.

Bảo đảm ATTP nông, lâm, thủy sản: Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng

Thứ Hai, 13/04/2015, 07:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên thị trường vẫn thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Đặc biệt, riêng trong năm 2014 toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ với 107 người bị ngộ độc thực phẩm, tuy các vụ ngộ độc không có thiệt hại về người nhưng sự việc cũng gây tâm lý hoang mang cho người dân trong tỉnh.

Theo quy định tại Luật ATTP, Nghị định 38/2012/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan thì cả cơ quan quản lý, chính quyền, nhà sản xuất, người tiêu dùng đều phải chịu trách nhiệm trong bảo đảm ATTP. Theo quy định của Luật ATTP, cơ quan chịu trách nhiệm chủ yếu trong công tác quản lý ATTP là: Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong đó Bộ Y tế là cơ quan thường trực đồng thời chịu trách nhiệm quản lý đối với: phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng. Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý đối với: các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý đối với: ngũ cốc; thịt và các sản phẩm từ thịt; thủy sản và sản phẩm thủy sản; rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa tươi nguyên liệu; mật ong và các sản phẩm từ mật ong; thực phẩm biến đổi gen; muối; gia vị; đường; chè; cà phê; ca cao; hạt tiêu; điều và các nông sản thực phẩm khác.

Kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP cơ sở sản xuất nước mắm tại xã Cảnh Dương (Quảng Trạch).
Kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP cơ sở sản xuất nước mắm tại xã Cảnh Dương (Quảng Trạch).

Bên cạnh phân công quản lý theo ngành hàng theo Luật ATTP thì liên Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công thương cũng đã ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về ATTP nhằm bảo đảm nguyên tắc một sản phẩm, một cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước. Riêng đối với UBND các cấp chịu trách nhiệm quản lý ATTP trên phạm vi địa phương; quản lý điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, ATTP tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý.

Luật ATTP đã quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh và chịu trách nhiệm về ATTP do mình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phải thông tin trung thực về ATTP, thông báo rõ cho người tiêu dùng về các điều kiện bảo đảm an toàn khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Trong trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ra các sự cố về ATTP thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, người tiêu dùng thực phẩm ngoài việc tuân thủ đầy đủ các quy định, hướng dẫn về ATTP của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mà còn phải kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất ATTP với Ủy ban nhân dân nơi gần nhất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Đối với tỉnh ta, quản lý ATTP được giao cho Sở Y tế, Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo VSATTP gồm các sở, ngành liên quan trong đó Sở Y tế là cơ quan thường trực. UBND các huyện, thành phố, thị xã cũng thành lập các Ban chỉ đạo ATTP cấp huyện, chỉ đạo triển khai ATTP tại các xã phường, thị trấn. Theo lĩnh vực quản lý được phân công, các đơn vị đã triển khai tích cực các nhiệm vụ được giao như: thanh tra, kiểm tra, tập huấn kiến thức ATTP, xây dựng mô hình, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm ATTP...

Trong thời gian qua, công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng thực hiện. Đề án tăng cường năng lực quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và muối giai đoạn 2013-2015, Kế hoạch phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn và nhiều văn bản chỉ đạo về công tác bảo đảm ATTP nông lâm thủy sản được sở tham mưu UBND tỉnh ban hành kịp thời, đúng thời điểm. Do vậy, hàng hóa nông, lâm, thủy sản sản xuất trong tỉnh bước đầu khẳng định được uy tín, chất lượng, nhiều sự cố về ATTP được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Có thể nói rằng, sau hơn 3 năm triển khai, Luật ATTP đã dần đi vào cuộc sống, công tác bảo đảm ATTP nông, lâm, thủy sản đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều tồn tại, khó khăn cần giải quyết. Thực tế cho thấy, quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu là quản lý các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Những cơ sở này phân tán dàn trải rộng khắp tại các địa phương và cung ứng khoảng 70% lượng thực phẩm thiết yếu trên thị trường. Theo quy định của Luật ATTP thì đây là trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã nhưng công tác quản lý trên lĩnh vực này tại các địa phương vẫn thiếu sự quan tâm và còn lỏng lẻo.

Đơn cử nhất là tại 8 huyện, thành phố, thị xã chưa địa phương nào có cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản, mà hầu hết tại cấp cơ sở đều kiêm nhiệm, còn hạn chế về năng lực chuyên môn nên vấn đề thông tin, báo cáo luôn ở tình trạng chậm và thiếu kịp thời. Riêng ở cấp xã, chưa có cán bộ được giao nhiệm vụ và đào tạo để làm công tác quản lý chất lượng và ATTP, vì vậy công tác phối hợp cũng như tuyên truyền chưa thực sự về tận người dân. Một số địa phương còn chưa xác định được trách nhiệm của đơn vị mình, mà cho rằng đây là trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.

Mặt khác, công tác quản lý chất lượng, ATTP các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhập từ ngoại tỉnh vào vẫn còn nhiều vướng mắc và lúng túng do việc phân công quản lý giữa các nhóm ngành hàng cho Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn nhiều bất cập và khó áp dụng với thực trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ tại địa phương.

Việc phân công quản lý theo các văn bản hiện tại bảo đảm được nguyên tắc một sản phẩm, một cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan Nhà nước nhưng lại không bảo đảm được tính xuyên suốt theo chuỗi. Vì vậy, cùng một mặt hàng nhưng mỗi công đoạn sản xuất kinh doanh lại do một ngành khác nhau quản lý gây khó khăn trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là đối với các mặt hàng từ ngoại tỉnh được nhập trực tiếp về các chợ.

Trước những khó khăn, tồn tại trên, để nông, lâm, thủy sản thực phẩm bảo đảm chất lượng, ATTP khi đến tay người tiêu dùng thì đòi hỏi mỗi đơn vị, cá nhân phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình. Đồng thời, cần cộng đồng trách nhiệm của tất cả các bên liên quan gồm cơ quan quản lý, cơ sở sản xuất kinh doanh và cả người tiêu dùng, trong đó người tiêu dùng đóng vai trò không kém phần quan trọng.

Hy vọng rằng, với sự tham gia quyết liệt của toàn xã hội, nông, lâm, thủy sản nói riêng và sản phẩm thực phẩm nói chung sẽ ngày càng được bảo đảm về chất lượng, ATTP.

Mai Văn Minh  
(Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản)