.

Kim Thủy: Nỗ lực xóa đói giảm nghèo

Thứ Ba, 07/04/2015, 09:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Kim Thủy là một xã miền núi của huyện Lệ Thủy, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội, song những năm qua nhờ các giải pháp thiết thực mà cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai, Kim Thủy đang nỗ lực giảm nghèo và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Trong năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 13,2% so với năm 2014, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 314 hộ.

Ông Hồ Văn Xoan, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thủy cho biết, xã Kim Thủy có 1.035 hộ dân, trong đó có hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông-lâm nghiệp. Trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán còn lạc hậu, cơ sở hạ tầng được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn nhất là các bản vùng cao, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi còn chậm.

Từ thực tế đó, để làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, thời gian qua Đảng ủy, chính quyền xã Kim Thủy đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với điều kiện địa phương. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, đồng thời, tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nông-lâm nghiệp cho người dân. Đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về công tác xóa đói giảm nghèo, qua đó khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Nhờ xác định đúng hướng, xã Kim Thủy đã vận động được người dân ngoài việc phát huy hiệu quả của các cánh đồng lúa, hoa màu còn phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Kết quả trong năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt 7,5%; tổng diện tích gieo trồng các loại cây ngắn ngày 168 ha. Trong đó, lúa 124 ha, ngô 18 ha, lạc 5 ha và các loại cây trồng khác như kiệu, cà, dưa, đậu các loại... là 21 ha. Tổng sản lượng lương thực quy ra thóc đạt 525,9 tấn. Xã cũng đã chú trọng phát triển diện tích cây công nghiệp, cây dài ngày như cao su 337 ha, sắn nguyên liệu 152 ha, hồ tiêu 8,2 ha, cây ăn quả 15,1 ha...

Chị Hồ Thị Thìn, ở bản Cồn Cùng đang chăm sóc vườn keo 3 năm tuổi của gia đình.
Chị Hồ Thị Thìn, ở bản Cồn Cùng đang chăm sóc vườn keo 3 năm tuổi của gia đình.

Bên cạnh đó, để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, ngoài sự hỗ trợ lãi suất từ các nguồn vốn ưu đãi, các chương trình dự án, xã Kim Thủy đã thực hiện tốt công tác phòng tránh dịch bệnh, chủ động nguồn thức ăn khô vào mùa đông, cải tạo nguồn giống nhằm nâng cao chất lượng cho đàn gia súc, bảo đảm phát triển ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay toàn xã có 617 con trâu, 831 con bò, 452 con lợn và 22.350 con gia cầm các loại. Tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên nên số lượng gia súc gia cầm trong toàn xã luôn duy trì và phát triển tốt, giá trị ngành chăn nuôi toàn xã ước đạt 16,5 tỷ đồng.

Trong đó, chăn nuôi gà thả vườn và nuôi bò lai đang là hướng đi mới, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Điển hình như gia đình anh Hồ Văn Phan với hơn 30 con bò, anh Hồ Chờ nuôi gần 15 con bò... Nhờ sự cần cù, chịu thương chịu khó nên không chỉ có gia đình anh Phan, anh Chờ mà rất nhiều hộ dân khác ở bản An Mã, Cồn Cùng, Cây Khế đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ chăn nuôi.

Không chỉ chú trọng vào phát triển chăn nuôi mà người dân Kim Thủy cũng đã biết phát huy lợi thế từ rừng để xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh viêc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về lợi ích của việc trồng rừng và bảo vệ rừng thì chính quyền xã đã tiến hành giao đất, giao rừng để người dân có đất sản xuất. Trong năm 2014, xã đã cấp 196 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 78 hộ ở bản Cây Bông và bản Bang, thời gian tới sẽ tiến hành rà soát và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các bản còn lại.

Hiện tại, toàn xã đã trồng được 3.000 ha keo tràm, độ che phủ rừng được nâng lên hơn 80%. Gia đình anh Hồ A Lai là một trong những hộ trồng rừng nhiều nhất trên địa bàn xã, với 50 ha và chủ yếu là cây keo. Đến thời điểm hiện tại, gia đình anh đã có 25 ha keo đến tuổi khai thác, với mức giá ổn định như hiện nay là 30 triệu/1 ha thì mỗi năm gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng. “Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, cơm không có mà ăn nhưng nhờ vào cây keo mà gia đình đã khấm khá hơn. Không những có tiền cho con cái ăn học, tôi có vốn đầu tư mô hình trang trại tổng hợp để phát triển kinh tế”, anh A Lai chia sẻ.

Hiện tại, trên địa bàn xã Kim Thủy có rất nhiều hộ gia đình trồng keo tràm với số lượng lớn như gia đình anh Hồ Chờ, Hồ Thế, Hồ Hùng... Theo thống kê của UBND xã thì bà con ở khu vực từ bản Cây Khế đến bản Cầu Kiềng phần lớn đều thoát nghèo nhờ trồng rừng. Nói về định hướng cho thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Xoan khẳng định, xã Kim Thủy sẽ tiếp tục tạo điều kiện để người dân mở rộng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế vườn rừng để xóa đói giảm nghèo.

Những kết quả mà xã Kim Thủy đạt được thật đáng khích lệ, song trên bước đường phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Kinh tế của xã phát triển chưa bền vững, thu nhập bình quân đầu người chỉ mới 7,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao. Để có thể xóa nghèo bền vững, chính quyền xã Kim Thủy cần phát huy nội lực, làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của người dân sang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Từ đó xây dựng các mô hình kinh tế, gắn với đặc thù thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện cho người dân trong xã đổi mới tư duy lao động, vươn lên làm giàu chính đáng góp phần đưa diện mạo nông thôn Kim Thủy ngày càng khởi sắc.

Lan Chi