.

Canh tác lúa cải tiến SRI: Hướng phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững

Thứ Ba, 07/04/2015, 08:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Canh tác lúa cải tiến SRI đã được áp dụng ở tỉnh ta từ năm 2012, đến nay mô hình đang được nhân rộng với diện tích 619 ha vụ đông-xuân 2014-2015. Bước đầu, bà con nông dân hưởng ứng khá tích cực bởi tính ưu việt của mô hình. Bởi đây là một hệ thống sản xuất lúa gạo tiên tiến, hiệu quả, thân thiện với môi trường, có khả năng nâng cao sản lượng lúa canh tác, giảm thiểu lượng nước tưới, giống, phân bón, thuốc trừ dịch hại và công lao động, đồng thời giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tỉnh ta có diện tích sản xuất lúa hàng năm trên 52.000 ha, sản lượng lúa bình quân hàng năm đạt khoảng 260-270 nghìn tấn. Phần lớn các hộ nông dân có diện tích trồng lúa theo hướng tự cung tự cấp, quy mô nhỏ lẻ, chưa có định hướng sản xuất lúa hàng hoá theo quy mô lớn.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn phải đối mặt với với nhiều khó khăn, thách thức. Sự biến đổi khí hậu tạo ra những hiện tượng thời tiết cực đoan. Mặt khác, tập quán canh tác của bà con nông dân còn sạ dày (thường gieo với lượng thóc giống lúa thuần 120 - 180 kg giống/ha/vụ) hầu hết không bón phân chuồng, lạm dụng phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật, giữ nước thường xuyên trong ruộng lúa, đốt phụ phẩm, rơm rạ sau thu hoạch. Do đó làm tăng giá thành sản xuất lúa, lợi nhuận thu lại không cao, gây bùng phát dịch hại, ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất lúa.

Trước tình hình đó, từ năm 2012 đến vụ đông-xuân 2014-2015, được sự hỗ trợ kinh phí của dự án SNV, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Chi cục Bảo vệ thực vật thực hiện mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI). Đến nay, Chi cục đã triển khai thực hiện tại 8 xã trên địa bàn tỉnh với diện tích áp dụng trên 619 ha (huyện Lệ Thủy 183ha, Quảng Ninh 361ha, Bố Trạch 45ha, Ba Đồn 30ha).

Bà con nông dân phấn khởi được mùa lúa.
Bà con nông dân phấn khởi được mùa lúa.

Ông Hoàng Quang Luyến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: Hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI là phương pháp canh tác lúa sinh thái nhằm tăng năng suất nhưng lại giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và nước tưới. Nguyên tắc cơ bản của SRI là bảo đảm sự phát triển tối đa của bộ rễ lúa nhờ việc sử dụng mạ non ở tuổi từ 2,5 đến 3 lá, giảm đến mức thấp nhất sự tổn thương hoặc cạnh tranh của bộ rễ trong và sau khi cấy với yêu cầu phải cấy lúa một dảnh, vuông mắt sàng, mật độ thưa tùy theo chất lượng đất trồng, đồng thời phải rút cạn và điều tiết nước hợp lý trong quá trình sinh trưởng của cây lúa.

Để triển khai thực hiện mô hình, Chi cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế các huyện huyện, thị xã, UBND xã, HTX tổ chức họp dân phổ biến chủ trương xây dựng cánh đồng lớn SRI và lấy ý kiến nông dân. Tổ chức SNV đầu tư, hỗ trợ thực hiện quy trình SRI cho các địa phương hưởng lợi, hỗ trợ giá giống, phân hữu cơ vi sinh, thuốc diệt chuột cho các mô hình. Nhờ vậy, việc triển khai mô hình đã được sự đồng thuận cao của nông dân tham gia.

Qua đánh giá bước đầu kết quả tại các điểm thực hiện cho thấy, việc áp dụng SRI giảm được khoảng 50-60% lượng giống (từ 7-8 kg/sào theo phương pháp canh tác truyền thống xuống 2,5-4 kg/sào theo phương pháp SRI). Nông dân tham gia mô hình ngoài lượng giống được giảm ở ruộng mô hình SRI qua triển khai vụ thứ 2 thì họ cũng tự giảm lượng giống gieo ở ruộng ngoài mô hình. Những hộ nông dân không tham gia mô hình sau khi thấy rõ hiệu quả mang lại cũng thực hiện theo. Ước tính, nếu áp dụng SRI trên diện rộng (giảm lượng giống gieo 4-5 kg/sào) nông dân tỉnh ta mỗi năm có thể tiết kiệm được khoảng 4.000 - 5.000 tấn giống.

Về sử dụng nguồn nước, canh tác theo SRI, nông dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm có hiệu quả hơn so với canh tác truyền thống. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình điều tiết nước khô ướt xen kẻ nên giảm sử dụng nước bình quân ở ruộng SRI từ 40-55% so với canh tác truyền thống. Cụ thể ở HTX Mỹ Lộc Thượng (có hệ thống tưới tiêu chủ động hoàn toàn bằng các trạm bơm điện), số lần tưới nước của ruộng SRI 6 lần, trong khi số lần tưới nước của ruộng ngoài mô hình 11 lần. Như vậy giảm số lần tưới nước 5 lần (chi phí 1 lần tưới nước cho 1 ha là 105.000 đồng).

Bên cạnh đó, canh tác theo SRI giảm khoảng 20-30% lượng đạm so với canh tác truyền thống; giảm bình quân 50% chi phí về thuốc bảo vệ thực vật, do canh tác theo SRI cây lúa cứng, khỏe nên có khả năng chống chịu với nhiều loại sâu bệnh gây hại (đặc biệt là bệnh đạo ôn, khô vằn và bệnh bạc lá). Vấn đề giảm phát thải khí nhà kính ở khu vực  đồng ruộng áp dụng SRI cũng giảm đáng kể so với canh tác truyền thống 30-35%.

Đặc biệt, những diện tích áp dụng SRI có hiệu quả vượt trội so với phương pháp canh tác truyền thống, như: năng suất SRI tăng bình quân 8%, nơi cao đạt 13%; thu nhập tăng bình quân 12%, nơi cao đạt 26-34%; lợi nhuận tăng 35%. Hiệu quả kinh tế so với ngoài mô hình vụ đông - xuân tăng 3.150.000đ - 5.081.000đ/1 ha, vụ hè - thu 2.540.000đ- 4.500.000đ/1ha.

Bà Phạm Thị Thanh, thôn Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy thực hiện canh tác lúa cải tiến SRI khoảng 6 sào, cho biết: “Tôi thấy từ khi thực hiện theo phương pháp này lúa tốt, năng suất cao hơn so với trước đây, lại tiết kiệm được giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chăm bón lúa dễ dàng, đỡ tốn công”.

Ông Trần Đình Hoàn, Chủ nhiệm HTX Trung Quán, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh cũng cho biết gia đình ông thực hiện gieo cấy lúa theo quy trình SRI, diện tích khoảng 3,5 sào. Lúa SRI gieo thưa nên cây lúa hút được nhiều dinh dưỡng từ đất, cây khỏe, ít đổ ngã, ít sâu bệnh mà năng suất lại cao.

Có thể khẳng định, việc nhân rộng phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI trên địa bàn tỉnh ta 3 năm qua đã rất thành công. Để đạt được kết quả trên, Chi cục Bảo vệ thực vật đã phải lựa chọn được địa bàn triển khai bảo đảm các nguyên tắc kỹ thuật SRI như: cơ cấu giống lúa và các kỹ thuật sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là nguyện vọng của người dân vùng dự án. Ngoài ra, quy trình kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI là phương pháp canh tác dựa trên các cơ sở khoa học xuất phát từ thực tế sản xuất lúa hiện nay nên nông dân dễ hiểu và áp dụng.

Lê Mai-Đặng Thảo