.

Chủ động phòng chống cháy rừng

Thứ Sáu, 10/04/2015, 07:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những ngày đầu tháng 4-2015, nắng nóng đã xuất hiện sớm và mức độ khốc liệt hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước đây. Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Vừa qua chi cục đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố tham mưu cho UBND cấp huyện triển khai biện pháp phòng chống cháy rừng (PCCR) đến tận cơ sở.

Mới đây chúng tôi có dịp về Lệ Thủy, được biết trên địa bàn huyện đang khẩn trương triển khai các hoạt động PCCR. Ông Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng Kiểm lâm Lệ Thuỷ cho biết, từ tháng 12 năm 2014, hạt đã tập trung tuyên truyền đến tận chủ rừng công tác vệ sinh rừng, giảm vật liệu cháy trước mùa khô. Đây được xem là biện pháp then chốt để giảm cháy rừng. Hạt có văn bản yêu cầu các chủ rừng và UBND các xã có rừng dễ cháy tăng cường các biện pháp vệ sinh rừng, phát dọn thực bì ven rừng và trong rừng, xử lý vật liệu cháy bằng biện pháp đốt trước có điều khiển.

Phía tây nam huyện Lệ Thủy, bao gồm rừng của Lâm trường Kiến Giang, xã Văn Thủy, Trường Thủy, Mai Thủy, Tân Thủy, Mỹ Thủy. Vùng này có khoảng 10.000 ha rừng trồng, loài cây chủ yếu là thông nhựa, keo thực bì dày có nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng cao. Ngay từ cuối năm 2014, Hạt Kiểm lâm huyện đã triển khai các biện pháp PCCR đến tận các thôn, xóm.

Theo đó, các địa phương đơn vị chủ động thực hiện phương châm" 4 tại chỗ". Khi xảy ra cháy theo phướng án thì chủ rừng và chính quyền địa phương huy động lực lượng, phương tiện của chủ rừng, trên địa bàn xã dập lửa.

Đồng thời bằng phương tiện thông tin liên lạc Ban chỉ huy của xã báo về Ban chỉ huy cấp trên biết để theo dõi và chuẩn bị lực lượng chi viện khi đám cháy vượt quá tầm kiểm soát của lực lượng tại chỗ. Trường hợp cháy lớn vượt quá tầm kiểm soát của lực lượng tại chỗ, cần có sự chi viện của cấp trên, Ban chỉ huy cấp xã phải tổ chức dẫn đường (bằng cách cử người đón ở các ngả đường hoặc dùng các biển chỉ đường hướng dẫn) để lực lượng và phương tiện chữa cháy tập kết tại hiện trường một cách nhanh nhất.

Diễn tập chữa cháy rừng tại rừng thông Bố Trạch.
Diễn tập chữa cháy rừng tại rừng thông Bố Trạch.

Qua kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm tại địa bàn thành phố Đồng Hới trong tháng 3-2015 cho thấy, công tác PCCR đã được các đơn vị đặc biệt quan tâm. Thành phố Đồng Hới có 1.900ha rừng tự nhiên, 3.900 ha rừng trồng ở phía tây và 800 ha rừng phòng hộ ven biển. Hạt Kiểm lâm Đồng Hới đã triển khai những biện pháp tích cực thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, chống lấn chiếm đất rừng và PCCR có hiệu quả. Hạt Kiểm lâm chủ động phối hợp với chính quyền các xã có rừng triển khai các biện pháp chỉ đạo lực lượng bảo vệ rừng bám sát các “điểm nóng” về nguy cơ cháy rừng để bố trí lực lượng ứng phó.

Một trong những đơn vị có truyền thống làm tốt công tác PCCR là Lâm trường Đồng Hới. Lâm trường này được giao nhiệm vụ quản lý một diện tích rừng và đất rừng khá lớn trải dài từ Nam Trạch (Bố Trạch) đến Nghĩa Ninh (Đồng Hới) với tổng diện tích rừng và đất rừng trên 2.000 ha, trong đó có 1.089ha thông nhựa rất dễ xảy ra cháy rừng. Xác định mùa khô năm nay có nguy cơ cháy rừng cao hơn mọi năm, nên từ đầu năm lâm trường đã được tổ chức tập huấn 2 phương án PCCR với các tình huống giả định sát thực.

Trước mùa khô năm nay lâm trường  tổ chức quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên về tăng cường công tác PCCR, triển khai phương án PCCR về đến hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng. Nhờ vậy mà hầu hết các hộ dân sinh sống trong khu vực rừng thông của lâm trường đều trang bị dụng cụ chữa cháy và chấp hành nghiêm túc quy định cấm mang lửa vào rừng. Các hộ nhận khoán rừng tự giác áp dụng các biện pháp PCCR, trường hợp phát hiện có lửa phải chủ động dập tắt, đồng thời tìm cách báo cáo ngay cho phân trường biết để phối hợp xử lý.

Qua báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, trong những năm qua tình hình cháy rừng trên địa bàn tỉnh ta đã được hạn chế đến mức thấp nhất so với thời gian trước đây. Do làm tốt công tác phòng ngừa và tổ chức lực lượng chữa cháy nên đã giảm đáng kể số vụ và diện tích bị cháy. Từ năm 2010 đến nay trên địa bàn tỉnh ta không để xảy ra vụ cháy rừng nào lớn; mỗi năm chỉ xảy ra khoảng 8-10 vụ, chủ yếu cháy các bụi lau lách, rừng trồng bị thiệt hại do cháy không đáng kể. Riêng năm 2014, trên địa bàn chỉ xảy ra 4 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 4,95ha rừng trồng và 4 vụ cháy rừng mới trồng chưa thành rừng xen lẫn cây bụi lau lách, thiệt hại 46,8ha.

Ông Chi cục trưởng cho biết, tỉnh ta là một trong những địa phương trong cả nước dẫn đầu về độ che phủ rừng. Đây chính là niềm tự hào, nhưng cũng là một áp lực lớn trong vấn đề quản lý bảo vệ rừng và PCCR. Xuất phát từ tình hình, đặc điểm đó,  Chi cục kiểm lâm  luôn chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương về công tác quản lý, bảo vệ từng, PCCR, đồng thời xây dựng các phương án phù hợp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Chi cục thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng.

Từ đầu năm 2015 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, giám sát diễn biến rừng, đất lâm nghiệp và tình hình khai thác gỗ rừng trồng của các đơn vị, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, chi cục đã chỉ đạo các hạt Kiểm lâm huyện, thành phố, đội kiểm lâm cơ động, các chủ rừng chủ động triển khai nhiều biện pháp PCCR như: tổ chức phát, dọn, xử lý thực bì trước mùa khô; phân công trực cháy; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát lửa rừng...

Đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành vệ sinh rừng, giảm vật liệu cháy trên diện tích 20.500ha rừng trồng, chiếm khoảng 78% tổng diện tích rừng trồng dễ cháy trên địa bàn toàn tỉnh. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã chủ động kiểm soát tình hình, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Trong quý I-2015, Chi cục Kiểm lâm và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện gần 400 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, thu giữ hơn gần 500m3 gỗ trái phép, 42 xe gắn máy, 7 cưa xăng..., nộp ngân sách nhà nước trên 4 tỷ đồng.

Tr.Thái