.

Chương trình phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015: Thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Thứ Hai, 06/04/2015, 07:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Mặc dù không đạt các chỉ tiêu đề ra, nhưng sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015 đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều đạt mức tăng trưởng khá, khẳng định được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường như: xi măng, bia, gạch Ceramic, phân vi sinh, may xuất khẩu... Bên cạnh việc phát huy tốt công suất của các cơ sở công nghiệp hiện có, nhiều dự án mới đầu tư đã đi vào hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả, tạo bước phát triển cho ngành công nghiệp của tỉnh. 

Theo số liệu từ Sở Công thương, sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ đạt các mục tiêu đề ra, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng qua các năm. Cụ thể: năm 2011 đạt 6.542 tỷ đồng, tăng 8,5%; năm 2012 đạt 7.136 tỷ đồng, tăng 9,1%; năm 2013 đạt 7.812 tỷ đồng, tăng 9,5%; năm 2014 đạt 8.594 tỷ đồng, tăng 10%; ước thực hiện năm 2015 đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 10,5% và tăng 1,6 lần so với năm 2010.

Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (giai đoạn 2011-2015) đạt 9,5%. Theo đó, công nghiệp quốc doanh Trung ương năm 2011 đạt 397 tỷ đồng, năm 2014 đạt 291 tỷ đồng và ước thực hiện năm 2015 đạt 325 tỷ đồng (do Công ty Xi măng Sông Gianh từ khu vực công nghiệp quốc doanh chuyển sang khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh); công nghiệp quốc doanh địa phương năm 2011 đạt 405 tỷ đồng, năm 2014 đạt 337 tỷ đồng và ước thực hiện năm 2015 đạt 375 tỷ đồng; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2011 đạt 3,6 tỷ đồng, năm 2014 đạt 4,5 tỷ đồng và ước thực hiện năm 2015 đạt 4,8 tỷ đồng (bình quân 5 năm giảm 24%); công nghiệp ngoài quốc doanh năm 2011 đạt 5.736 tỷ đồng, năm 2014 đạt 7.961 tỷ đồng và ước thực hiện năm 2015 đạt 8.795 tỷ đồng (bình quân 5 năm tăng trên 18% do một số doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa, chuyển sang khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh).

Trong các lĩnh vực công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng là ngành có nhiều lợi thế và là ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh (giá trị sản xuất năm 2011 đạt 2.318 tỷ đồng, năm 2014 đạt 3.242 tỷ đồng và ước thực hiện năm 2015 đạt 3.748 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng trên 39% giá trị sản xuất toàn ngành và có tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 11%.

Dây chuyền sản xuất tấm lợp và gạch không nung Cosveco với công suất 80 triệu viên/năm của Công ty CP sản xuất Vật liệu và Xây dựng Cosevco 1.
Dây chuyền sản xuất tấm lợp và gạch không nung Cosveco với công suất 80 triệu viên/năm của Công ty CP sản xuất Vật liệu và Xây dựng Cosevco 1.

Thời gian qua, tỉnh ta rất nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào sản xuất các dự án thuộc chương trình như: Nhà máy Xi măng Áng Sơn 1 (công suất 0,5 triệu tấn/năm), xi măng Vạn Ninh (công suất 0,7 triệu tấn/năm), xi măng Văn Hóa giai đoạn 1 (công suất 2 triệu tấn/năm), Nhà máy chế biến cao lanh Quảng Bình-Bohemia, dây chuyền 2 gạch Ceramic, nhà máy gạch không nung (công suất 80 triệu viên/năm); đồng thời đầu tư ngoài chương trình 2 nhà máy bê tông dự ứng lực ly tâm của Công ty Sơn Trường và Phan Vũ.

Tuy nhiên, do suy thoái kinh tế kéo dài nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm, mặt khác, do đầu tư công nghệ, thiết bị thiếu đồng bộ nên một số nhà máy không phát huy được hiệu quả dẫn đến sản xuất cầm chừng, ngừng sản xuất như: Nhà máy Xi măng Áng Sơn 1, Nhà máy cao lanh Quảng Bình-Bohemia, xi măng lò đứng Thanh Trường, gạch tuynen Phú Thủy, Nhà máy gạch ngói Vĩnh Ninh...

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều dự án đưa vào chương trình nhưng chưa triển khai đầu tư như: Dự án xi măng Sông Gianh giai đoạn 2, xi măng Trường Thịnh, xi măng lò quay Thanh Trường; các dự án kêu gọi đầu tư nhưng chưa có nhà đầu tư gồm: Dự án xi măng chất lượng cao tại huyện Minh Hóa, dự án chế biến cát và thủy tinh cao cấp, dự án sản xuất gạch lát Granit, dự án sản xuất sứ cách điện và các dự án đầu tư xây dựng một số nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng không nung từ các phụ phẩm của công nghiệp sản xuất xi măng, điện, than.

Công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản có bước phát triển đáng kể (giá trị sản xuất năm 2011 đạt 2.272 tỷ đồng, năm 2014 đạt 3.169 tỷ đồng và ước thực hiện năm 2015 đạt 3.389 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 35,7% giá trị sản xuất toàn ngành và tăng 1,8 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 13%.

Bên cạnh Nhà máy Bia Hà Nội-Quảng Bình đang phát huy hiệu quả kinh tế, các nhà máy sản xuất dăm giấy vẫn duy trì sản xuất ổn định, một số nhà máy mới đầu tư đang dần phát huy công suất thiết kế như: Nhà máy chế biến tinh bột sắn Sông Dinh, Nhà máy chế biến tinh bột dong riềng Long Giang Thịnh, Nhà máy Chế biến thủy sản Sông Gianh của Công ty CP Thủy sản Năm Sao. Lĩnh vực dệt may có bước phát triển mạnh trong giai đoạn vừa qua.

Trên địa bàn tỉnh đã đưa vào sản xuất thêm 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH S&D giai đoạn 1 có công suất 3 triệu sản phẩm/năm, Công ty CP Đại Thành có công suất 1 triệu sản phẩm/năm và Công ty TNHH may Huy Hoàng có công suất 30.000 sản phẩm/năm. Bên cạnh đó, Xí nghiệp may Hà Quảng tiếp tục đầu tư mở rộng giai đoạn 2 và đi vào sản xuất trong năm 2014, nâng công suất lên 10 triệu sản phẩm/năm, thu hút gần 1.800 lao động. Hiện nay, tỉnh đang xúc tiến để sớm triển khai đầu tư nhà máy may tại huyện Lệ Thủy và thị xã Ba Đồn, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2015.

Ngành công nghiệp khai khoáng trên địa bàn được đánh giá chưa phát triển, chủ yếu là khai thác đá vôi, tận thu, sơ chế titan, quặng sắt và một số khoáng sản khác. Dự án chế biến titan và sản xuất que hàn Kim Tín Quảng Bình với tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sản xuất năm 2012 nhưng do khó khăn về thị trường nên đã giản tiến độ, dự án luyện gang và sản xuất phôi thép Anh Trang đầu tư chậm và kéo dài, dự án tuyển cao lanh tinh của Công ty TNHH Bohemia Quảng Bình chưa phát huy hiệu quả, các khoáng sản khác như: cát trắng Ba Đồn, vàng Xà Khía, khai thác chế biến mangan chưa được đầu tư.

Công nghiệp cơ khí và điện tử chiếm tỷ trọng 5,5% giá trị sản xuất toàn ngành. Thời gian qua, lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn do công nghệ lạc hậu, thiếu vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Các nhà máy cơ khí lớn trên địa bàn như: nhôm thanh định hình, lắp ráp xe máy Vinasiam và Nhà máy đóng tàu Vinashin Nhật Lệ đã giải thể và ngừng sản xuất. Các dự án đưa vào chương trình và mời gọi đầu tư nhưng chưa triển khai gồm: Dự án di chuyển nhà máy đóng tàu Nhật Lệ ra khu vực bắc Sông Gianh, dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nông ngư cụ, nhà máy cơ khí phụ trợ ngành xi măng và điện, dự án nhà máy sản xuất đồ điện dân dụng và công nghiệp.

P.V