.

Cây trồng biến đổi gen không phải là "chìa khóa vàng" cho nông nghiệp

Thứ Hai, 20/04/2015, 13:41 [GMT+7]
Ngô biến đổi gen đến ngày cho thu hoạch tại xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Ngô biến đổi gen đến ngày cho thu hoạch tại xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

(Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Công nghệ sinh học hay cây trồng biến đổi gen chỉ là một trong những giải pháp góp phần tạo ra các loại giống cây trồng, vật nuôi mới nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của bà con nông dân, chứ không phải là "chìa khóa vàng" cho ngành nông nghiệp. Đó là khẳng định của các nhà khoa học liên quan đến việc phát triển các loại cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam hiện nay.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Văn Toản - Trưởng ban đào tạo sau Đại học, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, thực chất của biến đổi gen là tổng hợp ra một loại protein mới có khả năng kháng chịu một đặc tính nhất định như kháng sâu, kháng thuốc trừ cỏ. Sau khi trải qua các biện pháp thử nghiệm, kiểm tra nghiêm ngặt và xác định loại protein này không phải là chất độc hay chất gây dị ứng đã biết, không phát sinh vấn đề mới và chất lượng không thay đổi so với sản phẩm truyền thống thì mới được đưa vào sử dụng.

Điển hình từ giống ngô biến đổi gen vừa được đưa vào sản xuất đại trà ở Việt Nam vừa qua, phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Văn Toản cho biết giống ngô biến đổi gen hiện đang được sử dụng đại trà hiện nay có hai loại đặc tính là kháng sâu và kháng thuốc trừ cỏ.

Những khu vực nào cây trồng thường xuyên bị sâu bệnh nặng thì trồng loại giống biến đổi gen kháng sâu mới phát huy tác dụng, năng suất cây trồng được đảm bảo. Ngược lại, ở những vùng ít bị sâu bệnh thì trồng loại cây biến đổi gen cũng không có ý nghĩa gì.

Tương tự, đối với loại kháng thuốc trừ cỏ, ở những vùng có thể sử dụng các biện pháp trừ cỏ khác hoặc cỏ ít thì không cần nhất thiết phải sử dụng loại cây trồng biến đổi gen có đặc tính này.

Liên quan đến một số ý kiến lo ngại trong tương lai sẽ hình thành những loài sâu hại siêu kháng thuốc, vô hiệu hóa tính năng kháng thuốc trừ cỏ và sâu đục thân của cây trồng biến đổi gen, ông Toản cho rằng, tính kháng để sinh tồn là bản chất tự nhiên của mọi sinh vật. Do đó, các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, ứng dụng giống cây trồng biến đổi gen bắt buộc phải có chương trình quản lí tính kháng, kéo dài thời gian hình thành tính kháng của sinh vật. Các biện pháp luân canh, xen canh cũng được khuyến cáo áp dụng khi trồng cây biến đổi gen.

Mặt khác, theo tiến sỹ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay trên thị trường bên cạnh các giống ngô biến đổi gen, bà con nông dân vẫn sử dụng các giống ngô lai với năng suất cao, giá thấp nên tính cạnh tranh cao. Đồng thời, Viện nghiên cứu Ngô cũng đang nghiên cứu, lai tạo giống ngô chống hạn với năng suất cao.

Việc đưa giống ngô biến đổi gen vào sản xuất đại trà chỉ làm phong phú thêm bộ giống đang sản xuất ở Việt Nam hiện nay để người nông dân có thêm sự lựa chọn chứ không phải là biện pháp thay thế. Do đó, người dân cần dựa trên điều kiện đất đai, khí hậu vùng đất nơi sản xuất, nhu cầu thực tế sử dụng cũng như năng lực tài chính để lựa chọn các loại giống cây trồng phù hợp.

Cũng theo tiến sỹ Dương Hoa Xô, gần 20 năm sau khi giống cây trồng biến đổi gen lần đầu được đưa vào sản xuất rộng rãi, các tranh cãi về lợi-hại của nguồn giống này vẫn tiếp diễn trên thế giới. Do đó, cần minh bạch các thông tin liên quan để người dân, người tiêu dùng có quyền tự do lựa chọn. Hiện đơn vị này đang nghiên cứu để tạo ra giống hoa biến đổi gen có thể kháng được một số virus gây hại.

Theo Hứa Chung (TTXVN/Vietnam+)