.

Phát triển du lịch: Cần chú trọng chất lượng hơn là số lượng

Thứ Sáu, 17/04/2015, 13:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Kết thúc năm 2014, cùng với nhiều thành tích ấn tượng trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, 2,7 triệu lượt khách du lịch đến Quảng Bình là con số được xem là sự đột phá lớn của tỉnh, mang lại niềm vui, sự tự tin cho người Quảng Bình nói chung và những người làm du lịch nói riêng. Tuy nhiên để thực sự đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh thì phía sau con số đó vẫn còn nhiều điều đáng bàn...

Xét về số lượng đơn thuần, 2,7 triệu lượt khách đến Quảng Bình trong năm 2014 hẳn là đáng mừng khi so sánh con số này với một số địa danh du lịch nổi tiếng trong khu vực như Huế, Hội An. So với chính mình, thì 2,7 triệu lượt khách là một sự bứt phá ngoạn mục khi năm 2013, dù đã có nhiều giải pháp và sự nỗ lực, nhưng con số này cũng chỉ dừng ở mức trên 1,2 triệu lượt khách đến tỉnh ta. Và con số kế hoạch năm 2014 cũng chỉ được đưa ra ở mức khiêm nhường là 1,3 triệu lượt khách.

Tuy nhiên, nếu con số 2,7 triệu lượt khách là tín hiệu đáng mừng, thì đồng hành cùng con số này là số doanh thu về du lịch của năm 2014 là 1.622 tỷ đồng, so với năm 2013 chỉ tăng 23,5%. Đấy là sự tăng trưởng không tương ứng khi số lượng khách tăng 100% nhưng doanh thu chỉ tăng chưa đến 25%.

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh ta vào tháng 2-2015, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ghi nhận và biểu dương những thành tích mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta đạt được, đồng thời cũng có những lưu ý đối với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, trong đó có du lịch.

Theo đồng chí Tổng Bí thư, sự tăng trưởng về lượng khách du lịch đến Quảng Bình thời gian qua là điều đáng mừng, tuy nhiên cần xác định rõ, tăng trưởng du lịch không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc đếm số lượt khách. Là một tỉnh có nhiều tiềm năng về du lịch, Quảng Bình cần có chiến lược và định hướng phát triển phù hợp nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình; tăng cường kết nối với các địa phương để đẩy mạnh hoạt động du lịch của tỉnh trong thời gian tới.

Du lịch tuyến Sông Chày-Hang Tối.
Du lịch tuyến Sông Chày-Hang Tối.

Tại nhiều cuộc họp bàn về phương hướng phát triển của du lịch Quảng Bình nói chung và thành phố Đồng Hới nói riêng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Bởi trong số 2,7 triệu lượt khách của năm 2014, đã có đến gần 1,6 triệu lượt khách đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hầu hết du khách sau khi viếng mộ Đại tướng đã tiếp tục đi về Hà Tĩnh, Nghệ An hoặc Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng thay vì lưu trú tại Quảng Bình. Như vậy, du lịch Quảng Bình đã bỏ qua “cơ hội vàng” từ số lượng du khách rất lớn này khi không có có những dịch vụ hấp dẫn nhằm “níu chân” du khách!

Trước thực trạng đó, đã có nhiều nguyên nhân được phân tích, đánh giá để tìm ra hướng đi hiệu quả trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Đó là hệ thống lưu trú, nhà hàng khách sạn chưa đáp ứng đủ nhu cầu du khách; chất lượng hạ tầng dịch vụ, vui chơi giải trí còn hạn chế; còn thiếu các sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng của tỉnh; du lịch Quảng Bình còn mang tính mùa vụ cao, đặc biệt là sự ảnh hưởng khắc nghiệt của thời tiết vào mùa mưa bão...

Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên, còn một số nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa là chất lượng, các dịch vụ chưa cao; tư duy làm du lịch theo kiểu “ăn xổi ở thì” thể hiện rõ ở việc “chặt chém” du khách trong dịch vụ lưu trú và ăn uống, đi lại. Chị Trương Huệ Minh, một du khách đến từ Đà Nẵng chia sẻ: Ở Quảng Bình rất khó tìm được quán ăn ngon và giá cả phù hợp.

So với Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn của miền Trung, thì giá ở Quảng Bình đắt gấp hai đến ba lần. Còn anh Trần Thượng Anh đến từ thủ đô Hà Nội cho biết: Là một du khách đã đi du lịch hầu hết các địa danh nổi tiếng trong nước và cả nước ngoài, khi đến Quảng Bình, anh và các bạn của mình vẫn ngạc nhiên bởi thái độ phục vụ của các nhân viên ở đây. Nếu ở nhiều thành phố du lịch khác, những yêu cầu của du khách được phục vụ nhanh chóng thì ở Quảng Bình nói chung và thành phố Đồng Hới nói riêng, du khách thường phải "kiên nhẫn"... chờ nhân viên gần giống như chờ những cô mậu dịch viên thời bao cấp. Chưa kể giá cả lưu trú và ăn uống ở Quảng Bình cũng là điều khiến nhiều du khách băn khoăn khi lựa chọn điểm đến cho mình và gia đình.

Những điều du khách phản ánh là hoàn toàn có cơ sở. Còn nhớ dịp 30-4-2014, tại một quán ăn sáng, chủ quán đã tính giá 40.000 đồng một tô bún cho du khách, trong khi người bản địa được tính giá 30.000 đồng. Đem thắc mắc này hỏi nhỏ chủ quán, “khách nhà” được giải thích rằng: Những người kia là khách du lịch, đến một lần rồi đi, tội gì không “chặt chém”. Mà những ngày cao điểm như bây giờ, không ăn ở đây cũng chả có quán nào khác để ăn!!! Đáng tiếc là tư duy làm du lịch kiểu này cũng được áp dụng trong một số khách sạn lớn khi giá phòng tăng hơn gấp đôi trong những dịp cao điểm, bất chấp quy định của các cơ quan chức năng.

Để khai thác hiệu quả những tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, cần có những giải pháp mang tính lâu dài. Đó là bên cạnh việc tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành trong quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế hoạt động đúng pháp luật, có hiệu quả; đầu tư hệ thống hạ tầng đáp ứng nhu cầu của du khách, mở các tour, tuyến mới; xây dựng bộ máy quản lý du lịch xứng tầm... thiết nghĩ, việc quan trọng cần làm hiện nay là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch không chỉ trong hệ thống các khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú lớn mà ngay cả những hàng quán vỉa hè, dịch vụ đi lại, mua sắm..., để mỗi một người dân thực sự là một “hướng dẫn viên” thân thiện.

Tuyệt đối loại bỏ tư duy du lịch kiểu “ăn xổi ở thì”, “chặt chém” du khách, tránh tình trạng du khách chỉ xem Quảng Bình là một điểm dừng chân tạm bợ trên hành trình khám phá du lịch. Làm được những điều đó cũng chính là góp phần nâng cao chất lượng du lịch cả về doanh thu và tăng trưởng lượt khách, để những năm tới, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh chứ không chỉ đơn thuẩn là những con số đếm...

Ngọc Mai