.

Xã nghèo từng bước khởi sắc

Thứ Tư, 22/04/2015, 07:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách thị trấn Đồng Lê khoảng 50km về phía tây, Lâm Hóa là xã vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Tuyên Hóa. Những năm qua, cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của các chương trình, dự án, sự lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương, kinh tế-xã hội trên địa bàn xã đã có những chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, bộ mặt nông thôn miền núi từng bước khởi sắc.

Từ thị trấn Đồng Lê-trung tâm huyện lỵ Tuyên Hóa, có thể đi theo đường xuyên Á hoặc Quốc lộ 15B, sau đó rẽ vào đường Hồ Chí Minh để đến xã Lâm Hóa. Con đường chiến lược quốc gia đã mở ra cơ hội phát triển nhanh, bền vững cho các địa phương vùng sâu, vùng xa trên dải đất miền tây Quảng Bình nói chung và xã Lâm Hóa nói riêng.

Những chứng tích lịch sử cùng với ký ức hào hùng của những ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vẫn còn đó trên vùng đất Lâm Hóa như Khe Ve, Ka Tang, Khe Núng... luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây phải nêu cao tinh thần cách mạng, đoàn kết một lòng sắt son theo Đảng, xưa thắng giặc, nay phải thắng đói nghèo. Với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây, bức tranh toàn cảnh của Lâm Hóa hôm nay đã có những gam màu tươi mới.

Điều dễ nhận thấy nhất của sự đổi mới trên vùng quê còn nhiều gian khó này, chính là hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã từ trục đường chính qua khu vực trung tâm đến các tuyến đường nội thôn, nội đồng, ở các bản đồng bào dân tộc thiểu số đều được bê tông hóa với tổng chiều dài 7km.

Từ đường Hồ Chí Minh, ô tô có thể vào tận từng thôn, bản. Riêng chỉ có bản Kè lâu nay vẫn bị cách trở mỗi khi mùa mưa lũ về. Nhưng tại thời điểm này, một cây cầu treo vượt sông với tổng nguồn vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng đang được khởi công xây dựng.

Các công trình hạ tầng thiết yếu như trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng của xã... đều được đầu tư xây dựng khá khang trang, nhà ở của đồng bào dân tộc thiểu số được sửa chữa, làm mới. 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt. Tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản trong 5 năm qua của xã ước tính trên 31 tỷ đồng.

Nhiều mô hình chăn nuôi tập trung với số lượng lớn đã được người dân đầu tư phát triển.
Nhiều mô hình chăn nuôi tập trung với số lượng lớn đã được người dân đầu tư phát triển.

Xã Lâm Hóa có diện tích tự nhiên 10.320ha, dân số 257 hộ, 996 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mã Liềng chiếm gần 50% với 106 hộ, 467 khẩu. Trước đây, đời sống của bà con, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hết sức khó khăn. Nay được sự đầu tư của các cấp, các ngành và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, đời sống của người dân đã có những chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo còn 50%, giảm 17% so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người từ 4,5 triệu đồng năm 2010 đã tăng lên 8 triệu đồng năm 2014.

Ông Cao Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa cho biết: Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015, xã Lâm Hóa đã xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các chương trình, đề án của huyện; tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển nông nghiệp.

Chăn nuôi và trồng rừng là hai mũi nhọn kinh tế được được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Nếu như trước đây chăn nuôi chỉ mang tính nhỏ lẻ, gia súc thường thả rong trong rừng nên khó kiểm soát được dịch bệnh, hiệu quả thấp, thì hiện nay, nhiều mô hình chăn nuôi tập trung với số lượng lớn đã được người dân đầu tư phát triển. Tổng đàn gia súc năm 2014 là 817 con, gia cầm 3.316 con. 

Thế mạnh lớn nhất của Lâm Hóa là đất rừng với 9.495ha, chiếm 92% diện tích tự nhiên. Để người dân có thể sinh sống ổn định và phát triển nhờ tiềm năng sẵn có này, thời gian qua cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác quy hoạch, giao đất giao rừng và tranh thủ các nguồn vốn đầu tư để phát triển trồng rừng kinh tế.

Trong 5 năm qua đã quy hoạch được 234ha, trồng mới 191ha rừng kinh tế, nâng diện tích rừng trồng hiện nay lên 281ha; đã khai thác rừng trồng trên 20ha, trị giá 756 triệu đồng. Đặc biệt, năm 2013, xã đã tranh thủ các chương trình, dự án để giao rừng cộng đồng cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở 3 bản với diện tích 763,9ha, tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế đồng thời góp phần quản lý, bảo vệ rừng một cách bền vững...

Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa xã hội cũng được cấp ủy, chính quyền xã Lâm Hóa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả.

Việc thực hiện các chính sách dân tộc luôn được cấp ủy, chính quyền xã Lâm Hóa xác định là mục tiêu chính trị quan trọng. Các chương trình, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Chương trình 134, 135, chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, thực hiện dự án định canh, định cư, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... được chỉ đạo thực hiện đúng quy định.

Cũng từ nguồn vốn 135, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã hỗ trợ vốn, giống và tập huấn kỹ thuật sản xuất cho hàng trăm lượt hộ dân, góp phần nâng cao trình độ thâm canh của đồng bào. Kinh tế hộ được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, đồng bào phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và địa phương.

Ông Cao Dụng, Trưởng bản Kè, xã Lâm Hóa nói: "Người Mã Liềng trước đây chỉ biết săn bắt, hái lượm trong rừng để kiếm cái ăn, cuộc sống quanh năm cơ cực, tăm tối. Nay được định canh định cư ổn định, lại biết sản xuất trên đất bằng, trồng lúa nước, trồng rừng kinh tế, con em được học hành, đường sá đi lại thuận tiện, bà con phấn khởi lắm".

Là xã vùng sâu vùng xa, đang nằm trong chương trình 135 của Chính phủ, nhưng trong đặc thù khó khăn của mình, Lâm Hóa đã và đang tạo những bước đi vững chắc. Các chỉ tiêu chủ yếu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra cơ bản đạt và vượt kế hoạch. Thành tựu đó là kết quả từ sự đoàn kết, đồng thuận trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhafà trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

Văn Tư