiêu chí thủy lợi, chợ nông thôn mà tiêu chí nào cần nguồn kinh phí lớn thì xã đều khó hoàn thành”, anh Sanh nói.

Khó những vẫn quyết tâm làm

Làm thế nào để nâng cao đời sống nhân dân, từ đó huy động sức dân tham gia xây dựng NTM?!  Đây thực sự đang là bài toán nan giải đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ngân Thủy. Để thực hiện được điều đó, xã đã thực hiện nhiều giải pháp, trước mắt, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, bảo đảm đời sống nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để nâng cao đời sống cho bà con, Đảng bộ, chính quyền xã đã chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, trong đó, tập trung trồng lúa kết hợp với các hoa màu khác như ngô, khoai, lạc, sắn... với diện tích 157,6 ha,  năng suất năm 2014 là 726,1 tấn.

Đồng thời, Ngân Thủy còn tích cực đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa, khuyến khích người nông dân đưa những vật nuôi có chất lượng được người tiêu dùng ưa thích như: gà đồi, bò, hươu và bồ câu vào sản xuất bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ gia đình. Ngoài ra, xã còn chú trọng vận động bà con tham gia các mô hình trồng rừng để phát triển kinh tế.

Hiện tại, toàn xã đã trồng mới 119 ha rừng và thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng để bà con có đất sản xuất. Bên cạnh đó, các tổ chức hội, đoàn thể đã tích cực phát động các phong trào thi đua trong hội viên, nhất là phong trào giúp nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Với sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước, nhiều hộ nghèo đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Ông Thức khẳng định trong thời gian tới xã Ngân Thủy sẽ huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, vận dụng sáng tạo các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thay đổi cơ cấu nông nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật để thúc đẩy cây trồng, vật nuôi phát triển, tìm hướng đi mới cho việc phát triển kinh tế toàn xã, nhằm giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Qua đó, góp phần huy động nguồn lực từ dân trong xây dựng NTM.

Xây dựng NTM là để phát triển nông thôn một cách toàn diện, nâng cao đời sống người dân về mọi mặt. Nhưng để giữ vững những tiêu chí đã đạt được và hoàn thành các tiêu chí còn lại thì xã Ngân Thủy vẫn còn nhiều việc phải làm; cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và điều quan trọng nhất là sự đồng lòng, góp sức xây dựng NTM từ người dân.

Lan Chi