.

Du lịch Quảng Bình: Còn thiếu điểm dừng chân!

Thứ Tư, 04/03/2015, 10:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Với gần 2,8 triệu lượt khách đến tham quan, năm 2014 được coi là năm đột phá của du lịch Quảng Bình, phát lộ những tín hiệu đáng mừng cho một tương lai du lịch nhiều hứa hẹn. Trong ấn tượng của nhiều du khách, Quảng Bình có phong cảnh đẹp, người dân mến khách, gần gũi, thế nhưng điều đáng lưu ý là, trên những cung đường du lịch vẫn chưa có một trạm dừng chân nào đạt tiêu chuẩn.

Cần một điểm dừng chân!

Anh Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Quảng Bình đã không ít lần dẫn các đoàn khách quốc tế đi tham quan dọc các địa danh trên dải đất Quảng Bình. Nhiều cuộc trò chuyện với các vị khách nước ngoài khiến vị giám đốc công ty lữ hành này không khỏi trăn trở khi hầu hết họ đều ái ngại về những cung đường du lịch còn thiếu các điểm dừng chân hợp lý, đạt tiêu chuẩn.

Trong khi đó, với một du khách, việc được thăm thú cảnh đẹp, người dân mến khách thôi là chưa đủ, mà quan trọng họ phải được trải nghiệm các dịch vụ du lịch tối ưu nhất. “Với khách quốc tế, quan trọng nhất phải là nhà vệ sinh thật sạch sẽ. Thế nhưng, trên các cung đường dẫn khách đi, chưa có một điểm dừng chân nào có được yếu tố đó. Đó cũng là một trở ngại lớn đối với du lịch Quảng Bình để hướng đến một ngành du lịch bền vững”, anh Thành cho hay.

Thực tế cho thấy, hiện nay, trên những cung đường ở tỉnh ta, chưa có một điểm dừng chân du lịch nào chuyên phục vụ khách du lịch, mà chủ yếu là những điểm dừng chân phục vụ chung cho xe vận tải. Đó có thể là một cây xăng có nhà vệ sinh, có bán sản phẩm lưu niệm, hay chỉ đơn giản là một nhà hàng dọc đường Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh.

Điểm chung của những điểm dừng chân “bất đắc dĩ” này là tình trạng các công trình công cộng mất vệ sinh, thái độ phục vụ chưa chuyên nghiệp. Trong khi đó, yêu cầu cần có của một điểm dừng chân du lịch không chỉ đáp ứng những nhu cầu vệ sinh của khách, nghỉ ngơi, thư giãn sau một chặng đường dài, mà còn là địa chỉ để họ trải nghiệm văn hóa của một điểm đến và các sản phẩm đặc trưng của một vùng đất một cách thoải mái nhất.

Du khách từ Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đi tham quan các danh thắng ở Quảng Bình thường dừng chân ở trạm xăng Ngọc Thanh (ngã 3 Khe Ve), tuy nhiên, nơi đây chỉ là điểm dừng chân đơn thuần cho tất cả phương tiện giao thông nên tình trạng vệ sinh thường không bảo đảm khiến doanh nghiệp lữ hành khó có thể đưa khách đến, nhất là khách nước ngoài.

“Thực tế cho thấy, việc xây dựng ở đây một trạm dừng chân du lịch là rất cần thiết. Nếu có thì với những du khách từ cửa khẩu đi du lịch Quảng Bình, họ sẽ có một khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý trước khi về Đồng Hới. Với những du khách đi ngược ra Hà Tĩnh, Nghệ An, họ sẽ có cơ hội để được tìm hiểu sơ qua về những nét văn hóa, sản phẩm đặc trưng của Quảng Bình”, anh Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Quảng Bình cho biết.

Không gian nhà Việt (Vinahouse)-một điểm dừng chân độc đáo, hút khách tại Điện Bàn (Quảng Nam).
Không gian nhà Việt (Vinahouse)-một điểm dừng chân độc đáo, hút khách tại Điện Bàn (Quảng Nam).

“Cơ hội vàng”

Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, thì một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đó là nhiều năm trước, bức tranh du lịch tỉnh ta vẫn còn khá eo sèo. Những năm trở lại đây, sau khi mở nhiều tuyến du lịch mới như: Tuyến du lịch chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới, khám phá hang động Tú Làn, đu dây trên không Zipline... đã thu hút hàng triệu lượt khách đến với Quảng Bình.

Với gần 2,8 triệu lượt khách, 2.748 tỷ đồng doanh thu từ du lịch, năm 2014 được coi là năm đột phá của du lịch Quảng Bình, phát lộ những tín hiệu vui cho một tương lai du lịch nhiều hứa hẹn. “Đây sẽ là cơ hội vàng cho những nhà đầu tư đến với Quảng Bình, xúc tiến đầu tư, xây dựng các điểm dừng chân phục vụ du lịch”, ông Phó Giám đốc sở khẳng định.

Thời gian qua, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giao thông vận tải tiến hành khảo sát, quy hoạch một số địa điểm để xây dựng các trạm dừng chân phục vụ du lịch, trong giai đoạn I sẽ là các điểm: Ngã 3 Khe Ve (Minh Hóa), ngã tư đường tránh Đồng Hới-Hà Huy Tập, đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua khu du lịch Phong Nha và ngã 3 đường 10 (Lệ Thủy). Giai đoạn II, sẽ xây dựng trạm dừng chân tại Quảng Đông (Quảng Trạch) và Sen Thủy (Lệ Thủy)-là điểm đầu và điểm cuối của Quốc lộ 1 đoạn đi qua Quảng Bình.

Các trạm dừng chân này phải bảo đảm các tiêu chí: Hệ thống vệ sinh đạt chuẩn; có hệ thống cung cấp xăng dầu; dịch vụ sửa chữa, rửa xe; dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi; gian hàng bán các sản phẩm địa phương và giới thiệu về du lịch Quảng Bình. Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, dự kiến trong năm 2015 này, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, trước mắt, sở sẽ tiến hành kêu gọi đầu tư xây dựng trạm dừng chân ở ngã tư Hà Huy Tập-đường tránh thành phố Đồng Hới. Đây sẽ là cụm dịch vụ du lịch phục vụ các nhu cầu về vệ sinh, nghỉ ngơi thư giãn, ăn uống... trước khi du khách ghé thăm thành phố.

Quy hoạch là thế, nhưng cũng theo ông Phó Giám đốc sở, việc xây dựng các trạm dừng chân sẽ không thể tránh khỏi những khó khăn. Bởi theo đó, muốn xây dựng một trạm dừng chân phục vụ du lịch đáp ứng đầy đủ các dịch vụ nêu trên, đòi hỏi, cần có một mặt bằng rộng từ 3-5 ha, có đủ chỗ chứa cho 30 xe du lịch cỡ lớn, một nhà hàng có thể phục vụ cho từ 500-1.000 khách. Với quy mô đầu tư tương đối lớn, nhà đầu tư phải thực sự có năng lực tài chính, vừa có khả năng quảng bá, xúc tiến du lịch và một đội ngũ nhân sự đồng bộ, đa ngành nghề.

“Xây dựng được các trạm dừng chân sẽ là một bước tiến mới, tạo đà phát triển bền vững cho ngành du lịch Quảng Bình. Đối với các nhà đầu tư, UBND tỉnh cũng sẽ có các chính sách hỗ trợ tối đa theo đúng Luật Đầu tư”, ông Phó Giám đốc sở khẳng định thêm.

Cần có chính sách hợp lý

Theo một số đơn vị lữ hành chuyên dẫn khách đến Quảng Bình, thì việc xây dựng các trạm dừng chân là hoàn toàn cần thiết và phải là một trong những việc ưu tiên hàng đầu để xúc tiến du lịch tỉnh nhà. Thế nhưng, theo họ, các trạm dừng chân không nên cứng nhắc là phải tích hợp đầy đủ các dịch vụ trên, hoặc cũng không cần đòi hỏi một quy mô quá lớn. Có thể xây dựng một điểm dừng chân chỉ cần một vài dịch vụ như trưng bày các sản phẩm địa phương, giới thiệu về tiềm năng du lịch hay chỉ đơn thuần là cây xăng có dịch vụ vệ sinh đạt chuẩn.

“Du khách đi từ cửa khẩu Cha Lo về Đồng Hới chỉ mất 3h, nên phần đông họ sẽ chọn việc đến Đồng Hới để ăn uống, thay vì dừng chân ở ngã ba Khe Ve. Vậy, nên chăng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu, tiềm năng trước khi bắt tay vào xây dựng, tránh lãng phí”, đại diện một đơn vị lữ hành tại thành phố Đồng Hới khẳng định.

Nhìn quanh các tỉnh, thành trong “Con đường di sản miền Trung”, việc xây dựng và duy trì các điểm dừng chân du lịch không còn là chuyện mới mẻ. Ở một số địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình điểm dừng chân độc đáo, mới lạ, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Câu chuyện về thành công hay thất bại đều đã có.

Tại Hội An (Quảng Nam), điểm dừng chân tại số 57, đường Trần Phú đã đón khoảng 3.000 lượt khách, phần đông là khách quốc tế chỉ sau gần một năm đi vào hoạt động. Không theo bất kỳ một khuôn mẫu nào, nơi đây chỉ đơn giản là địa điểm trưng bày các hình ảnh về nghệ thuật diễn xướng dân gian, các làng nghề truyền thống, sinh hoạt dân gian, hay các hoạt động trình diễn, giới thiệu đất và người xứ Quảng. Không tích hợp tất cả các dịch vụ nhưng địa chỉ này vẫn thu hút bước chân người ghé lại bởi ở đó, họ cảm nhận được sâu sắc nét văn hóa độc đáo, lâu đời của phố cổ Hội An.

Trở lại với câu chuyện du lịch Quảng Bình, với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, việc xây dựng các điểm dừng chân, các sản phẩm du lịch hợp lý sẽ tạo đà để du lịch tỉnh nhà có những bước tiến xa hơn nữa trong hành trình chinh phục du khách. Tuy nhiên, “cơ hội vàng” vẫn sẽ là cơ hội còn bỏ ngỏ nếu chưa có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể; chưa có được sự tính toán kỹ lưỡng, cân đối giữa cung-cầu, phù hợp với tiềm năng của địa phương, tiềm lực của doanh nghiệp.

Diệu Hương