.

Dự án Khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng: Góp sức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên Vườn quốc gia

Thứ Ba, 10/03/2015, 07:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhìn lại sau 7 năm thực hiện Dự án Khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) cho thấy nguồn tài nguyên thiên nhiên của Vườn quốc gia PN-KB được quản lý bền vững. Chính quyền và người dân các địa phương có ý thức hơn trong việc quản lý, bảo vệ rừng, hoạt động trồng rừng đã được đẩy mạnh. 

Trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân xã Trường Sơn (Quảng Ninh).
Trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân xã Trường Sơn (Quảng Ninh).

Ông Nguyễn Trung Thực, Giám đốc Ban quản lý dự án Khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng cho biết, trong năm 2014, dự án đã thực hiện khá tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kết quả rõ nét nhất mà dự án đạt được trong năm qua là đã cải thiện rõ rệt năng lực quản lý và nâng cao ý thức của cộng đồng bảo vệ tài nguyên Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQGPN-KB). Thông qua các lớp tập huấn và tuyên truyền của dự án, bà con dân tộc thiểu số đã có ý thức trồng rừng và bảo vệ rừng, chính quyền và nhân dân các xã vùng đệm đã được nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Sự phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm và Kiểm lâm vườn cùng với các lực lượng biên phòng, Công an trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động thực thi pháp luật đã được Ban quản lý tăng cường; sự phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm và Kiểm lâm VQG PN-KB cùng với các lực lượng Biên phòng, công an trên địa bàn tốt hơn trước. 

Dự án đã hỗ trợ VQG PN-KB tổ chức các khóa tập huấn nghiệp vụ bảo vệ rừng cho các nhóm bảo vệ rừng thôn bản. Dự án hỗ trợ tổ chức được 4 khóa tập huấn cho 106 cán bộ kiểm lâm VQG PN-KB và 1 khóa tập huấn cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh về quản lý, sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ; sau khóa tập huấn các cán bộ kiểm lâm được Công an tỉnh cấp chứng chỉ sử dụng vũ khí quân dụng...

Dự án hỗ trợ công tác tuần tra bảo vệ rừng đường 20 bước đầu thu kết quả tích cực. Thông qua nguồn vốn của dự án đã đầu tư lắp camera giám sát Trạm Kiểm lâm Thượng Trạch, hỗ trợ Chi cục Kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB tổ chức 4 đợt truy quét trên địa bàn khu vực VQG PN-KB. Theo kế hoạch, trong năm 2015 dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ tổ chức các cuộc tuần tra liên ngành tại các điểm nóng về bảo vệ rừng khu vực VQG PN-KB dọc tuyến đường 20.   

Một kết quả quan trọng mà dự án mang lại là hỗ trợ nguồn vốn cho người dân trồng và chăm sóc rừng. Tổng diện tích vùng đệm của vườn trên 220.000ha, nằm trên địa bàn 13 xã thuộc 3 huyện Bố Trạch, Quảng Ninh và Minh Hóa. Từ nguồn vốn đó, đến nay đã có 2.800 ha rừng được trồng và khoanh nuôi tái sinh, trong đó có 2.776ha cây bản địa với 1.772 hộ gia đình tham gia. Diện tích rừng được giao cho cộng đồng quản lý tăng dần qua hàng năm, đến nay có khoảng 6.310ha rừng được giao cho 21 cộng đồng. Chương trình trồng và khoanh nuôi tái sinh rừng đạt 73%, giao rừng cộng đồng đạt 90% kế hoạch.

Thời gian qua, tất cả các khu rừng trồng và khoanh nuôi tái sinh của dự án tài trợ vốn đang được người dân chăm sóc phát triển tốt, diện tích rừng giao cộng đồng quản lý được bảo vệ góp phần nâng độ che phủ rừng của tỉnh, tác động của rừng đối với môi trường cũng vì thế mà tốt hơn. Thông qua Chương trình trồng, khoanh nuôi, bảo vệ, giao rừng cộng đồng quản lý của Dự án khu vực PN-KB, nhận thức của người dân về ý nghĩa của rừng đối với cuộc sống được nâng cao, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập.

Mới đây chúng tôi có dịp đến xã Hóa Sơn, là một xã có điều kiện kinh tế-xã hội rất khó khăn của huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa, với 380 hộ và 1.600 nhân khẩu. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm khá mạnh (mỗi năm giảm gần 10%). Để có được sự chuyển biến vượt bậc này, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, xã Hóa Sơn đã biết tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình dự án nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển chăn nuôi và trồng rừng.

Ông Đinh Hồng Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn cho biết, nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã là 67% thì hiện nay chỉ còn 39%. Một trong những nguyên nhân quan trọng để Hóa Sơn giảm tỷ lệ hộ nghèo, đó là việc tranh thủ được các chương trình giảm nghèo bền vững. Từ khi được Dự án khu vực PN-KB hỗ trợ trồng cây trám và lim, thì diện tích trồng rừng của xã Hóa Sơn đã nâng lên đáng kể. Đến thời điểm này, toàn xã đã trồng được gần 300ha, trong đó có hơn 200ha keo, 100 ha trám và lim xanh...

Rừng được bảo vệ chặt chẽ.
Rừng được bảo vệ chặt chẽ.

Gia đình anh Đinh Hữu Tiến là một trong những hộ trồng rừng nhiều nhất trên địa bàn xã, với hơn 15 ha và chủ yếu là trồng keo. Thời gian vừa rồi anh thu hoạch 2ha, sau khi trừ chi phí thu về gần 100 triệu đồng. Cũng như anh Tiến, sau một thời gian dài chăm sóc, hiện nay đã có rất nhiều hộ dân đang tiến hành thu hoạch keo, tràm, có thu nhập ổn định, nhiều hộ đã thực sự thoát nghèo từ trồng rừng.

Cũng như xã Hoá Sơn, xã Trọng Hoá đã được Dự án Khu vực PN-KB hỗ trợ cho bà con trồng cây bản địa (cây lim xanh và trám trắng) được 147,82ha, đồng thời giao cho người dân nhận quản lý bảo vệ 5.680ha rừng tự nhiên và chăm sóc 500,6ha. Từ việc trồng rừng và nhận khoán bảo vệ rừng từ nguồn vốn dự án đã tạo cho người dân có thu nhập khá ổn định, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho bà con dân tộc.

Ông Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết, năm 2015 sẽ là năm tập trung quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu tổng thể của toàn dự án.  Trên cơ sở kế hoạch hoạt động và ngân sách 2 năm 2014-2015 của dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt, Ban quản lý Dự án sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục cải thiện năng lực quản lý, bảo vệ của Vườn Quốc gia. Dự án tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền giáo dục người dân nâng cao nhận thức bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của VQG PN-KB .

Trước mắt, Ban quản lý dự án tích cực phối hợp, đôn đốc để sớm hoàn thành giao đất giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cộng đồng tham gia thực hiện kế hoạch dự án năm 2014 trở về trước (huyện Bố Trạch còn 165 hộ gia đình; huyện Minh Hoá còn 4 cộng đồng với 524 hộ; huyện Quảng Ninh còn 3 cộng đồng với 88 hộ).

Dự kiến năm 2015 từ nguồn vốn của dự án sẽ trồng 1.100 ha rừng ở các xã Hoá Sơn và Dân Hoá, huyện Minh Hoá. Hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình tham gia trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh năm 2015...

Tr.T